Rừng đã được bảo vệ tốt hơn
20:9', 2/7/ 2003 (GMT+7)

Sau 6 năm thực hiện Chỉ thị 286/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển rừng và Chỉ thị số 287/TTg về việc tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân phá hại rừng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Bình Định được tăng cường nhiều mặt.

* Phát hiện và xử lý gần 3.000 vụ vi phạm Lâm luật

Bình Định hiện có 218.162 ha rừng nằm tập trung ở các huyện: Hoài Ân, Tây Sơn, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và Hoài Nhơn. Diện tích rừng lớn, có nhiều khu vực nằm giáp ranh với các tỉnh khác, đường giao thông cách trở…, nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, khoán trắng cho lực lượng kiểm lâm. Lâm tặc đã lợi dụng những điểm yếu đó để khai thác, vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép để trục lợi. Để khắc phục những yếu kém đó, lập lại kỷ cương pháp luật trong công tác bảo vệ rừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng như: Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát, kiểm tra tình hình phá rừng ở các vùng giáp ranh với các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi; các tụ điểm phá rừng ở các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, các khu rừng giáp ranh giữa các huyện và các tụ điểm tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật trái phép… Mặt khác, tăng cường công tác giao đất, giao rừng, tuyên truyền phổ biến rộng rãi pháp luật về bảo vệ rừng cho nông dân.

Nhờ sự giúp sức của nhân dân, nhiều đối tượng có hành vi vi phạm luật quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Điển hình như vụ việc ngày 7-9-1997, Hạt kiểm huyện Vân Canh bắt quả tang 8 người đang khai thác gỗ trái phép ở khu vực giáp ranh giữa xã Canh Giao (Vân Canh) với xã Đa Lộc huyện Đồng Xuân (Phú Yên). Hay vụ việc ngày 7-6-2002, Hạt kiểm lâm Tây Sơn bắt quả tang một chiếc xe tải không biển số chở gỗ lậu tại xã Tây Giang (Tây Sơn). Mới đây nhất, ngày 4-5-2003, 2 tên Nguyễn Văn Bé và Nguyễn Văn Dũng ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, đã bị Hạt kiểm lâm huyện Hoài Ân bắt gọn khi đang trên đường tiêu thụ lâm sản trái phép. Ngoài ra, qua các đợt kiểm tra truy quét lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 2.914 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản, động vật trái phép, tịch thu hàng ngàn m3 gỗ, động vật và các tang vật khác của lâm tặc.

Có thể nói, nhờ tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng, công tác quản lý bảo vệ rừng đã được chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh quan tâm, nhiều đối tượng có hành vi vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, tạo được lòng tin trong nhân dân. 

* Tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng

Mặc dù vậy, nạn khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật trái phép đôi khi, đôi lúc vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, tài nguyên rừng vẫn còn vị xâm phạm. Để ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, Bình Định đang tăng cường phối hợp giữa các ngành: Công an, Viện Kiểm sát, Quân đội, Sở NN-PTNT, Sở Thương mại – Du lịch, Ban Dân tộc và Miền núi…. cùng với lực lượng kiểm lâm  tăng cường quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài nhiệm vụ chung là cùng lực lượng kiểm lâm kiểm tra, truy quét lâm tặc, các đơn vị đều có nhiệm vụ riêng tùy theo chức năng của mình để quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn.

Đối với Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo cho các nông, lâm trường nhanh chóng giao đất giao rừng cho nông dân. Sở Thương mại và Du lịch kiểm tra, xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh các nhà hàng, quán ăn đặc sản chế biến các loại động vật rừng. Hội Phụ nữ Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng cho nông dân. Các huyện, thành phố phải thành lập các đoàn kiểm tra, tiếp tục kiểm tra các tụ điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và động, thực vật quý hiếm ở các khu rừng phòng hộ đầu nguồn, các khu rừng giáp ranh giữa các huyện; kiểm tra tình hình phá rừng ở vùng rừng giáp ranh với các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi… Chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp của mình về tài nguyên rừng trên địa bàn, nơi nào để xảy ra tình trạng lâm tặc phá hại rừng trên địa bàn thì lãnh đạo trực tiếp của địa phương đó phải bị xử lý kỷ luật.

. Phạm Tiến Sỹ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những tấm lòng bè bạn  (01/07/2003)
Bình Định trải chiếu hoa, mời gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp  (01/07/2003)
Tăng tốc hội nhập và phát triển  (29/06/2003)
Chuyện lãng mạn đang trở thành hiện thực  (29/06/2003)
Phòng trừ bọ dừa: Vì sao buông lỏng?   (27/06/2003)
Cuộc tranh chấp thương hiệu rượu "Bầu Đá" sắp đến hồi kết cuộc  (26/06/2003)
Rừng Hà Ri đã có chủ  (25/06/2003)
Các hộ nuôi tôm tại Quy Hòa xơi phải "quả đắng"  (24/06/2003)
Tin vui lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu  (23/06/2003)
Viết tiếp về vụ linh kiện phụ tùng xe máy ngoại nhập lậu  (22/06/2003)
Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý rừng  (22/06/2003)
Phú Gia may thổ cẩm  (20/06/2003)
Ai là chủ kho hàng linh kiện phụ tùng xe máy ngoại nhập đang bị tạm giữ tại Quy Nhơn?  (19/06/2003)
Những làng nghề truyền thống ở Nhơn Hậu  (18/06/2003)
Ấn tượng Canh Liên  (18/06/2003)