Tây An - đi lên từ đất
15:7', 5/6/ 2003 (GMT+7)

Điểm trình diễn sản xuất giống lúa cấp I

Tuy giữa mùa hè nắng kéo dài gay gắt nhưng các cánh đồng của xã Tây An (huyện Tây Sơn) vẫn đủ nước, lúa hè thu phát triển tốt tươi, hứa hẹn có thêm một vụ bội thu. Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, anh Trịnh Văn Thừa, cho biết: Trong vòng 16 năm năng suất, sản lượng lúa của xã tăng gần gấp đôi, lượng lương thực bình quân đầu người năm 2002 đạt 989 kg, gấp gần 2,5 lần năm 1987. Tây An ngày nay có gần 1.300 hộ thì 100% số hộ được sử dụng điện, hầu như tất cả đều có nhà tường xây, lợp ngói, trong đó 10% là nhà mái bằng. Anh Thừa khẳng định. “Sự đi lên của Tây An là từ đất!”.

* Người nuôi đất, đất nuôi người!

Vẫn diện tích tự nhiên 1.044 ha nằm ở 4 thôn Trà Sơn, Đại Chí, Mỹ Đức, Háo Nghĩa nhưng trong những năm qua nhân dân Tây An đã làm cho đất sinh lợi ngày một nhiều hơn. Khai hoang, cải tạo đồng ruộng kết hợp với làm thủy lợi là biện pháp được đặt ở vị trí hàng đầu. Cánh đồng Gò Củ xưa kia là vùng gò cao để làm nơi mai táng người chết. Năm 1987 Đảng ủy có Nghị quyết tiến hành cải tạo đồng Gò Củ, chuyển trên 1.000 ngôi mộ vào vùng đồi núi Đại Chí, Trà Sơn để mở rộng diện tích trồng lúa nước. Nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có lắm ý kiến phản đối, hoài nghi cho rằng khó đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng Đảng bộ kiên trì tuyên truyền, giải thích kéo dài trong gần 1 năm và sau 2 năm thi công, cánh đồng Gò Củ rộng 49 ha mỗi năm tốt tươi 3 vụ lúa. Vùng gò đồi phía tây bắc hai thôn Đại Chí, Trà Sơn xưa kia hoang hóa. Năm 1986 xã đề nghị và được tỉnh phê duyệt xây dựng khu kinh tế mới Đồng Qui. Bằng nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên và sự đóng góp của nhân dân trong xã, một số cơ sở hạ tầng ở khu kinh tế mới đã được xây dựng, 88 hộ từ các thôn trong xã và từ các xã Bình Thuận, Tây Bình, Tây Vinh, Bình Hòa, cả một số hộ ở xã Nhơn Thành (huyện An Nhơn) đã về đây lập nghiệp. Từ vùng đất hoang hóa, khu kinh tế mới Đồng Qui đã khai hoang trồng 22 ha lúa nước và gần 90 ha làm kinh tế vườn.

Đồng ruộng của xã Tây An thuộc loại cao, với 430 ha trồng lúa nước thì trước có đến 179 ha mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa. Muốn tăng vụ, tăng năng suất cần phải làm thủy lợi. Đó là quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân xã Tây An. Năm 1987 xã khởi công xây dựng hồ chứa nước Hố Ông Kiên. Sau hai năm thi công, công trình hoàn thành có sức chứa 720.000 m3 nước. Có nước hồ, 32 ha ruộng ở đồng xóm Trung, đồng xóm Đông thôn Đại Chí từ chỗ chỉ sản xuất được vụ lúa đông xuân trở thành ruộng sản xuất hai ba vụ. Năm 1999 hồ Đập Làng ở khu kinh tế mới Đồng Qui được đưa vào khai thác tưới cho 22 ha. Trạm bơm điện Tây An có công suất 270 m3/giờ vừa đưa vào hoạt động, trước mắt tưới cho 19 ha ở cánh đồng Hóc Lớn thôn Đại Chí. Địa phương đang tiếp tục làm kênh mương để đưa diện tích được tưới lên 26 ha. Bên cạnh các công trình thủy lợi của địa phương, Tây An còn thường xuyên tu sửa kênh mương và cải tạo đồng ruộng nên từ năm 1996 đã được hưởng nguồn nước tự chảy từ hệ thống kênh mương hồ Thuận Ninh về tưới cho 116 ha. Nhờ làm tốt công tác thủy lợi nên diện tích mỗi năm sản xuất một vụ lúa từ 179 ha hiện nay chỉ còn 39 ha. Bên cạnh đó, Tây An mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất bình quân trước năm 1987 là 27tạ/ha/vụ, nay lên 52,3 tạ/ha/vụ, sản lượng lúa từ 3.300 tấn/năm lên 5.600 tấn/năm.

* Đã có một Tây An khá giả

Từ đất đi lên, Tây An còn phát triển sản xuất gạch ngói, được thiên nhiên ưu đãi có nhiều vùng đất sét, xã đã có quy hoạch, kế hoạch khai thác hợp lý để làm nguyên liệu cho 42 lò gạch ngói. Các lò gạch ngói không những giải quyết việc làm cho cả trăm lao động mà còn làm tăng thêm giá trị của đất, tạo thêm sản phẩm từ đất để làm giàu cho quê hương. Bà con trong xã cho biết, Tây An còn có ... đất ở các tỉnh Tây Nguyên. Những năm qua, một số hộ gia đình lên Tây Nguyên làm ăn theo kiểu "một bổn hai quê". Được đồng ý của chính quyền sở tại, bà con đã khai hoang và nhận chuyển nhượng đất để trồng cà phê. Hiện nay 147 hộ dân Tây An có 240 ha cà phê ở Tây Nguyên. Những người đi sớm, khi giá cà phê còn ổn định ở mức cao đã trở nên giàu có, sử dụng nguồn vốn tích lũy từ Tây Nguyên về đầu tư sản xuất tại quê nhà. Đi lên từ đất tại quê hương và tại Tây Nguyên, từ đất trồng trọt cho đến đất sử dụng vào mục đích công nghiệp và bắt đất quay vòng nhiều hơn đã làm cho các nguồn thu nhập từ đất tăng nhanh, đời sống kinh tế xã hội ở Tây An phát triển khá. Số hộ nghèo giảm nhanh, hộ giàu tăng lên. Nếu lấy mức thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên thì có đến 7-8% số hộ (tức là từ 90-103 hộ) đạt mức này. Hộ các ông Nguyễn Nghiêm, Đỗ Nhị, Huỳnh Tấn Sang, Nguyễn Dương, Phan Vĩnh Thừa… và nhiều người khác nữa là tấm gương sáng về làm giàu từ đất.

Là một trong những xã mạnh của huyện Tây Sơn, Tây An hai năm liền được Bộ Công an trao cờ thưởng Đơn vị lá cờ đầu trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Và, 7 năm liền (1996-2002) Đảng bộ Tây An được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đó là ghi nhận về sự phát triển vững chắc và ổn định của Tây An trên con đường đi lên cùng đất nước.

. Vũ Trung Hùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)
Cảng Quy Nhơn tăng tốc  (03/06/2003)
Muối - Nỗi đau được mùa  (02/06/2003)
Sáng tạo lò sấy quặng bằng than thay dầu Diezel  (01/06/2003)
Ai bảo hộ lao động cho nông dân?   (30/05/2003)
Ở một Xí nghiệp quân đội làm kinh tế  (29/05/2003)
Thành công trong gian khó  (28/05/2003)
Tuy Phước khốn đốn vì nạn dịch tôm  (27/05/2003)
Góp phần phát triển du lịch sinh thái biển  (26/05/2003)
Làm gì để có 10.000 thuê bao Internet vào năm 2005?  (25/05/2003)
Tin vui cho người nuôi bò sữa  (24/05/2003)
Theo chân những người khai thác yến sào  (23/05/2003)
Hiệu quả hoạt động của khu du lịch Bãi Dài có tác động rất lớn đến kinh tế du lịch Bình Định  (22/05/2003)
Nhìn từ làng nghề chế biến hải sản Mỹ An  (22/05/2003)
Bảo vệ đa dạng sinh học - những thách thức trên đường phát triển   (21/05/2003)