Hội nhập kinh tế quốc tế: Các doanh nghiệp chuẩn bị gì?
17:25', 8/7/ 2003 (GMT+7)

Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Để bước vào "ngôi nhà chung" kinh tế các nước khu vực và trên thế giới, đòi hỏi những điều kiện nhất định không chỉ nền kinh tế mỗi nước, mỗi địa phương, mà còn trong từng doanh nghiệp (DN). Ở Bình Định, các DN đã chuẩn bị hành trang gì cho quá trình hội nhập này?

* Ông ĐỖ VĂN TÂM - Quyền Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Bình Định: Chủ động bước vào Hội nhập.

Khi nắm bắt thông tin VN chuẩn bị hội nhập, từ vài năm trước đây Công ty XNKBĐ đã có sự chuẩn bị để tham gia hội nhập. Năm 2001 sản phẩm gỗ tinh chế xuất khẩu của Công ty đã được Tổ chức giám định quốc tế (SGS) công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001-2000. Đồng thời, Công ty tập trung đầu tư hơn 5 tỉ đồng để đổi mới trang thiết bị đồng bộ và xây dựng nhà, xưởng khang trang, bảo đảm các điều kiện sản xuất, thực hiện chiến lược giảm chi phí trong tất cả các công đoạn sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm và tận dụng nguyên liệu đến mức tối đa; đào tạo nâng cao tay nghề công nhân…. Nhờ đó, vài năm gần đây giá thành các loại sản phẩm xuất khẩu của công ty đã đạt mức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để bảo đảm về lâu dài vẫn không bị tụt hậu, Công ty XNKBĐ đang tiến hành triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất tinh bột mì; nghiên cứu để khôi phục sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu như thảm xơ dừa, mành trúc, hàng đan mây nhỏ, đầu tư mới dây chuyền sản xuất mặt hàng gỗ nội thất nhằm tạo ra một số mặt hàng mới; mở rộng các thị trường mới như Mỹ, Nhật, Canada khai thác tối đa số lượng khách hàng của thị trường Châu Âu.

* Bà ĐỒNG THỊ ÁNH - Phó Giám đốc Công ty Thương mại XNK Ánh Việt: Phải bảo đảm chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

Nhiều năm qua, với tốc độ cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, bắt buộc DN phải tự điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm và chất lượng sản phẩm phải tăng cao dần, để phù hợp theo các yêu cầu hội nhập. Sản phẩm thương hiệu Ánh Việt đã được Chứng nhận của tổ chức bảo vệ môi trường xanh thế giới. Theo chúng tôi, không ngừng nâng cao quản lý, tay nghề công nhân, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành mà bảo đảm chất lượng sản phẩm là những yếu tố quan trọng để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Mặt khác, DN luôn chủ động tham gia nhiều hội chợ trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm, khai thác khách hàng mới; thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, phải bảo đảm chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân bậc cao rất gắn bó với công ty, hàng năm công ty tổ chức tham quan, học tập nghề với nhiều đồng nghiệp trong nước để nâng cao tay nghề, thu thập mẫu mã mới-nâng cao chất lượng sản phẩm, ngày càng thể hiện uy tín của thương hiệu Ánh Việt trên thị trường, tạo niềm tin với khách hàng. Dự định trong thời gian đến, công ty sẽ đầu tư khoảng hơn 1 tỉ đồng để lắp đặt dây chuyền sản xuất mặt hàng gỗ nội thất, tổ chức kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản, tạo thêm nhiều mặt hàng mới để tăng năng lực trong hội nhập.

* Ông VÕ VĂN CÓ - Giám đốc Công ty Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn: Đơn vị đã bắt đầu hội nhập môi trường kinh doanh mới.

Đến nay có thể nói hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu của Công ty Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn đã và đang đi vào ổn định. Công ty đã được đầu tư với giá trị tương đối lớn để xây dựng nhà máy chế biến hàng thủy sản và súc sản với trang thiết bị theo dây chuyền công nghệ hiện đại của Nhật Bản, bảo đảm các điều kiện sản xuất hàng xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm xuất khẩu của Công ty luôn đạt mức tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, đặc biệt mặt hàng tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty đã tạo được uy tín với khách hàng quốc tế. Thế mạnh của Công ty là dựa vào nguồn thu mua nguyên liệu tại chỗ, có kho lớn dự trữ nguyên liệu để bảo đảm sản xuất quanh năm, người lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định nên rất gắn bó với công việc trong nhà máy, thực hiện tiết kiệm giảm chi phí trong hầu hết các công đoạn thu mua, chế biến…. Công ty đào tạo lực lượng công nhân tay nghề bậc cao làm nòng cốt trong các khâu đầu mối sản xuất, chế biến thực phẩm đông lạnh xuất khẩu. Do đó, hầu hết chất lượng sản phẩm xuất khẩu được tăng cao dần nhưng giá thành sản phẩm thì theo đà giảm nhẹ hơn, thật sự đem lại hiệu quả kinh tế trong hoạt động sản xuất chế biến các mặt hàng thực phẩm đông lạnh xuất khẩu. Ngoài ra, Công ty còn thực hiện kinh doanh các loại hàng nhập khẩu như máy móc thiết bị, ô tô, xe máy, vật tư, phụ tùng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đối với hàng xuất nhập khẩu nói chung, từ lâu nay công ty đã bảo đảm cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.

. Quỳnh Thanh 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định khởi động hội nhập  (08/07/2003)
Nhiều trở ngại từ công tác giải tỏa mặt bằng  (07/07/2003)
Nét mới cảng cá Quy Nhơn  (06/07/2003)
Đổi mới một vùng quê  (04/07/2003)
Làng nghề đan Trung Chánh  (03/07/2003)
Rừng đã được bảo vệ tốt hơn  (02/07/2003)
Những tấm lòng bè bạn  (01/07/2003)
Bình Định trải chiếu hoa, mời gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp  (01/07/2003)
Tăng tốc hội nhập và phát triển  (29/06/2003)
Chuyện lãng mạn đang trở thành hiện thực  (29/06/2003)
Phòng trừ bọ dừa: Vì sao buông lỏng?   (27/06/2003)
Cuộc tranh chấp thương hiệu rượu "Bầu Đá" sắp đến hồi kết cuộc  (26/06/2003)
Rừng Hà Ri đã có chủ  (25/06/2003)
Các hộ nuôi tôm tại Quy Hòa xơi phải "quả đắng"  (24/06/2003)
Tin vui lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu  (23/06/2003)