Bài học về công tác tiêm phòng gia súc ở Tuy Phước
15:43', 9/6/ 2003 (GMT+7)

Cụ bà Phú rầu rĩ với đàn heo bị bệnh

Hai năm trở lại đây, giá heo hơi thịt luôn ở mức từ 11 ngàn đồng đến 14 ngàn đồng/kg, giá heo giống từ 20 ngàn đồng đến 26 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá ổn định trong thời gian dài có lợi cho nghề chăn nuôi. Sau khi trừ chi phí, với giá như trên mỗi tạ heo hơi xuất chuồng có lãi từ 200 ngàn đến 400 ngàn đồng, còn nuôi heo nái lãi nhiều hơn. Vì thế đàn heo ở Tuy Phước liên tục tăng trưởng và hiện đạt mức 44 ngàn con. Tuy phát triển nhưng chăn nuôi heo ở Tuy Phước lại đang đứng trước nguy cơ phát triển không bền vững.

Cuối tháng 5-2003, theo chân của một thú y viên đến thôn Kim Tây (xã Phước Hòa), tôi hết sức ngỡ ngàng khi biết đàn heo ở đây đang tiêu điều vì bị dịch bệnh. Cụ bà Huỳnh Thị Phú, ở xóm Miễu Thượng, ngồi trong chuồng thoa dầu nóng cho 2 heo nái và 12 heo con, với dáng mệt mỏi nhiều ngày thức trắng trông đàn heo, rầu rĩ nói: "Heo tôi mua chợ Gò Bồi 4 con về nuôi, đã bán 2 con, còn 2 con gầy nái đẻ được 12 con, bắt bệnh 20 ngày rồi chữa cũng không bớt". Bà đã kêu 2 ông thú y tư tiêm thuốc, nhưng mỗi ngày bệnh nặng thêm. Nếu không có gì chỉ một tháng nữa xuất chuồng cầm chắc kiếm được 3 triệu đồng, đằng này… Khi hỏi mua heo ở chợ về có tiêm phòng không? Bà lắc đầu "biết chi mà tiêm phòng".

Ở xóm Miễu Thượng, còn có anh Hưng, anh Hậu, nhà cả heo nái và heo con đều bị bệnh. Nhà bà Sáu Sanh, mới mua 4 heo con ở chợ Gò Bồi về nuôi mấy ngày 2 con đổ bệnh chết, còn 2 con trong tình trạng hấp hối. Hộ chị Nguyễn Thị Sơn, 9 heo con đến ngày xuất bán thì đổ bệnh cả heo nái, điều trị hơn 10 ngày rồi chưa thấy thuyên giảm. Một số hộ có heo bị bệnh dài ngày không nỡ giết chết, hoặc đem chôn, lại bắt thả rông ngoài đường vô tình lại truyền bệnh, có người bắt heo này về nhà làm thịt ăn.

Ông Trần Văn Lang, ở xóm Than, vừa chi phí tiền thuốc cho đàn heo bệnh hết 500 ngàn đồng (một heo nái đã chết, 3 heo lứa phải bán tống bán tháo) cho biết: "Gia đình tôi nuôi 2 heo nái giống, 3 con lứa và 9 con con. Con heo nái bị bệnh gì tôi cũng chạy hết mình, thú y tiêm rất nhiều nhưng không bớt. Heo nái đẻ 9 con hiện nay cũng bỏ không thể nào sống được, và con nái thứ 2 tiếp tục đau không chữa được. Người nông dân ở đây sống nhờ cây lúa và chăn nuôi mà không yên tâm bệnh tình của heo càng ngày càng xảy ra không chữa được, yêu cầu Nhà nước làm sao tiêm chủng cho đầy đủ, để bà con chăn nuôi có đồng tiền sống cho rộng rãi".

Ở xã Phước Hòa, đàn heo ở các thôn Tân Mỹ, Bình Lâm, Kim Đông cũng đang bị bệnh. Ông Công Chiến, phụ trách chăn nuôi - thú y xã, cho rằng: "Dịch bệnh là do tiêm phòng không đầy đủ. Đàn heo cả xã có tới 6-7 ngàn con, vụ thu đông vừa rồi chỉ tiêm 2.500 liều vắc xin dịch tả và phó thương hàn được 1.250 con, số còn lại không tiêm. Thú y đến nhà họ nói thuê người tiêm phòng rồi, số heo nái đang thời kỳ có chửa và nuôi con thì không tiêm phòng. Dạo này trên địa bàn xã rất nhiều thú y tư hoạt động rất khó kiểm soát". Dịch bệnh còn lây sang xã bạn Phước Thắng và một số vùng có điểm giao lưu họp chợ mua bán thịt gia súc không có lực lượng kiểm dịch thú y. Heo bị bệnh hầu hết có một triệu chứng: sốt cao, phân bón, sau chuyển phân sang màu vàng lỏng, bỏ ăn, mắt lim dim nằm li bì, điều trị kháng sinh không khỏi. Chẩn đoán lâm sàng bằng mắt thường các thú y đều nói bệnh phó thương hàn, có thú y nói bị dịch tả khô.

Được biết, hàng năm Trạm thú y Tuy Phước tổ chức 2 đợt tiêm phòng cho đàn gia súc thu đông và xuân hè. Cuối tháng 6-2003 này mới triển khai tiêm phòng xuân hè cho đàn heo, còn đàn trâu; bò tiêm phòng xong 12 ngàn liều vắc xin lở mồm long móng trong tháng 5. Tỷ lệ tiêm phòng thấp, chỉ có 55% đàn heo và 70% đàn trâu, bò được tiêm phòng, số còn lại không tiêm phòng thì xảy ra dịch bệnh là tất yếu.

Ông Đào Văn Hùng, Trưởng trạm thú y huyện Tuy Phước, cho biết: "Hàng năm chúng tôi vẫn tiến hành tổ chức 2 lần tiêm phòng trong năm (đông xuân và hè thu ), và cung cấp 2 điểm dịch vụ vắc xin cho bà con tại Trạm thú y phục vụ cánh nam, và một điểm cánh bắc. Nhưng tỷ lệ tiêm phòng hàng năm các bệnh trọng điểm đối với heo như phó thương hàn và dịch tả vẫn còn thấp so với nhu cầu". Dịch bệnh trên đàn heo ở số vùng trong huyện đang biến động xấu, cộng vào đó thời tiết chuyển mùa, lại tiêm phòng không đúng cách, kiểm dịch động vật ở các chợ còn chưa tốt, ý thức tiêm phòng chưa nâng cao ở người chăn nuôi tạo dịch bệnh còn có cơ hoành hành.

Để chặn đứng dịch bệnh, người chăn nuôi Tuy Phước đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp của ngành chức năng. Trước mắt cần khống chế dịch bệnh đối các vùng vừa xảy ra và tổ chức tiêm phòng vụ xuân hè cho toàn bộ đàn gia súc trên địa bàn huyện.

. Xuân Thức

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An  (08/06/2003)
Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc ở Hoài Ân   (06/06/2003)
Tây An - đi lên từ đất  (05/06/2003)
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)
Cảng Quy Nhơn tăng tốc  (03/06/2003)
Muối - Nỗi đau được mùa  (02/06/2003)
Sáng tạo lò sấy quặng bằng than thay dầu Diezel  (01/06/2003)
Ai bảo hộ lao động cho nông dân?   (30/05/2003)
Ở một Xí nghiệp quân đội làm kinh tế  (29/05/2003)
Thành công trong gian khó  (28/05/2003)
Tuy Phước khốn đốn vì nạn dịch tôm  (27/05/2003)
Góp phần phát triển du lịch sinh thái biển  (26/05/2003)
Làm gì để có 10.000 thuê bao Internet vào năm 2005?  (25/05/2003)
Tin vui cho người nuôi bò sữa  (24/05/2003)
Theo chân những người khai thác yến sào  (23/05/2003)