Những làng nghề truyền thống ở Nhơn Hậu
16:56', 18/6/ 2003 (GMT+7)

Sản xuất bếp lò tại Nhơn Hậu

Nhơn Hậu là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống nhất của huyện An Nhơn như làng rèn Nam Tân, gốm Vân Sơn, làng tiện gỗ mỹ nghệ Bắc Nhạn Tháp… với những sản phẩm nổi tiếng. Những năm gần đây, nhờ chính sách khuyến khích phát triển làng nghề của Nhà nước, các làng nghề ở Nhơn Hậu được khôi phục, phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Giác, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu cho biết: Hiện nay, toàn xã có hơn 450 hộ sản xuất các ngành nghề truyền thống giải quyết việc làm cho gần 1.500 lao động tại chỗ với mức thu nhập bình quân từ 400 đến 500 nghìn đồng/người mỗi tháng. Nhiều cơ sở đã sắp xếp lại sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị máy móc, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Họ chấp nhận sự cạnh tranh và đã đứng vững trong cơ chế thị trường. Đang phát triển mạnh nhất là làng nghề tiện gỗ Bắc Nhạn Tháp với 87 hộ sản xuất, đã thu hút hơn 1.000 lao động. Anh Phạm Văn Bảy, gia đình đã 3 đời truyền nghề tiện gỗ và cuộc sống khá lên cũng chính nghề này. Hiện nay cơ sở anh giải quyết việc làm thường xuyên từ 30 đến 40 lao động với mức lương bình quân 500 nghìn/người/tháng. Trong đó, 10 lao động là thợ thủ công mỹ nghệ có tay nghề cao, mỗi lao động thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng, hơn 20 thợ học nghề, mỗi năm sản xuất từ 1.000 đến 2.000 sản phẩm các loại. Cơ sở anh làm đủ loại hàng từ những sản phẩm đơn giản như cán viết, cán dao, cán câu liêm… đến hàng mỹ nghệ tinh xảo cao cấp để xuất khẩu: tủ, bàn, ghế, hàng lưu niệm… Nhờ kết hợp giữa làng tiện Nhạn Tháp và tay nghề chạm trổ ở ngoài Bắc của những thợ được rước về đã tạo ra những sản phẩm đạt đến trình độ tinh xảo độc đáo hấp dẫn khách hàng trong - ngoài nước. Qui trình sản xuất đồ gỗ cũng được cải tiến. Trước đây người thợ phải gò lưng đạp lò bàn tiện, nhưng hiện nay đã thay bằng những chiếc mô tơ điện năng suất cao gấp sáu bảy lần so với trước.

Cùng với những sản phẩm của làng tiện gỗ mỹ nghệ, sản phẩm các làng rèn Nam Tân, gốm Vân Sơn cũng đã từng có mặt trên khắp mọi miền đất nước và được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy phải đối mặt với hàng ngoại nhập lậu giá rẻ, người thôn Nam Tân vẫn giữ nghề rèn của ông cha để lại. Ông Trương Cẩn ở thôn Nam Tân đã tự hào nói về truyền thống của nghề rèn: "Đây là nghề của ông cha để lại hàng trăm năm và cũng chính nghề này đã nuôi sống người dân chúng tôi. Hiện trong thôn có hơn 70 hộ sản xuất, làm ra sản phẩm như lưỡi cày, rìu, bu lông hoặc cuốc, dao, rựa, búa… sản phẩm của làng rèn giữ được uy tín trên thị trường".

Tự hào với nghề truyền thống lâu đời, nghề gốm Vân Sơn đã in sâu trong đời sống người dân. Chị Võ Thị Thay (thôn Vân Sơn) là thợ chuyên làm gốm mấy chục năm tâm sự: "Đến ngày hôm nay còn giữ được làng nghề là một cố gắng lớn. Những sản phẩm gia dụng bằng đất nung như chum, lò… tuy tiêu thụ khó nhưng phải duy trì. Chúng tôi hy vọng, nếu địa phương mở ra hướng sản xuất sản phẩm đất nung mỹ thuật cao thì làng gốm sẽ phát triển và đứng vững trên thị trường".

Có thể nói, sự phát triển sản xuất ở các làng nghề truyền thống của xã Nhơn Hậu đã góp phần tích cực trong lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, làm thay đổi diện mạo của một miền quê và mở ra một triển vọng mới về sản xuất và đời sống. Song phần lớn các cơ sở sản xuất tại các làng nghề đều có quy mô nhỏ, mặt bằng chật hẹp và thiếu vốn sản xuất, sản phẩm làm ra còn đơn điệu, lao động có tay nghề cao chưa nhiều.

Để vượt qua những khó khăn, hạn chế này, hiện nay chính quyền xã Nhơn Hậu tiếp tục tạo điều kiện cho các làng nghề đi tham quan các làng nghề trong nước, đầu tư vốn, đổi mới công nghệ sản xuất tạo ra một thương hiệu đứng vững trong thị trường. Đặc biệt, làng nghề tiện gỗ đang tiến hành thành lập HTX để tạo tư cách pháp nhân cho làng nghề phát triển; đồng thời quy hoạch khu TTCN Nam Tân nhằm đưa các làng nghề vào sản xuất tập trung, tạo điều kiện mặt bằng cho các cơ sở đi vào hoạt động và phát triển.

. Thục Quyên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ấn tượng Canh Liên  (18/06/2003)
Nhìn từ chợ chiếu Gò Bồi  (16/06/2003)
Tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường  (13/06/2003)
Hiệu quả đã thấy rõ  (12/06/2003)
Thành công nhờ biết huy động sức dân  (11/06/2003)
Tạo được chữ tín với khách hàng  (10/06/2003)
Băn khoăn cùng Phước Hưng  (09/06/2003)
Bài học về công tác tiêm phòng gia súc ở Tuy Phước   (09/06/2003)
Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An  (08/06/2003)
Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc ở Hoài Ân   (06/06/2003)
Tây An - đi lên từ đất  (05/06/2003)
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)
Cảng Quy Nhơn tăng tốc  (03/06/2003)
Muối - Nỗi đau được mùa  (02/06/2003)
Sáng tạo lò sấy quặng bằng than thay dầu Diezel  (01/06/2003)