Chi cục Kiểm lâm Bình Định:
Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý rừng
19:42', 22/6/ 2003 (GMT+7)

Rừng là tài nguyên quý báu của đất nước, là một bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị to lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Muốn quản lý, giữ gìn tốt tài nguyên rừng, cần biết rõ tính chất, đặc điểm, khả năng bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, phải thường xuyên đánh giá được diễn biến về số lượng, chất lượng, tình hình phân bố của chúng. Ứng dụng các tiện ích của công nghệ thông tin (CNTT), Chi cục Kiểm lâm BĐ đã thực hiện dự án "Tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Bình Định".

* Sự cần thiết của việc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp

Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp (QLBVR - ĐLN) ở Bình Định đã có những bước tiến đáng kể. Diện tích rừng được bảo vệ và phát triển khá ổn định. Độ che phủ đã tăng từ 28,2% vào thời điểm năm 1992 lên 31,5% năm 1995 và 33,8% năm 2000. Tuy nhiên không phải vì thế mà các ngành có thể xao nhãng công tác QLBVR-ĐLN. Mà ngược lại, để có được những chính sách, phương án QLBVR tối ưu, ngành kiểm lâm ngày càng phải chính xác hơn trong số liệu, cập nhật dữ liệu nhanh hơn.

Từ năm 1992 đến nay, Bình Định chỉ thực hiện được 2 lần kiểm kê rừng. Do chỉ xác định được ở thời điểm kiểm kê, không được cập nhật thường xuyên... nên số liệu biến động giữa hai lần kiểm kê thường không chính xác. Vì trình độ CNTT giai đoạn 1992-1995 ở Bình Định còn chưa phát triển nên số liệu kiểm kê rừng của Bình Định được các ngành sử dụng thống nhất trong khoảng 3 năm (từ 1992 đến 1994), từ năm 1995 đến 1998 số liệu về rừng giữa các ngành đã có độ "vênh" khá lớn.

Làm gì để theo dõi chính xác diễn biến rừng - đất lâm nghiệp, nắm được tình hình phát triển của rừng trong mọi thời điểm là câu hỏi mà chính quyền đặt ra với ngành NN-PTNT nói chung và cơ quan kiểm lâm nói riêng. Dự án "Tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Bình Định" do Chi cục Kiểm lâm BĐ thực hiện là để trả lời cho câu hỏi này.

* Mục tiêu và giải pháp của dự án

Có thể tóm tắt những mục tiêu cụ thể của dự án này như sau: Thiết lập, quản lý và khai thác thông tin về diễn biến rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh bằng mạng máy tính từ các hạt kiểm lâm, chi cục kiểm lâm, cục kiểm lâm, UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT. Nắm chắc tình hình tài nguyên rừng ở mọi thời điểm thể hiện bằng những số liệu, bản đồ, làm cơ sở cho công tác điều hành, lập kế hoạch đầu tư của tỉnh, ngành và việc thống nhất trong quản lý của trung ương. Lập các báo cáo chuyên đề, như so sánh sự biến động của rừng và đất lâm nghiệp, quy hoạch các loại rừng, diện tích rừng trồng... Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong lực lượng kiểm lâm nhằm thực hiện nhiệm vụ thu thập số liệu, khoanh vẽ, chỉnh sửa bản đồ; cập nhật hàng năm cơ sở dữ liệu quản lý lâm nghiệp của tỉnh. Theo dõi diễn biến rừng, phát hiện những khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại cao, bị lấn chiếm, diện tích bị khai thác trái phép là bao nhiêu héc ta, mất bao nhiêu gỗ, diện tích rừng trồng, khoanh nuôi là bao nhiêu, chi phí cụ thể...

Chi cục Kiểm lâm BĐ đã số hóa toàn bộ các thông tin, số liệu kiểm kê rừng năm 1999, tạo lập cơ sở dữ liệu ban đầu, kể cả bản đồ rừng và đất lâm nghiệp. Đây là cơ sở để các chuyên gia có thể tiến hành đối chiếu, so sánh, phân tích diễn biến rừng. Kỹ sư Dương Quang Nhật - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm BĐ) cho biết: "Với mạng máy tính do dự án triển khai, Chi cục kiểm lâm sẽ là nguồn tiếp nhận, xử lý thông tin do các hạt chuyển về. Kết quả phân tích xử lý sẽ được báo cáo lên trên, cùng lúc đó các giải pháp, phương án xử lý cũng được chuyển xuống các hạt. Nhờ tốc độ cập nhật, xử lý thông tin nhanh, phương án xử lý tình thế sẽ sát với thực tế và hiệu quả hơn".

Ngoài việc tạo lập cơ sở dữ liệu, cung cấp bản đồ chính xác, giúp cho việc hoạch định chính sách phát triển ngành lâm nghiệp nói riêng và tổng thể cả nền kinh tế nói chung, dự án này còn xây dựng nên một bộ máy nhân sự vừa biết cách quản lý tốt tài nguyên rừng, vừa giỏi ứng dụng và phát huy những thành tựu của CNTT trong công việc.

. Đông A

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phú Gia may thổ cẩm  (20/06/2003)
Ai là chủ kho hàng linh kiện phụ tùng xe máy ngoại nhập đang bị tạm giữ tại Quy Nhơn?  (19/06/2003)
Những làng nghề truyền thống ở Nhơn Hậu  (18/06/2003)
Ấn tượng Canh Liên  (18/06/2003)
Nhìn từ chợ chiếu Gò Bồi  (16/06/2003)
Tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường  (13/06/2003)
Hiệu quả đã thấy rõ  (12/06/2003)
Thành công nhờ biết huy động sức dân  (11/06/2003)
Tạo được chữ tín với khách hàng  (10/06/2003)
Băn khoăn cùng Phước Hưng  (09/06/2003)
Bài học về công tác tiêm phòng gia súc ở Tuy Phước   (09/06/2003)
Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An  (08/06/2003)
Gian nan cuộc chiến chống lâm tặc ở Hoài Ân   (06/06/2003)
Tây An - đi lên từ đất  (05/06/2003)
Giữ gìn nguồn nước - Giữ gìn nguồn sống  (04/06/2003)