Bình Định trải chiếu hoa, mời gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp
17:10', 1/7/ 2003 (GMT+7)

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng bạn bè trong nước và quốc tế tại Hội thảo.

Tại Hội thảo "Bình Định: Tiềm năng và cơ hội Đầu tư - Kinh doanh", ông Vũ Hoàng Hà - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư, đại diện các DN trong và ngoài nước; các cơ quan thông tin đại chúng xung quanh tiềm năng, thế mạnh, những dự án mời gọi đầu tư của Bình Định và những cơ chế, chính sách của tỉnh đối với lĩnh vực đầu tư, cũng như các nhà DN. Báo Bình Định xin trích giới thiệu một số câu hỏi của một số cá nhân, đơn vị và trả lời của Chủ tịch Vũ Hoàng Hà.

- Mục tiêu mà tỉnh Bình Định đặt ra tại cuộc Hội thảo lần này là gì, thưa ông?

+ Với những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, khoáng sản, nhân vật lực, Bình Định đang rất cần các nhà đầu tư. Nhưng, lâu nay các nhà đầu tư chưa có điều kiện để hiểu về Bình Định. Vì vậy, nhân dịp này chúng tôi sẽ nói rõ về tiềm năng của mình, mục tiêu của mình và kêu gọi các nhà đầu tư chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt là công nghiệp chế biến. Trong công nghiệp chế biến thì chủ yếu đầu tư cho các lĩnh vực chế biến các mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy sản. Thứ hai là chúng tôi còn có thế mạnh về khoáng sản, ví dụ như: đá granite, titan, imenhit… Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đến các lĩnh vực khai thác, chế biến, xuất khẩu  trên các lĩnh vực đó. Một vấn đề nữa là lâu nay chúng tôi có tiềm năng về du lịch nhưng chúng tôi chưa đánh thức được việc khởi động cho du lịch. Bởi vậy, lần này chúng tôi muốn cho nhà đầu tư vào Bình Định đầu tư về du lịch thì trước hết chúng tôi phải tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng. Thời gian gần đây chúng tôi đã bắt đầu làm được điều đó và bây giờ thì chúng tôi sẵn sàng kêu gọi các nhà đầu tư vào Bình Định.

+ Tôi quan tâm đến vấn đề liên lạc, đi lại, nối kết. Tôi xin đặt câu hỏi là: Nếu đi tàu từ TP.HCM ra Quy Nhơn phải mất 12 tiếng đồng hồ (?). Về đường hàng không, Bình Định chỉ có 1 chuyến bay, trong khi sân bay ở đó cũng chưa được nâng cấp đầy đủ. Tôi không hiểu rõ khách đến Bình Định có được tạo điều kiện để liên lạc với nhau như thế nào? Phương tiện giao thông, liên lạc sẽ ra sao? Liệu có một chương trình, dự án nào để giải quyết vấn đề này? Một vấn đề khác là cơ sở hạ tầng ở Bình Định như thế nào?

+ Quý khách muốn đến với Quy Nhơn - Bình Định, thì chúng tôi có đủ mọi điều kiện. Cụ thể là đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không đều có. Về hàng không, chúng tôi cũng đã cố gắng trong việc nâng cao chất lượng. Với trách nhiệm của mình, thời gian qua chúng tôi cũng đầu tư nâng cấp việc vận chuyển từ sân bay Phù Cát về Quy Nhơn. Trong thời gian tới, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cũng sẽ mở thêm một số tuyến bay từ Quy Nhơn đi Đà Nẵng và từ đó đi Hà Nội. Đồng thời Tổng Công ty còn mở thêm nhiều chuyến trong ngày, như tuyến TP.HCM đi Quy Nhơn. Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã trả lời với chúng tôi rằng: Tùy theo lượng khách đi máy bay. Nếu lượng khách nhiều thì Tổng Công ty sẽ mở 2 ngày/chuyến. Nếu có khách nhiều hơn nữa thì Tổng Công ty sẽ thay bằng những máy bay hiện đại hơn. Ngoài ra, hiện nay ngành hàng không Việt Nam đang có chủ trương từng bước hạ giá vé của khách nước ngoài xuống, nâng giá vé của khách nội địa lên. Do đó, đến năm 2004, giá vé của người nước ngoài so với người trong nước đều bằng nhau. Khoảng tháng 8 tới, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ khởi công xây dựng nhà ga mới sân bay Phù Cát để đảm bảo phục vụ cho hành khách đi lại ngày càng tốt hơn. Bản thân địa phương chúng tôi cũng có những trách nhiệm trong vấn đề này. Như quý vị đã biết, cách đây chừng 1 năm, quý vị nào trước đây đã từng đi vào sân bay Phù Cát thì xe phải dừng lại và phải trình giấy rồi mới được đi tiếp. Nay thì không còn tình trạng này nữa. Hy vọng rằng, trong thời gian tới khi lượng khách đến Bình Định nhiều lên thì Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ đầu tư mở thêm nhiều chuyến bay, kể cả chuyến bay tối.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Về đường bộ thì cũng khá thuận lợi. Mấy năm nay, cũng như các tỉnh miền Trung, chúng tôi khá vất vả. Chỉ xin nói về quốc lộ 1A Chính phủ tập trung làm ở 2 đầu tổ quốc trước còn miền Trung thì làm sau. Nhưng chúng tôi quan niệm rằng, trước hay sau gì thì tuyến đường cũng đi đến đích. Và như quý vị thấy là đến hôm nay thì đã đến đích. Nếu như quý vị đi ô tô từ TP.HCM đến Quy Nhơn thì rất thuận lợi. Một vấn đề nữa là Chính phủ Việt Nam hiện đang tiến hành làm lại tuyến đường Hồ Chí Minh. Từ tuyến đường này về Quy Nhơn chỉ mất 165 Km. Tôi nghĩ rằng sau này nếu đi từ TP.HCM đến Quy Nhơn theo tuyến đường này thì cũng khá nhanh.

Về đường sắt cũng có những chuyển biến đáng kể. Chính câu hỏi của vị đại diện DN vừa rồi cũng đã trả lời cho câu hỏi vì sao Bình Định có tiềm năng như thế mà lâu nay chưa được các nhà DN quan tâm. Bởi vì, một trong những nguyên nhân là do điều kiện đi lại còn khó khăn. Nay thì vấn đề giao thông, đi lại đã có nhiều tiến bộ. Về giao thông nội tỉnh, mặc dù TP. Quy Nhơn dân số không đông nhưng chúng tôi cũng đã đầu tư xây dựng tuyến xe buýt, nhằm phục vụ cho nhân dân đi lại và nhất là công nhân, lao động đi làm.

- Tôi xin có 5 câu hỏi. Tuy là 5 vấn đề khác nhau nhưng đối với tôi cả 5 câu hỏi đều rất quan trọng. 1- Cao lanh của Bình Định đã có cuộc thăm dò trữ lượng nào chưa? 2- Tôi đã tham gia hoạt động khai khoáng ở Việt Nam khoảng 4 năm. Tôi biết trong lĩnh vực khai khoáng, ở cấp cao nhất tại Hà Nội thì có rất nhiều khó khăn về hành chính. Vậy, quan hệ giữa UBND tỉnh với chính quyền Trung ương để nhằm giảm bớt những phiền hà, rắc rối hành chính trong ngành khai khoáng như thế nào? 3- Về chương trình giao ước quốc tế thì tỉnh đã thực hiện việc hỗ trợ cho các ngành chế biến gỗ, các DN xuất khẩu gỗ ra sao? Trong tương lai Bình Định có thực hiện các chương trình tiếp thị quốc tế gì nữa để giúp các DN chế biến gỗ? 4- Tôi biết là Bình Định đang có kế hoạch xây dựng 1 cầu qua Nhơn Hội - Quy Nhơn. Tôi nghĩ nơi đây cần phải có sự phê duyệt của Bộ Quốc phòng khi tiến hành các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản (?). 5- Tôi muốn biết mùa mưa ở Quy Nhơn và mức độ nước mưa ở đây như thế nào?

+ Tất cả các loại tài nguyên, khoáng sản trong đó có cao lanh mà chúng tôi trình bày tại Hội thảo này đều dựa trên cơ sở mà chúng tôi đã nhờ các đơn vị của Trung ương thăm dò, khảo sát trữ lượng. Về vấn đề "thủ tục hành chính" trong khai khoáng, tôi xin nhắc lại: Đối với các DN khi đến với Bình Định thì quý vị chỉ cần đến 1 trong 2 cơ quan. Đó là, nếu như đầu tư vào Khu công nghiệp, quý vị chỉ cần đến Ban quản lý các Khu công nghiệp; nếu như đầu tư vào các đơn vị ngoài Khu Công nghiệp thì mời quý vị đến Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại tỉnh. Hai cơ quan này sẽ làm các thủ tục từ A tới Z. Các nhà đầu tư không phải tự mình đi làm. Các nhà đầu tư không phải lo ngại khó khăn gì và không phải mất thời gian gì. Hiện nay, Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch tỉnh được phê duyệt những dự án từ 5 triệu USD trở xuống. Trên 5 triệu USD là quyền của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Trên nữa thì phải lên Thủ tướng. Nếu dự án có số vốn lớn thì chúng tôi sẽ đi cùng với các nhà đầu tư để ra giải trình dự án. Tôi xin bảo đảm là các nhà đầu tư khi đến với Bình Định chỉ cần nộp dự án và sau một thời gian nhất định là sẽ xong các thủ tục. Tất nhiên thời gian đó chúng tôi cũng quy định rất rõ đối với từng ngành nghề, từng lĩnh vực.

Vấn đề thứ ba, ngành chế biến lâm sản là một trong những ngành mũi nhọn của Bình Định và là ngành phát triển mạnh thuộc loại nhất, nhì so với cả nước. Về vùng nguyên liệu chúng tôi giải quyết bằng 2 cách. Trước hết, chúng tôi phải trồng rừng để làm nguyên liệu và phải liên kết với các tỉnh xung quanh, nhất là các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăklăk… Hai là, chúng tôi phải nhập từ các nước.

Về dự án cầu Nhơn Hội - Quy Nhơn, các vị không phải lo về vấn đề đối với Bộ Quốc phòng, vì dự án này được Chính phủ chúng tôi phê duyệt. Hiện chúng tôi đã và đang tiếp tục khôi phục lại rừng sinh thái và sẽ cải tạo lại đầm Thị Nại để môi trường được trong sạch. Mục đích của chúng tôi là phục vụ cho du lịch nên nước phải trong, xanh, sạch. Sau đó chúng tôi sẽ sắm những chiếc tàu du lịch để chở du khách đi tham quan. Có như thế thì mới giữ chân khách lâu được. Mục đích của chúng tôi là "móc túi" khách du lịch.

Cuối cùng là vấn đề mùa mưa ở Quy Nhơn. Bình Định có 2 mùa rất rõ: mùa nắng và mùa mưa. Mùa mưa ở đây chỉ có 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12). Hãn hữu lắm mới lai rai qua tháng giêng. Do đặc điểm địa lý nên có độ dốc tương đối. Vì vậy, vào mùa mưa ở Bình Định thường xảy ra lũ, lụt. Song, điều đặc biệt là nước rút rất nhanh, chứ không như các tỉnh Nam Bộ. Lưu lượng nước bình quân ở Bình Định là 2000-2200 milimet/năm. Năm nào mưa nhiều thì lượng mưa lên đến 2467 milimet. Ngược lại, năm nào mưa ít cũng đạt 1989 milimet/năm.

- Gần như là "phong trào", hiện nay có rất nhiều tỉnh, thành đua nhau tổ chức các cuộc Hội thảo kêu gọi đầu tư; tỉnh nào cũng "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư… Vậy, Bình Định làm gì và làm như thế nào để không "dẫm chân" các tỉnh và để các DN không bị rối?

+ Theo chúng tôi, muốn thu hút các nhà đầu tư thì ngoài việc phải cung cấp những thông tin tương đối đủ để các nhà đầu tư biết còn phải có những chính sách hấp dẫn. Nhưng, nói riêng về lĩnh vực này không thì chưa đủ, bởi vì hiện nay tỉnh nào cũng có chính sách cả. Mà, khi tỉnh này ban hành chính sách tốt hơn thì tỉnh khác cũng sẽ điều chỉnh. Cho nên, theo tôi ngoài việc có chính sách hấp dẫn, vấn đề còn lại phải là các sở, ngành phục vụ cho các DN như thế nào. Nói một cách thẳng thắn là phải cải cách thủ tục hành chính. Các sở, ngành, các đơn vị hành chính của tỉnh phải đảm bảo một cách thuận lợi, nhanh nhất để các nhà đầu tư người ta vào. Khi người ta khó khăn, thắc mắc gì thì phải giải quyết ngay. Ở tỉnh Bình Định, chúng tôi lập 1 "đường dây nóng". Khi các DN có những vướng mắc gì thì gọi ngay cho đường dây nóng đó, lúc nào cũng có tôi và tôi trực tiếp giải quyết ngay đối với các DN.

Một lần nữa, chúng tôi xin khẳng định: Bình Định sẵn sàng "trải chiếu hoa" mời gọi, đón chào các nhà đầu tư, các doanh nhân, DN và kể cả các tổ chức ngoại giao!

- Như vậy sẽ nảy sinh vấn đề các tỉnh cạnh tranh gay gắt trong việc kêu gọi các nhà đầu tư? Tỉnh Bình Định sẽ giải quyết vấn đề này như  thế nào?

+ Việc cạnh tranh đó là tất nhiên. Cơ chế thị trường thì tất có cạnh tranh. Chính vì thế, ngoài những yếu tố như tôi nói ở trên thì cần phải có những yếu tố khác như vấn đề nhân lực, con người của mình. So với các tỉnh khác, Bình Định là tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với hơn 800.000 người, trình độ, năng lực tay nghề của người lao động Bình Định nói chung là khá. Trong những năm qua chúng tôi đã tập trung đào tạo rồi. Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức của chúng tôi cũng tương đối khá. Hiện nay trên địa bàn của tỉnh chúng tôi có 34 tiến sĩ, 138 thạc sĩ, 15.800 người có trình độ đại học, cao đẳng. Ngoài ra, chúng tôi còn hướng đến mục tiêu đào tạo chuyên sâu. Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chúng tôi đang có chính sách tuyển người để đưa đi nước ngoài đào tạo chuyên sâu để về phục vụ cho nền kinh tế của tỉnh, trong đó có việc phục vụ cho các DN.

- Hồi nãy ông có nói đến việc thiết lập một "đường dây nóng" của tỉnh? Cụ thể về "đường dây nóng" này là như thế nào?

+ Chúng tôi thiết lập "Đường dây nóng" này gồm có 2 số máy. Số máy thứ nhất là của Chủ tịch UBND tỉnh do tôi trực tiếp giải quyết và 1 số máy do Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Đối ngoại Bình Định giải quyết. Tất cả các DN, các tổ chức kinh tế đều có thể gọi đến "đường dây nóng" này bất cứ ngày và đêm. Trong từng lĩnh vực, nếu như vướng mắc mà lớn thì Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp giải quyết. Nếu như những vướng mắc nhỏ thì Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Đối ngoại giải quyết cho các DN.

- Thời gian qua, các DN đã từng đi dự Hội thảo ở một số địa phương cho rằng: Chính sách đề ra ở các cuộc Hội thảo chỉ là một phía, vì khi đến các địa phương thì lại gặp khó khăn nhưng tỉnh lại không có trách nhiệm giải quyết, nên rất khó khăn cho DN. Bởi vậy, hiện nay các DN có tâm lý là người ta chỉ tin một phần nào vào những lời hứa của tỉnh tại Hội thảo. Ông thấy điều đó thế nào?

+ Đúng như các anh nói. Tức là, khi mà tỉnh đưa ra những biện pháp cải cách thủ tục hành chính thì nhiều đơn vị cũng quyết tâm thực hiện. Nhưng, cấp dưới của giám đốc lại thường hay gây những khó khăn. Cho nên, vừa rồi chúng tôi đã tổ chức buộc từng sở, ngành, nhất là những sở, ngành có liên quan đến các DN phải làm đề án "Cải cách thủ tục hành chính". Tôi là người trực tiếp duyệt các đề án và đi kiểm tra những nội dung, công việc nêu trong đề án cải cách đó. Nếu như nhà DN báo cáo, phản ảnh cho tôi rằng: Sở nào, cán bộ nào gây những khó khăn, trở ngại, không phục vụ cho DN, thì chúng tôi sẽ có thái độ, xử lý đối với tổ chức, cán bộ đó.

. Viết Hiền

(Lược ghi)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tăng tốc hội nhập và phát triển  (29/06/2003)
Chuyện lãng mạn đang trở thành hiện thực  (29/06/2003)
Phòng trừ bọ dừa: Vì sao buông lỏng?   (27/06/2003)
Cuộc tranh chấp thương hiệu rượu "Bầu Đá" sắp đến hồi kết cuộc  (26/06/2003)
Rừng Hà Ri đã có chủ  (25/06/2003)
Các hộ nuôi tôm tại Quy Hòa xơi phải "quả đắng"  (24/06/2003)
Tin vui lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu  (23/06/2003)
Viết tiếp về vụ linh kiện phụ tùng xe máy ngoại nhập lậu  (22/06/2003)
Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý rừng  (22/06/2003)
Phú Gia may thổ cẩm  (20/06/2003)
Ai là chủ kho hàng linh kiện phụ tùng xe máy ngoại nhập đang bị tạm giữ tại Quy Nhơn?  (19/06/2003)
Những làng nghề truyền thống ở Nhơn Hậu  (18/06/2003)
Ấn tượng Canh Liên  (18/06/2003)
Nhìn từ chợ chiếu Gò Bồi  (16/06/2003)
Tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường  (13/06/2003)