Nhiều năm qua, vấn đề thiết lập cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc nói chung, thu ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị về internet nói riêng là vấn đề thường xuyên được lãnh đạo tỉnh đặt lên bàn nghị sự; nhưng rồi đó vẫn dừng lại ở những ý tưởng, ước muốn lãng mạn. Với mục đích giúp người dân có thể sử dụng internet phát triển kinh tế, vào cuối năm nay dự án "Công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại cho các khu vực miền núi và nông thôn Việt Nam" do Chương trình Toàn cầu hóa và Phát triển nguồn lực bền vững Liên hiệp quốc (UNCTAD/UNDP) và Trung tâm Thông tin Thương mại châu Âu (EBIC) sẽ được triển khai ở khoảng 1.000 xã ở nước ta, trong đó có nhiều xã của Bình Định. Sự kiện này lập tức đã nhận được sự cộng hưởng nhất định từ phía tỉnh.
* Sức tác động của một cú hích quốc tế
Dự án "Công nghệ thông tin và Truyền thông hiện đại cho các khu vực miền núi và nông thôn Việt Nam" (Dự án CNTT cho MN - NTVN) do cựu Đại sứ EU Trần Văn Thình chủ trì, phối hợp cùng nhóm chuyên gia của UNCTAD/UNDP và EBIC thực hiện.
Dự án CNTT cho MN-NTVN khiến nhiều người liên tưởng đến lớp tập huấn về internet mà Bưu điện tỉnh Bình Định tổ chức (tháng 5-2003). 85 học viên cán bộ xã, nhân viên các điểm bưu điện văn hóa xã của 10 huyện đã được hướng dẫn cách thức sử dụng và khai thác những tiện ích mà internet mang lại. Đây là một phần của chương trình đưa internet về nông thôn mà Bưu điện tỉnh Bình Định đang triển khai. Hầu như ai cũng sẽ hình dung ra được những thuận lợi của chương trình mà tỉnh BĐ đang theo đuổi khi đặt một dấu nối giữa hai sự kiện vừa kể trên. Trong giai đoạn từ năm 1991 đến 2002, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Bình Định đã đầu tư cho địa bàn nông thôn miền núi 238 tỉ đồng, trong đó có 195 tỉ đồng được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 90% số xã có đường thông suốt cả mùa mưa, 100% trường lớp ở các làng xã vùng dân tộc và miền núi được ngói hóa; 95% số xã có máy điện thoại, 98% số thôn, làng có điện với 95% số hộ được dùng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất... Đây là một trong những lợi thế để nông thôn Bình Định có thể mau chóng "tiêu hóa" được sự trợ giúp mà dự án CNTT cho MN - NTVN mang lại.
Khách quan mà nói, nông thôn và nông dân BĐ đang thiếu nhiều thứ, ví dụ như: đường giao thông, điện, nước sinh hoạt... internet có lẽ là nhu cầu không mấy bức thiết lắm. Mặt khác cũng cần thấy rằng muốn có internet thì phải có cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông chất lượng cao. Mà đầu tư để có cơ sở này cần vốn lớn, nếu không có sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế ta phải mất rất lâu mới thực hiện được. Việc mạng viễn thông nông thôn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển cơ sở hạ tầng sẽ góp phần cân bằng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, mà còn tạo ra cơ hội phát triển dân trí ở các vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh. Đảm bảo thực hiện tốt việc chỉ đạo của Đảng và Chính phủ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng cao vùng xa.
* Tại sao cứ phải là Internet?
Với việc đầu tư lớn và dài hạn, ngành Bưu điện có thể phát triển cơ sở hạ tầng để mở rộng kinh doanh, phục vụ đến tận những vùng nông thôn được xem là xa xôi nhất của tỉnh. Và một điều mà ai cũng sẵn sàng công nhận CNTT nói chung và internet nói riêng là một trong những động lực chính tạo nên bộ mặt thế kỷ 21.
Anh T.A - một người đang đầu tư để mở một điểm internet công cộng ở huyện Phù Mỹ cho biết: "Cước phí internet đang ngày càng rẻ hơn, chi phí đầu tư cho internet đang thấp xuống. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông ở nông thôn Bình Định ngày càng được nâng cấp về chất lượng. Do đó cơ hội tiếp cận với xa lộ thông tin sẽ nhiều hơn. Ba năm trước ở nước ta lượng trang web tiếng Việt chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nay ngay chính Bình Định cũng đang đầu tư và hỗ trợ đầu tư để xây dựng nhiều trang web thiết thực, phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt của mọi người. Chưa nói chi nhiều, có internet ở nông thôn, học sinh có thể đến điểm bưu điện văn hóa truy cập để biết kết quả thi đại học, có thể luyện thi trên mạng, tìm kiếm học bổng du học. Internet cũng có thể được xem như một công cụ để thỏa mãn những nhu cầu giải trí. .."
Với đặc tính "đi tắt đón đầu", hơn tất cả các ngành khoa học công nghệ khác, CNTT thường phát triển trước, xác lập một số điều kiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu sẽ phát sinh của con người. Ba bốn năm trước, nếu nói rằng nông dân ở An Giang, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang... lên internet hàng ngày hẳn nhiều người sẽ cho là chuyện phịa. Nay tuy chưa phải đã là phổ biến nhưng chuyện các chủ vườn cây ăn trái, chủ các bè cá... khảo sát và làm quen thị trường thế giới qua internet đã là chuyện bình thường.
Mới đây với sự giúp đỡ của Vương quốc Đan Mạch, Thư viện điện tử phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn (Trung tâm Thông tin Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ NN và PTNT) đã khai trương. Thư viện này gồm hệ thống quản lý, sách và tạp chí điện tử, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống tra cứu trực tuyến, cung cấp thông tin về tình hình sản xuất và thị trường nông nghiệp, nông thôn, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế; đồng thời thu thập, tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin phục vụ công tác chiến lược, chính sách và công tác quản lý nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những thông tin này khiến chúng ta tự tin hơn trong việc mở hướng để internet tiến về nông thôn.
. Đông A
|