Các hộ nuôi tôm tại Quy Hòa xơi phải "quả đắng"
16:35', 24/6/ 2003 (GMT+7)

Dãy trại tôm được xây dựng theo thiết kế của Bệnh viện

Năm 2001, Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa đã đồng ý cho phép một số hộ nuôi tôm ở TP Quy Nhơn được thuê mặt bằng trong phạm vi của Bệnh viện để làm hồ nuôi tôm giống. Hai bên (Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa - gọi là bên A, và các hộ nuôi tôm – bên B) đã thống nhất ký hợp đồng với nhau.

Theo đó, bên A cho bên B thuê đất làm hồ nuôi tôm giống theo ranh giới cọc mốc đã thống nhất; bên B xây nhà theo mẫu thiết kế mà bên A đã lập, bố trí các hạng mục theo quy hoạch chung: nơi ăn ở, nơi sản xuất, khu xử lý nước thải, khu cấp nước, hệ thống điện, khu vệ sinh, đường ra vào phải đảm bảo kỹ thuật sản xuất và mỹ quan trong cơ quan; tuyệt đối không được làm sai thiết kế và quy hoạch chung đã thống nhất. Sau khi xây dựng xong hồ tôm, bên B phải mời bên A xuống nghiệm thu mới được đưa vào sử dụng; nếu bên B tự ý cơi nới hoặc làm không đúng thiết kế, bên A sẽ tháo dỡ. Hợp đồng có hiệu lực trong thời gian 5 năm, từ 20-9-2001 đến 20-9-2006.

Trong hợp đồng cũng nói rõ: Quá trình thực hiện nếu có gì khó khăn 2 bên cùng nhau trao đổi và tìm biện pháp giải quyết. Bên nào đơn phương hủy bỏ hợp đồng, vi phạm hợp đồng bên đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi có chủ trương của Nhà nước xây dựng công trình công cộng phục vụ lợi ích chung ở vị trí ở nuôi tôm, bất kỳ lúc nào bên B phải tự tháo dỡ hồ tôm để xây dựng công trình phục vụ công cộng.

Sẽ chẳng có chuyện gì nếu như hợp đồng được thực hiện đúng như thời hạn đã ký kết. Nhưng đáng tiếc, hợp đồng mới thực hiện được chưa đầy 2 năm, "sự cố" đã xảy ra. Ngày 10-6-2003, Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa đã gởi thông báo về việc thanh lý hợp đồng đến các hộ nuôi tôm. Lý do: Do nhu cầu quy hoạch phát triển mới của Bệnh viện và thực hiện ý kiến của UBND tỉnh và Sở Địa chính Bình Định, Bệnh viện đã yêu cầu bên B trong thời gian từ ngày 1 đến 20-8-2003 phải tự tháo dỡ, trả lại mặt bằng cho Bệnh viện.

Nhận được "tối hậu thư" này (thay vì Bệnh viện và họ phải ngồi lại cùng nhau trao đổi và tìm biện pháp giải quyết như tinh thần của hợp đồng đã ký), các hộ nuôi tôm thuê đất trong khu vực Quy Hòa ngã ngửa bởi họ đã đầu tư quá lớn vào việc xây dựng cơ sở vật chất (vì buộc phải theo thiết kế của Bệnh viện) mà các mùa tôm gần đây thường gặp thất bại hơn thành công, do vậy đã không kịp thu hồi vốn. Họ đang hy vọng vào các mùa tôm tới sẽ "gỡ gạc" lại chút ít thì bất ngờ nhận được thông báo tháo dỡ trại tôm.

Do xây dựng theo yêu cầu của Bệnh viện, nên các trại nuôi tôm trong khu Quy Hòa đều được thiết kế rất cầu kỳ (xem ảnh) và kinh phí để xây dựng 7 trại này lên tới 1,5 tỉ đồng. Các hộ nuôi tôm cho biết, thực hiện chủ trương của Nhà nước, họ sẵn sàng tháo dỡ nếu Bệnh viện sử dụng khu đất đó để xây dựng phục vụ công cộng, nhưng Bệnh viện chỉ gởi thông báo chung chung mà không nói rõ sẽ xây dựng công trình gì. Mặt khác, nếu Bệnh viện biết trước sẽ xây dựng công trình trên khu đất cho thuê làm hồ nuôi tôm, thì ngay từ đầu, đừng ép họ phải xây theo thiết kế của Bệnh viện quá tốn kém. Một chủ trại tôm cho biết, vì thời hạn hợp đồng 5 năm nên họ mới mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu của Bệnh viện; còn nếu thời hạn hợp đồng chỉ 1-2 năm, thì họ đã không dám đầu tư lớn như vậy.

Quả thật, cũng không thể hiểu được vì sao Bệnh viện lại buộc các hộ nuôi tôm phải xây theo thiết kế của mình, trong lúc chính Bệnh viện không chủ động được về mặt thời gian thực hiện hợp đồng, đành phải "thòng" một câu hết sức bất lợi cho bên B: "Khi có chủ trương của Nhà nước xây dựng công trình công cộng phục vụ lợi ích chung ở vị trí ở nuôi tôm, bất kỳ lúc nào bên B phải tự tháo dỡ hồ tôm để xây dựng công trình phục vụ công cộng".

Hiện nay, các hộ đã "lỡ" thuê đất của Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa để xây dựng trại tôm rất hoang mang. Họ khẩn thiết đề nghị UBND tỉnh, Sở Địa chính, Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa cho họ tiếp tục thực hiện hết thời hạn đã ký trong hợp đồng (trong lúc chưa tiến hành xây dựng công trình phục vụ công cộng) để có thể thu hồi lại phần nào số vốn đã bỏ ra. Đề nghị này hoàn toàn hợp lý, bởi tháo dỡ một dãy "biệt thự" xinh đẹp vừa mới khánh thành chưa lâu thì thật là lãng phí, quá lãng phí, trong lúc còn chưa xác định khu đất ấy sẽ được sử dụng vào mục đích gì?

. Bảo Huy

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tin vui lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu  (23/06/2003)
Viết tiếp về vụ linh kiện phụ tùng xe máy ngoại nhập lậu  (22/06/2003)
Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý rừng  (22/06/2003)
Phú Gia may thổ cẩm  (20/06/2003)
Ai là chủ kho hàng linh kiện phụ tùng xe máy ngoại nhập đang bị tạm giữ tại Quy Nhơn?  (19/06/2003)
Những làng nghề truyền thống ở Nhơn Hậu  (18/06/2003)
Ấn tượng Canh Liên  (18/06/2003)
Nhìn từ chợ chiếu Gò Bồi  (16/06/2003)
Tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường  (13/06/2003)
Hiệu quả đã thấy rõ  (12/06/2003)
Thành công nhờ biết huy động sức dân  (11/06/2003)
Tạo được chữ tín với khách hàng  (10/06/2003)
Băn khoăn cùng Phước Hưng  (09/06/2003)
Bài học về công tác tiêm phòng gia súc ở Tuy Phước   (09/06/2003)
Nghề nuôi tôm hùm lồng ở Mỹ An  (08/06/2003)