Phát triển kinh tế vườn rừng ở Hoài Ân:
Hiệu quả đã thấy rõ
17:55', 12/6/ 2003 (GMT+7)

Trang trại cây ăn quả của anh Phan Duy Mạnh ở xã Ân Tường Đông

Năm 1998, phát triển kinh tế vườn rừng trở thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo của huyện Hoài Ân. Nông dân trong huyện đã cải tạo đất vườn nhà, đất rừng để phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình đã biết kết hợp trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội làm vườn huyện Hoài Ân cho biết: Huyện Hoài Ân có trên 74.400 ha đất tự nhiên, phần lớn là đất lâm nghiệp và đất chưa sử dụng. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển kinh tế, nhất là kinh tế vườn rừng. Năm 1998, phát triển kinh tế vườn rừng trở thành chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện, từ đó phong trào cải tạo đất vườn rừng để phát triển kinh tế bắt đầu phát triển một cách mạnh mẽ. Dựa vào điều kiện đất đai và các điều kiện khác, huyện đã quy hoạch những diện tích đất đồi, đất rừng, giao quyền sử dụng đất lâu dài cho dân, đồng thời vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh sự hỗ trợ từ các chương trình dự án như: 135, 120, 327, huyện đã mở một số dịch vụ cung ứng các giống cây, con có hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối thuận lợi, đồng thời hướng dẫn các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho nông dân. Nông dân được ưu tiên vay vốn, và được tạo nhiều điều kiện thuận lợi khác để phát triển kinh tế vườn rừng, nên phong trào cải tạo đất vườn rừng phát triển ngày một mạnh hơn.

Chúng tôi đến xã Ân Tường Đông, nơi có phong trào phát triển kinh tế vườn rừng mạnh nhất nhì trong huyện. Ông Võ Đình Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông, cho biết: "Chủ trương phát triển kinh tế vườn rừng của huyện phù hợp với yêu cầu nguyện vọng của nông dân trong xã, nên ngày càng có nhiều hộ gia đình cải tạo vườn tạp, nhận đất đồi rừng để phát triển kinh tế. Nhiều hộ đã biết kết hợp trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện xã đã có 12 mô hình kinh tế trang trại, trong đó có 2 trang trại đạt 2 tiêu chí cả quy mô và giá trị sản xuất. Nhờ đẩy mạnh kinh tế vườn rừng, nên đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo năm sau giảm hơn năm trước". Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Lộc Giang (Ân Tường Đông), là một trong những gương điển hình phát triển kinh tế vườn rừng của xã và của huyện. Chị Hương cho biết: "Năm 1998 vợ chồng tôi nhận trên 5 ha đất đồi rừng trước đây trồng cây keo lá tràm, sau đó hai vợ chồng nhất trí cải tạo lại để trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã trồng được 1.200 gốc nhãn; 400 cây xoài cát Hòa Lộc; 100 gốc hồ tiêu; 100 cây chôm chôm; 100 cây ổi Trung Quốc; 20 con bò. Bình quân mỗi năm có thu nhập không dưới 50 triệu đồng".

Còn ở xã Ân Tường Tây, có anh Hoàng Anh Dũng nhận 4 ha đất đồi rừng cách nhà 4 km để xây dựng một trang trại nuôi heo hướng nạc với 26 con heo nái và 200 con heo thịt. Anh Dũng cho biết: "Hiện nay, phong trào nuôi heo hướng nạc ở xã nói riêng và huyện nói chung đang phát triển mạnh nhưng thiếu heo giống. Vì vậy, tôi đã quyết định đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng trang trại heo giống, để vừa phục vụ heo giống cho nông dân, vừa tăng thu nhập cho gia đình. Từ đầu năm đến nay, tôi đã xuất được 16 tấn heo, thu nhập gần 200 triệu đồng". Ngoài gia đình anh Dũng, ở xã Ân Tường Tây còn có 8 hộ gia đình khác cũng đã nhận đất đồi rừng để phát triển kinh tế trang trại và đã có thu nhập khá.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân, toàn huyện đã có 82 trang trại, tăng 21 trang trại so với năm 2000, trong đó có 33 trang trại đạt 2 tiêu chí (quy mô và giá trị sản xuất của trang trại). Nói về hiệu quả của việc phát triển kinh tế vườn rừng đối với việc phát triển kinh tế xã hội của huyện, ông Hồ Công Hậu, Phó phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân nhận định: "Chủ trương phát triển kinh tế vườn rừng của huyện ngày càng được nông dân quan tâm, nhiều hộ đã có thu nhập khá. Phát triển kinh tế vườn rừng không những khai thác tiềm năng đất đai một cách hợp lý, tăng thu nhập cho nông dân, mà còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần phát triển và ổn định kinh tế xã hội ở địa phương".

. Phạm Tiến Sỹ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thành công nhờ biết huy động sức dân  (11/06/2003)
Tạo được chữ tín với khách hàng  (10/06/2003)
Băn khoăn cùng Phước Hưng  (09/06/2003)
Bài học về công tác tiêm phòng gia súc ở Tuy Phước   (09/06/2003)
Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An  (08/06/2003)
Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc ở Hoài Ân   (06/06/2003)
Tây An - đi lên từ đất  (05/06/2003)
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)
Cảng Quy Nhơn tăng tốc  (03/06/2003)
Muối - Nỗi đau được mùa  (02/06/2003)
Sáng tạo lò sấy quặng bằng than thay dầu Diezel  (01/06/2003)
Ai bảo hộ lao động cho nông dân?   (30/05/2003)
Ở một Xí nghiệp quân đội làm kinh tế  (29/05/2003)
Thành công trong gian khó  (28/05/2003)
Tuy Phước khốn đốn vì nạn dịch tôm  (27/05/2003)