Ấn tượng Canh Liên
16:39', 18/6/ 2003 (GMT+7)

Lớp học tại Canh Liên

Canh Liên là xã vùng cao thuộc huyện Vân Canh. Cách đây vài năm, để đến được trung tâm cụm xã phải mất hẳn một ngày đường, ngày nay chỉ sau gần một tiếng đồng hồ đi xe máy là đã đến được UBND xã. Từ giao thông thuận lợi, khoảng cách từ bao đời nay giữa vùng cao với đồng bằng đã được rút ngắn. Theo đó, đời sống kinh tế, xã hội, sự hưởng thụ các phúc lợi công cộng của đồng bào dân tộc Ba na ở đây đã được nâng lên.

Ấn tượng nổi bật khi chúng tôi về làm việc với Canh Liên là nề nếp làm việc của cán bộ xã. Từ đồng chí bí thư, chủ tịch HĐND, UBND đến các đoàn thể, xã đội, công an… đều tận tâm cho việc chung, tất cả cán bộ xã làm việc và ăn ở tại xã từ thứ hai đến thứ sáu, cơm ăn ngày ba bữa tại bếp tập thể. Kinh phí xã lo, còn người nấu nướng tranh thủ phân công nhau cùng làm. Bởi vì với đặc điểm đi lại xa xôi cách trở, nếu trong ngày đi làm việc xong về nhà thì thời gian không đủ. Với đặc điểm ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu không có biện pháp như vậy lấy ai xử lý công việc, từ biến động nhân hộ khẩu, đến chỉ đạo đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân, công tác quản lý rừng phòng hộ, rừng trồng kinh tế, phòng - chống cháy rừng. Hơn nữa, cán bộ xã không chỉ gương mẫu, mà còn vận động nhân dân sản xuất, chăn nuôi với các biện pháp khoa học, tiến bộ; phát động bà con đào ao thả cá. Hiện tại Canh Liên có hàng trăm áo cá với hàng vạn con cá, vừa cá giống, cá thịt làm nguồn thực phẩm cho đời sống thường nhật của nhân dân ở đây. Theo cảm nhận của chúng tôi, sự vất vả của cán bộ xã ở đây không chỉ là những công việc hàng ngày, trước mắt mà có lẽ là sự mong muốn "đổi đời" cả về nhận thức và hành động thực tiễn, nhất là cho lớp thanh - thiếu niên ở địa phương.

Ấn tượng thứ hai về Canh Liên là công tác xã hội hóa giáo dục. Từ những năm 2000 trở về trước. Khi học hết bậc tiểu học, ngoài chỉ tiêu ít ỏi ở trường nội trú huyện, tỉnh, phần lớn số học sinh phải nghỉ học ở nhà. Muốn tiếp tục theo học cấp II, gia đình không thể nào chịu nổi chi phí. Bắt đầu từ năm 2001, tỉnh đầu tư cho xã một dãy 5 phòng học và 10 phòng ở, thành lập trường bán trú trung học cơ sở tại xã. Để chuẩn bị hình thành trường, lãnh đạo xã đã được tỉnh tổ chức tham quan mô hình trường bán trú ở Vĩnh Thạnh. Từ việc học tập, ăn ở, mức đóng góp của gia đình…. Được lãnh đạo xã chăm lo nhiều hơn cho các cháu ở trường bán trú của xã nhà. Ngoài mức hỗ trợ của tỉnh cho mỗi học sinh 50.000đ/tháng, mỗi học sinh đi học đóng 10.000đ/tháng, hàng năm mỗi hộ gia đình dù có con hay không có con học tại trường bán trú đều phải góp 60 kg gạo, chưa kể thường xuyên còn có sự chăm lo của xã. Toàn xã có 393 hộ với 2.068 nhân khẩu, số gạo trên bảo đảm nuôi học sinh của trường tương đối khá. Hiện tại trường có 62 học sinh của hai lớp 6, 7. Trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học vừa rồi, xã có trên 80 học sinh lớp năm tham gia dự thi tập trung tại trung tâm cụm xã.

Từ lúc coi việc học như một việc quá khó khăn, thì nay phần lớn các em trong độ tuổi học, nếu không được đến trường thì được coi như là sự "xấu hổ". Trước đây mỗi khi đi học các em khóc lóc, trốn chạy, còn ngày nay vì lý do nào đó cha mẹ bắt phải ở nhà là các em trốn đi học cho bằng được. Sự chuyển hóa nhận thức ngay từ lớp trẻ là sự khởi đầu đáng trân trọng của xã Canh Liên trong phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục, là bài học vô cùng quý giá cho nhiều nơi vận dụng.

. Văn Chưa

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhìn từ chợ chiếu Gò Bồi  (16/06/2003)
Tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường  (13/06/2003)
Hiệu quả đã thấy rõ  (12/06/2003)
Thành công nhờ biết huy động sức dân  (11/06/2003)
Tạo được chữ tín với khách hàng  (10/06/2003)
Băn khoăn cùng Phước Hưng  (09/06/2003)
Bài học về công tác tiêm phòng gia súc ở Tuy Phước   (09/06/2003)
Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An  (08/06/2003)
Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc ở Hoài Ân   (06/06/2003)
Tây An - đi lên từ đất  (05/06/2003)
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)
Cảng Quy Nhơn tăng tốc  (03/06/2003)
Muối - Nỗi đau được mùa  (02/06/2003)
Sáng tạo lò sấy quặng bằng than thay dầu Diezel  (01/06/2003)
Ai bảo hộ lao động cho nông dân?   (30/05/2003)