Phát triển giao thông nông thôn ở An Lão:
Thành công nhờ biết huy động sức dân
16:14', 11/6/ 2003 (GMT+7)

Thi công bê tông hóa giao thông nông thôn

Là một huyện vùng cao, có nhiều sông suối, đồi núi, nên mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) ở An Lão rất trắc trở. Chỉ cách đây chừng 3 năm, những ai lên đây đều ngán ngẩm khi đi trên những con đường liên xã gồ ghề và đèo dốc, đường vào thôn, làng khúc khuỷu quanh co chỉ đi bộ chứ không có một phương tiện giao thông nào có thể đi lại được.

Với hệ thống giao thông như vậy, khiến cho đời sống nhân dân vùng cao này gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế. Đây là nỗi bức xúc thường trực của chính quyền và nhân dân địa phương. Bởi vậy, khi tỉnh có chủ trương bê tông hóa GTNT, chính quyền và nhân dân An Lão rất đồng tình. Sự hỗ trợ 150 tấn xi măng/km đường của tỉnh, là cơ hội để họ cải thiện giao thông ở địa phương mình. Thế nhưng, để thực hiện tốt chủ trương này, đòi hỏi chính quyền và nhân dân nơi đây phải nghĩ ra được cách làm phù hợp. Không như những địa phương đồng bằng, điều kiện để huy động thêm vốn làm đường ở An Lão rất khó khăn vì kinh tế kém phát triển. Hình thức được chính quyền và nhân dân nơi đây lựa chọn đó là: xi măng tỉnh hỗ trợ, huyện hỗ trợ 20 triệu đồng/km tiền vận chuyển, dân đóng góp ngày công khai thác cát, đá và tự làm có sự giám sát và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ huyện. Điều quan trọng trong công tác huy động sức dân này là thực hiện tốt việc công khai dân chủ. Để tránh sự so đo, huyện giao thẳng xuống cho xã, xã giao xuống cho thôn và thôn giao xuống cho xóm tự huy động và làm lấy. Ông Nguyễn Văn Chúc, trưởng thôn Xuân Phong, nơi có phong trào làm đường bê tông mạnh nhất xã An Hòa, cho biết: "Để tránh việc nói qua nói về, chúng tôi giao thẳng định mức đóng góp đến hộ gia đình theo nhân khẩu và thành lập Ban quản lý gồm đại diện các ngành trong thôn để theo dõi và giám sát". Với cách làm như vậy, người dân ai nấy cũng đồng tình, nhờ đó phong trào làm bê tông GTNT ở đây phát triển rất nhanh. Hiện nay ở đây hầu như những con hẻm, những đoạn đường thường lầy lội vào mùa mưa đều đã được bê tông hóa.

Chẳng những riêng thôn Xuân Phong và xã An Hòa, hiện các địa phương khác ở An Lão đều làm theo hình thức này. Ông Nguyễn Hữu Đấu, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: "Nhờ huy động đúng sức dân như vậy, nên chỉ qua 3 năm triển khai, An Lão đã bê tông hóa được 58 km đường liên xã và liên thôn. Những con đường này đã tạo điều kiện để các xã ở đây phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa và nâng cao đời sống nhân dân".

Trên đường vào xã An Quang, chúng tôi gặp anh Đinh Nhan một người dân trong xã đang cùng bà con làm đường bê tông, anh ngừng tay và vui vẻ cho biết: "Với việc đóng góp ngày công như thế này, nếu tỉnh và huyện còn hỗ trợ thì bà con chúng tôi sẽ dần dần bê tông hết các con đường trong xã". Anh Đinh Văn Tài, một người cũng đang làm đường tại đây, cho biết thêm: "Mỗi hộ đóng góp vài ngày công lao động để làm đường thì có đáng là bao, nhưng cái được là rất lớn. Những đoạn đường đã được bê tông năm trước, vào mùa mưa vừa rồi bà con chúng tôi đi lại bình thường chứ không phải lội bì bõm như ngày trước". Chẳng những vậy, nhờ những con đường bê tông này mà hiện nay việc giao thương hàng hóa ở các xã vùng cao của huyện được thuận lợi hơn. Hiện các bản làng của các xã vùng cao trong huyện hàng ngày đều có người dưới xuôi chở hàng hóa lên bán và mua nông sản của bà con. Chị Đinh Thị Lua, một nông dân ở An Quang, tâm sự: "Ngày trước, khi giao thông còn trắc trở chúng tôi muốn mua hay bán cái gì cũng rất khó khăn. Nhưng bây giờ thì đỡ rồi, chúng tôi làm ra sản phẩm đã có người mua".

Về đây, đi trên những con đường bê tông xi măng, chúng tôi như cảm thấy An Lão đang bừng lên một sức sống mới. Hy vọng, đây là một trong những tiền đề để trong tương lai không xa, An Lão có sự đổi thay vượt bậc cả về kinh tế lẫn xã hội.

. Phạm Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tạo được chữ tín với khách hàng  (10/06/2003)
Băn khoăn cùng Phước Hưng  (09/06/2003)
Bài học về công tác tiêm phòng gia súc ở Tuy Phước   (09/06/2003)
Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An  (08/06/2003)
Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc ở Hoài Ân   (06/06/2003)
Tây An - đi lên từ đất  (05/06/2003)
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)
Cảng Quy Nhơn tăng tốc  (03/06/2003)
Muối - Nỗi đau được mùa  (02/06/2003)
Sáng tạo lò sấy quặng bằng than thay dầu Diezel  (01/06/2003)
Ai bảo hộ lao động cho nông dân?   (30/05/2003)
Ở một Xí nghiệp quân đội làm kinh tế  (29/05/2003)
Thành công trong gian khó  (28/05/2003)
Tuy Phước khốn đốn vì nạn dịch tôm  (27/05/2003)
Góp phần phát triển du lịch sinh thái biển  (26/05/2003)