Nhìn từ chợ chiếu Gò Bồi
18:49', 16/6/ 2003 (GMT+7)

Chiếu tập trung về chợ Gò Bồi

Chợ Gò Bồi (Phước Hòa- Tuy Phước) nổi tiếng sầm uất, là nơi giao lưu buôn bán giữa các xã vùng đông bắc Tuy Phước, và đông Phù Cát. Mỗi phiên chợ ngoài các mặt hàng nông sản không bao giờ thiếu các mặt hàng truyền thống đan đát. Đặc biệt, có 6 phiên chợ/tháng (mùng 5-10-15-20-25-30) dành riêng bán buôn chiếu cói.

Chị Nguyễn Thị Chánh, ở xã Cát Tiến (Phù Cát) cho biết: "Tuy tôi không làm nghề dệt chiếu, nhưng vào nghề mua bán chiếu 10 năm nay, khách hàng là các chị dệt chiếu quê làng Phú Hậu, Chánh Hữu. Cứ dệt xong đôi chiếu nào các chị mang bán, tôi mua gom đến phiên chở vào chợ Gò Bồi bỏ sỉ cho đầu mối ở thị trấn Bình Định, cầu Bà Gi, Đập Đá, mỗi lần bỏ ít cũng 70 đôi, nhiều trên 100 đôi và lời từ 500-700đồng/đôi. Trước đây chợ thường họp ban đêm khá vất vả, hai năm trở lại đây chuyển sang họp lúc 5 giờ sáng đỡ hơn, khỏi trả tiền cho người trông coi".

Chiếu đem đến chợ được phân thành nhiều loại và giá thành khác nhau: chiếu trân sản xuất từ các thôn Chánh Hữu, Phú Hậu, Chánh Hội (Phù Cát) giá thành thấp hơn 5.000đồng/đôi so với chiếu dăm trân dày hơn sản xuất ở thôn Lạc Điền, An Lợi (Phước Thắng- Tuy Phước). Kích cỡ chiếu cũng khác nhau (1,4 m, 1,2 m, 1m, 0,9 m) và giá thành từ 32 nghìn đến 50 nghìn đồng/đôi. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (57 tuổi) làm nghề dệt chiếu 26 năm, đang gánh chiếu bán ở chợ Gò Bồi, bộc bạch: "Được cái nghề này giải quyết việc làm thường xuyên lúc nông nhàn, kiếm được ngày công, 2 người 1 ngày dệt đôi chiếu 1,4 m, sau khi trừ chi phí thu nhập 10 nghìn đồng/người, rảnh lúc nào làm lúc đó, trẻ em cũng tham gia phụ giúp rất tốt".

Cứ mỗi phiên có từ 5 đến 6 đầu mối các nơi về chợ Gò Bồi tranh nhau mua chiếu, có đầu mối ứng trước tiền cho "sỉ con" lựa chiếu mua trước, gom lại rồi chở bỏ "sỉ mẹ", được trả tiền công tính trên đôi chiếu, có lúc được 1.000 đồng/đôi nếu chiếu đẹp. Mỗi phiên chợ chiếu Gò Bồi, lượng chiếu tiêu thụ khoảng 1.200 đôi, còn phiên lỡ (khác phiên chợ chiếu) lượng chiếu tiêu thụ chiếm 1/3 phiên chính. Chị Ngọc Tường, một đầu mối ở Cẩm Tiên (An Nhơn) tâm sự: "Cứ 1 phiên phần tôi mua ít nhất 200 đôi, có bao nhiêu mua bấy nhiêu, mua nhiều chợ, nhưng mua chính phiên chợ Gò Bồi rồi chở về nhà bỏ mối lại các khách hàng Tây Nguyên, các tỉnh phía Nam và cả ngoài Bắc. Tôi còn mua bán nguyên liệu cói có khi cả 100 tấn cho bà con dệt chiếu ở xã Cát Tiến, Cát Chánh, rồi mua lại chiếu của họ. Thu nhập nghề buôn chiếu cũng đỡ, như phiên này kiếm được 300 đồng/đôi, cũng có khi lỗ vốn do hàng ứ đọng".

Nghề dệt và mua bán chiếu đang ăn nên, làm ra, có thị trường tiêu thụ. Tuy cạnh tranh với các loại chiếu nhựa, chiếu trúc …, nhưng chiếu làm từ cây cói vẫn đứng vững trên thương trường. Một bộ phận lao động ở xã Cát Tiến, Cát Chánh (Phù Cát), Phước Thắng (Tuy Phước) có việc làm thường xuyên thu nhập ổn định từ nghề dệt chiếu truyền thống. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu cói ở đây khoảng 50 ha chưa đáp ứng đủ nguyên liệu cho nghề dệt chiếu, mỗi năm phải nhập thêm 150 tấn nguyên liệu cói khô từ nơi khác đến mới đủ sản xuất. Đó là những năm cói được mùa, còn mất mùa phải nhập vài trăm tấn, chi phí cao, người dệt chiếu ít lãi hơn. Đây là vấn đề đáng quan tâm đối với nghề dệt chiếu ở vùng đông Tuy Phước, Phù Cát. Do đó, cần thiết phải có qui hoạch diện tích trồng cói, nâng cao năng suất cói để chủ động nguyên liệu cho sản xuất.

. Xuân Thức

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường  (13/06/2003)
Hiệu quả đã thấy rõ  (12/06/2003)
Thành công nhờ biết huy động sức dân  (11/06/2003)
Tạo được chữ tín với khách hàng  (10/06/2003)
Băn khoăn cùng Phước Hưng  (09/06/2003)
Bài học về công tác tiêm phòng gia súc ở Tuy Phước   (09/06/2003)
Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An  (08/06/2003)
Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc ở Hoài Ân   (06/06/2003)
Tây An - đi lên từ đất  (05/06/2003)
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)
Cảng Quy Nhơn tăng tốc  (03/06/2003)
Muối - Nỗi đau được mùa  (02/06/2003)
Sáng tạo lò sấy quặng bằng than thay dầu Diezel  (01/06/2003)
Ai bảo hộ lao động cho nông dân?   (30/05/2003)
Ở một Xí nghiệp quân đội làm kinh tế  (29/05/2003)