Phú Gia may thổ cẩm
16:17', 20/6/ 2003 (GMT+7)

May thổ cẩm tại Phú Gia

May thổ cẩm là nghề được du nhập và phát triển ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường (Phù Cát) khoảng 4 năm nay. Người đem nghề này về đây là anh Nguyễn Văn Thêu - một người địa phương.

Sau hơn 1 năm "tầm sư" học nghề ở Ninh Thuận, anh Thêu về quê mở mang cách làm ăn mới của mình. Lúc đầu anh chỉ dạy lại cho anh em trong gia đình làm các mặt hàng như túi xách, ví, cặp bằng vải thổ cẩm của người Chăm. Do nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều, sản phẩm của anh làm ra không kịp bán. Nhiều người trong thôn thấy vậy đến xin học và làm theo. Anh Thêu tâm sự: "Tôi xuất thân từ nghèo khổ, cơ hàn, nên tôi sẵn sàng chỉ cho những ai muốn học nghề này". Nhờ vậy, ở đây đã dần hình thành nên làng nghề: may thổ cẩm. Hiện toàn làng nghề có hơn 10 hộ làm, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động với mức thu nhập ổn định 600 ngàn đồng/người/tháng. Sản phẩm của làng nghề cũng ngày càng phong phú thêm, có nhiều mặt hàng mới như: ba lô, khăn, túi đựng viết, mũ… bằng vải thổ cẩm của nhiều dân tộc như: Ba Na, Mông, Dao, Ê Đê… Sản phẩm làm ra cũng đã vươn xa đến tận các nơi như: Huế, Đà Lạt, Hải Phòng, Hà Nội…

Ông Nguyễn Văn Háo, Chủ tịch UBND xã Cát Tường, cho biết: "Cát Tường là xã có nhiều nghề truyền thống. Nhưng bây giờ không còn mấy nghề phù hợp với điều kiện hiện tại nên người thất nghiệp ngày càng nhiều. Nghề may thổ cẩm tuy mới phát triển, nhưng phát triển rất khả quan, những hộ có nghề kinh tế đều ổn định hơn so với những hộ khác". Anh Nguyễn Văn Lý, may thổ cẩm 3 năm nay, cho biết: "Kinh tế gia đình tôi trước đây rất khó khăn vì ruộng rất ít và lại kém màu mỡ. Nhờ làm nghề này mà gia đình đã khá hơn. Tuy may như vậy mỗi ngày công chỉ khoảng 20 ngàn đồng, nhưng 2 vợ chồng làm thì mỗi tháng kiếm bạc triệu chứ đâu phải ít". Chẳng những riêng anh Lý, những hộ có làm nghề này đều có thu nhập tương tự.

Điều đáng nói là, tuy mới phát triển nhưng nhờ sản phẩm có chất lượng nên làng nghề đã có tiếng với bạn hàng. Ngoài nhưng mối đặt hàng cũ, nhiều nơi cũng tìm đến đặt hàng, làng nghề ngày càng thu hút thêm nhiều lao động, một bộ phận người dân Phú Gia đã không còn phải đi lưu tán kiếm việc làm ở phương xa.

. Phạm Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ai là chủ kho hàng linh kiện phụ tùng xe máy ngoại nhập đang bị tạm giữ tại Quy Nhơn?  (19/06/2003)
Những làng nghề truyền thống ở Nhơn Hậu  (18/06/2003)
Ấn tượng Canh Liên  (18/06/2003)
Nhìn từ chợ chiếu Gò Bồi  (16/06/2003)
Tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường  (13/06/2003)
Hiệu quả đã thấy rõ  (12/06/2003)
Thành công nhờ biết huy động sức dân  (11/06/2003)
Tạo được chữ tín với khách hàng  (10/06/2003)
Băn khoăn cùng Phước Hưng  (09/06/2003)
Bài học về công tác tiêm phòng gia súc ở Tuy Phước   (09/06/2003)
Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An  (08/06/2003)
Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc ở Hoài Ân   (06/06/2003)
Tây An - đi lên từ đất  (05/06/2003)
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)
Cảng Quy Nhơn tăng tốc  (03/06/2003)