Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc ở Hoài Ân
16:49', 6/6/ 2003 (GMT+7)

Xe vận chuyển gỗ lậu bị bắt quả tang

Sau một thời gian bị truy quét gắt gao, nạn vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn huyện Hoài Ân có phần lắng dịu. Thế nhưng hiện nay, tình hình vận chuyển gỗ trái phép tại đây lại diễn ra phức tạp hơn. Bọn lâm tặc đã chống đối, hành hung Kiểm lâm và những người tham gia bảo vệ rừng với mức độ khá nghiêm trọng.

* Lâm tặc ngày càng hoành hành

Hoài Ân có trên 53.100 ha đất lâm nghiệp chiếm 71,45% đất tự nhiên. Diện tích đất có rừng và đất quy hoạch sử dụng cho lâm nghiệp phân bổ ở 14/14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Diện tích rừng lớn, giáp ranh với nhiều huyện khác trong tỉnh, đường giao thông cách trở, trong khi lực lượng Kiểm lâm mỏng, phương tiện đi lại vừa cũ, vừa thiếu thốn nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Vì vậy bọn lâm tặc đã lợi dụng những yếu điểm đó để khai thác gỗ và vận chuyển trái phép. Ông Cao Văn Hường, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân cho biết: Hiện nay, bọn lâm tặc bắt đầu hoạt động trở lại ở các khu rừng thuộc thôn Nghĩa Điền, Phú Trị xã Ân Nghĩa, thôn Tân Xuân xã Ân Hảo, xã Bok Tới… với những hành vi xảo quyệt hơn. Hoạt động của chúng thường vào khoảng thời gian từ 1-3 giờ sáng.

Trước lúc hành động, lâm tặc cho người theo dõi lực lượng Kiểm lâm, khi có động tĩnh chúng báo ngay cho đồng bọn. Bọn lâm tặc sử dụng lực lượng áp tải hàng gồm từ 5-10 người, và phân chia nhiều ngả đường khác nhau. Thường thì cứ 2 người một xe, người ngồi sau ôm gỗ, khi phát hiện có Kiểm lâm, bọn chúng chạy tốc độ cao, người ngồi sau chờ xe của Kiểm lâm đến gần rồi bỏ gỗ xuống đột ngột giữa đường để ngăn cản sự truy đuổi của Kiểm lâm. Trong những trường hợp này, rất dễ xảy ra tai nạn. Khi phát hiện lực lượng Kiểm lâm yếu hơn, chúng tìm cách dấu gỗ rồi chặn xe Kiểm lâm gây gổ, hành hung.

Ngày 4-6-2003, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà đã ký Chỉ thị số 20 về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ thị nêu rõ: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần đẩy nhanh việc thực hiện giao đất lâm nghiệp, giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân hộ gia đình, không để xảy ra tình trạng rừng không có chủ. Phải huy động lực lượng đủ mạnh để truy quét, triệt phá những ổ, nhóm phá rừng, kiên quyết trấn áp bọn lâm tặc chống người thi hành công vụ. Chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp của mình về tài nguyên rừng trên địa bàn, nơi nào để xảy ra tình trạng lâm tặc phá rừng trên địa bàn thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố và những người lãnh đạo trực tiếp của địa phương đó phải bị xử lý kỷ luật.

UBND tỉnh giao cho Chi cục kiểm lâm phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức truy quét bọn lâm tặc trên những địa bàn trọng điểm nhất là các khu rừng giáp ranh các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên và Gia Lai; đồng thời tổ chức phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh các nhà hàng, quán ăn đặc sản chế biến từ các loại động vật rừng hoang dã, quí hiếm.               

. Khánh Hoàng

Khoảng 5 giờ sáng ngày 14-5, nhận được tin báo của nhân dân có nhiều chuyến xe chở gỗ lậu bắt đầu khởi động từ xã Ân Nghĩa xuống Bồng Sơn tiêu thụ. Sau nhiều giờ liền mai phục, lực lượng Kiểm lâm đã tóm gọn được 2 tên tài xế cùng tang vật tại thôn Phú Nga xã Hoài Đức (Hoài Nhơn). Khi bắt được quả tang, bọn chúng đã chống trả quyết liệt, buộc Hạt phải nhờ tới lực lượng công an huyện mới áp tải được về huyện. Còn ở xã Bok Tới, bọn khai thác vận chuyển gỗ đã hành hung một số nông dân bị chúng nghi là có tiết lộ hành tung của của chúng cho Kiểm lâm. Nhiều người, kể cả cán bộ và nhân dân ở các xã Ân Sơn, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Nghĩa đã bị bọn lâm tặc đánh và uy hiếp. Gần đây nhất, ngày 10-5, trong lúc thi hành công vụ, anh Bình cán bộ Hạt Kiểm lâm đã bị tên Nguyễn Văn Bé ở thôn Phú Hữu xã Ân Tường Tây cùng đồng bọn đánh bị thương phải nằm viện. Ngoài ra, bọn chúng còn có những hành động phá hoại kinh tế, hăm dọa vợ con các nhân viên Kiểm lâm nhằm làm nhụt chí lực lượng Kiểm lâm. Điển hình như tên: Nguyễn Văn Bé, ở thôn Ân Tường Tây, Đỗ Dự, Lê Văn Thành, Nguyễn Văn Vĩ và tên Vương ở thị trấn Tăng Bạt Hổ..

* Chống lâm tặc, chỉ riêng Kiểm lâm là chưa đủ

Đó là nhận định của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân -  Nguyễn Văn Bổ. Ông Bổ cho biết: Trong những năm qua, Hạt đã phân bổ cán bộ đứng chân ở cơ sở cùng với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng sâu rộng trong nhân dân và đã đạt được những thành quả đáng kể. Tuy nhiên, tình hình chặt củi, đốt than, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra hầu hết các xã trong huyện, nhất là thời gian gần đây. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đời sống nông dân ở gần rừng còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu việc làm dẫn đến chặt củi đốt than, vận chuyển gỗ để kiếm tiền. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng.

Theo ông Bổ, để công tác quản lý bảo vệ rừng đạt kết quả, Nhà nước cần phải sửa đổi Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 1991, tăng thêm quyền lực nhằm đáp ứng được thử thách trong công tác bảo vệ rừng hiện nay. Bên cạnh sự nỗ lực của hạt Kiểm lâm, các ngành các cấp trên địa bàn huyện cần thực hiện đúng tinh thần của Quyết định 245/1998/TT (ngày 21-12-1998) của Thủ tướng Chính phủ về việc “thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp các ngành về rừng và đất lâm nghiệp”. Đồng thời có biện pháp và kế hoạch tạo công ăn việc làm cho nông dân, đối với đối tượng vi phạm lâm luật phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Có thể nói, không riêng Hoài Ân, ở Bình Định nơi nào có rừng thì ở đó có nạn phá rừng, có nạn cán bộ kiểm lâm bị đe dọa tính mạng. Tình trạng này dây dưa kéo dài từ hai ba năm nay và đã đến lúc cần phải có những biện pháp mới, quyết liệt, để những người bảo vệ rừng có thể yên tâm làm nhiệm vụ.

. Phạm Tiến Sỹ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tây An - đi lên từ đất  (05/06/2003)
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)
Cảng Quy Nhơn tăng tốc  (03/06/2003)
Muối - Nỗi đau được mùa  (02/06/2003)
Sáng tạo lò sấy quặng bằng than thay dầu Diezel  (01/06/2003)
Ai bảo hộ lao động cho nông dân?   (30/05/2003)
Ở một Xí nghiệp quân đội làm kinh tế  (29/05/2003)
Thành công trong gian khó  (28/05/2003)
Tuy Phước khốn đốn vì nạn dịch tôm  (27/05/2003)
Góp phần phát triển du lịch sinh thái biển  (26/05/2003)
Làm gì để có 10.000 thuê bao Internet vào năm 2005?  (25/05/2003)
Tin vui cho người nuôi bò sữa  (24/05/2003)
Theo chân những người khai thác yến sào  (23/05/2003)
Hiệu quả hoạt động của khu du lịch Bãi Dài có tác động rất lớn đến kinh tế du lịch Bình Định  (22/05/2003)
Nhìn từ làng nghề chế biến hải sản Mỹ An  (22/05/2003)