Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An
17:41', 8/6/ 2003 (GMT+7)

Kiểm tra lồng nuôi tôm hùm

Xã Mỹ An (Phù Mỹ) có bờ biển dài 7,3 km. Trước đây, ngư dân ở đây sống chủ yếu bằng các nghề khai thác hải sản. Khoảng 4 năm trở lại đây, nghề nuôi tôm hùm lồng đã được người dân ở xã Mỹ An chú ý phát triển.

Tuy phát triển sau, nhưng Mỹ An là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề này: quỹ mặt nước có khả năng phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng còn nhiều; biển Mỹ An có tính đa dạng sinh học cao, kín gió, nước trong và không bị ô nhiễm, có độ mặn ổn định từ 30‰ đến 34‰ phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của con tôm hùm. Ông Nguyễn Văn, cán bộ theo dõi thủy sản của Phòng Nông nghiệp huyện Phù Mỹ, cho biết: “Đời sống của con tôm gắn liền với môi trường nước. Nguồn nước tốt như vậy con tôm lớn nhanh và ít bệnh tật”. Ngoài ra, địa hình ở đây cũng rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng do ít bị ảnh hưởng của sóng gió. Ở Mỹ An hiện có 40-50 ghe tàu hoạt động đánh bắt tôm hùm giống nên không lo thiếu nguồn tôm giống. Thức ăn cho tôm chủ yếu là các loại cá tạp, cua, ghẹ… cũng rất có sẵn ở đây.

Nhờ những lợi thế này, nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An đã phát triển mạnh trong mấy năm gần đây. Hiện nay Mỹ An có 8 hộ nuôi với khoảng 35 lồng. Những hộ nuôi tôm hùm lồng ở đây cho biết, trung bình 1 con tôm giống mua giá khoảng 70 ngàn đồng, sau 4 tháng nuôi bán được 150 ngàn đồng. Với giá cả như vậy, sau khi trừ các khoản chi phí và hao hụt, người nuôi lãi 35-40%. Ông Trương Văn An, một hộ nuôi tôm hùm lồng ở đây cho biết: “Tôi bắt đầu nuôi tôm hùm lồng 3 năm nay. Ban đầu do chưa quen và chưa có kinh nghiệm nên lãi khoảng 15%. Nhưng 2 năm nay nhờ khắc phục được những hạn chế đó nên năm nào cũng lãi 40%”. Nhưng ông không phải là trường hợp duy nhất có lãi. Ông Nguyễn Trọng Yến, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ An, cho biết: “Những hộ nuôi tôm hùm lồng ở đây mấy năm qua không có ai bị lỗ cả. Đây là mô hình sản xuất rất phù hợp với điều kiện của địa phương. Xã đang khuyến khích bà con đầu tư phát triển mô hình này vì tiềm năng sản xuất mô hình này ở đây còn rất lớn”.

Tuy nhiên, hiện nay người nuôi tôm hùm lồng ở đây vẫn còn gặp khó khăn về vốn và kỹ thuật. Do phát triển tự phát, nên những người nuôi tôm hùm ở Mỹ An không nắm vững về kỹ thuật mà chỉ dựa vào kinh nghiệm. Nhiều hộ hiện cũng đang muốn phát triển mạnh nghề này nhưng đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Ông Trương Văn An cho biết: “Hiện tôi đang nuôi 4 lồng tôm và muốn mở rộng ra nữa nhưng lại thiếu vốn. Để đầu tư nuôi 1 lồng như vậy thì ít nhất phải cần 10 triệu đồng. Số tiền này so với điều kiện kinh tế của người dân ở đây là rất lớn”.

Có thể nói, việc phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An đang mở ra một triển vọng mới cho vùng biển này. Nhưng để thúc đẩy nghề này phát triển mạnh, đạt hiệu quả cao và chắc chắn hơn thì những người nuôi tôm hùm lồng ở đây còn cần rất nhiều sự giúp đỡ về vốn và kỹ thuật.

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc ở Hoài Ân   (06/06/2003)
Tây An - đi lên từ đất  (05/06/2003)
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)
Cảng Quy Nhơn tăng tốc  (03/06/2003)
Muối - Nỗi đau được mùa  (02/06/2003)
Sáng tạo lò sấy quặng bằng than thay dầu Diezel  (01/06/2003)
Ai bảo hộ lao động cho nông dân?   (30/05/2003)
Ở một Xí nghiệp quân đội làm kinh tế  (29/05/2003)
Thành công trong gian khó  (28/05/2003)
Tuy Phước khốn đốn vì nạn dịch tôm  (27/05/2003)
Góp phần phát triển du lịch sinh thái biển  (26/05/2003)
Làm gì để có 10.000 thuê bao Internet vào năm 2005?  (25/05/2003)
Tin vui cho người nuôi bò sữa  (24/05/2003)
Theo chân những người khai thác yến sào  (23/05/2003)
Hiệu quả hoạt động của khu du lịch Bãi Dài có tác động rất lớn đến kinh tế du lịch Bình Định  (22/05/2003)