Doanh nghiệp Bình Định với vấn đề phát triển ứng dụng CNTT:
Tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường
17:42', 13/6/ 2003 (GMT+7)

Sử dung internet ngày càng trở nên phổ biến

Ngày nay, việc ứng dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin (CNTT) được các doanh nghiệp (DN) sử dụng như một loại vũ khí mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, các DN ở Bình Định triển khai ứng dụng CNTT với những bước tiến khá chắc chắn.

Về mặt nguyên tắc, việc Bình Định hỗ trợ cho các DN phát triển các ứng dụng CNTT là một cách để các DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế, trong giai đoạn trước mắt tỉnh tập trung ưu tiên cho khoảng 100 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại dịch vụ.

Để đẩy mạnh quá trình tin học hóa trong các DN với mục tiêu đầu tiên là xúc tiến phát triển thương mại điện tử, Bình Định đã đầu tư rất lớn để giải quyết bài toán về các vấn đề chung trong quá trình tin học hóa DN. Đây chính là nền móng công nghệ cơ sở cho phép tất cả các DN có thể đứng vững để tính đến chuyện phát triển CNTT. Có thể điểm qua các vấn đề cốt lõi: Các giải pháp xây dựng website trên internet hỗ trợ cho các DN; Các giải pháp về kinh doanh điện tử trên mạng internet; Chương trình đào tạo phân tích và xử lý thông tin trong DN; Nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và giải pháp ERP - hoạch định tài nguyên DN; ESOFT 2000 - quản trị tài chính doanh nghiệp; Các nhu cầu tin hóa trong DN.

Để tạo một cú huých đủ mạnh, trong Chương trình phát triển CNTT giai đoạn 2001- 2010, UBND Bình Định đã phê duyệt có hạng mục đẩy mục tin học hóa các DN để phát triển thương mại điện tử. Ông Võ Ngọc Anh - Thư ký Ban chỉ đạo Chương trình phát triển CNTT tỉnh Bình Định cho biết: "Việc phát triển CNTT mang lại cho DN nói riêng và xã hội nói chung những lợi ích to lớn. Lấy ví dụ là dự án xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử (e.MBD), thông qua e.MBD, các DN có thể tìm kiếm đối tác, bạn hàng và tiến hành đàm phán hợp đồng thương mại. E.MBD cũng giúp DN tìm nguồn thông tin để tham khảo dễ dàng, nhờ thế DN sẽ tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập quốc tế. Các DN cũng có thêm điều kiện so sánh, đối chiếu, kiểm tra khả năng cạnh tranh, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi những vấn đề quan tâm. Và nhờ đó hình ảnh một tỉnh Bình Định năng động sẽ xuất hiện trên mạng toàn cầu".

Có thể khẳng định rằng nhờ những động thái tích cực trong thời gian gần đây của chính quyền, 3 vấn đề đầu tiên dùng để xác định năng lực cạnh tranh (khả năng xử lý thông tin, năng lực quản lý, trình độ tiếp nhận và triển khai ứng dụng công nghệ) của các DN ở Bình Định bắt đầu chuyển biến tích cực. Yếu tố quan trọng nhất - nhân lực, được quan tâm như thế nào? UBND tỉnh Bình Định đã trả lời cho câu hỏi này bằng hợp đồng đào tạo ký với Tập đoàn APTECH (Ấn Độ) một tập đoàn chuyên đào tạo lao động trong CNTT hàng đầu thế giới. Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ là một ưu tiên của Bình Định. Thạc sĩ Thái Hoàng Uẩn - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển CNTT tỉnh cho biết: "Để hạ thấp chi phí đào tạo, giảm học phí để tạo thêm cơ hội cho phép nhiều người Bình Định được tiếp cận với công nghệ đào tạo hiện đại, được đào tạo với chất lượng tốt nhất, Bình Định đã hỗ trợ rất nhiều về mặt kinh phí, thiết bị... Hiện nay, Quy Nhơn Aptech là nơi có học phí thấp nhất trong hệ thống Aptech tại Việt Nam. Sở dĩ có điều này là vì Bình Định muốn thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của đội ngũ nhân lực CNTT".

Ngay cả những người không rành rẽ lắm về CNTT cũng dễ dàng nhận thấy những lợi ích to lớn khi các DN trong tỉnh sử dụng chung một phần mềm quản lý, được cung cấp thông tin một cách đầy đủ toàn diện và nhanh chóng. Nhờ có chung một nền móng, sử dụng những công cụ, giải pháp công nghệ có thể kết nối, tương thích dễ dàng, các DN Bình Định có thể sát vai bên nhau để làm tăng năng lực cạnh tranh khi bước ra "biển lớn" toàn cầu.

Phát triển CNTT để tăng cường năng lực cạnh tranh là một bước phát triển dài, và DN cần một cú hích ban đầu đủ mạnh. Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền, DN có thể cũng sẽ đi đến đích nhưng chắc chắn chi phí sẽ lớn hơn, năng lực cạnh tranh sẽ bị hạn chế và hệ quả là lợi ích xã hội cũng sẽ thấp hơn. Đầu tư để DN phát triển CNTT vì thế không phải là ném tiền qua cửa sổ như một số người vẫn còn e ngại.

. Đông A

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hiệu quả đã thấy rõ  (12/06/2003)
Thành công nhờ biết huy động sức dân  (11/06/2003)
Tạo được chữ tín với khách hàng  (10/06/2003)
Băn khoăn cùng Phước Hưng  (09/06/2003)
Bài học về công tác tiêm phòng gia súc ở Tuy Phước   (09/06/2003)
Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An  (08/06/2003)
Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc ở Hoài Ân   (06/06/2003)
Tây An - đi lên từ đất  (05/06/2003)
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)
Cảng Quy Nhơn tăng tốc  (03/06/2003)
Muối - Nỗi đau được mùa  (02/06/2003)
Sáng tạo lò sấy quặng bằng than thay dầu Diezel  (01/06/2003)
Ai bảo hộ lao động cho nông dân?   (30/05/2003)
Ở một Xí nghiệp quân đội làm kinh tế  (29/05/2003)
Thành công trong gian khó  (28/05/2003)