Chương trình 135
Tạo động lực cho vùng cao khởi sắc
15:57', 9/7/ 2003 (GMT+7)

Vùng cao An Quang (An Lão) hôm nay (ảnh: Ngọc Thái)

Vùng cao hôm nay đã khác xưa nhiều - đó là điều dễ dàng cảm nhận được của những ai đã từng lên vùng cao nay có dịp trở lại. Đóng góp một phần không nhỏ tạo nên sự chuyển biến đó ở những địa phương vùng cao trong tỉnh hôm nay chính là Chương trình 135.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 135, toàn tỉnh đã xây dựng được 152 danh mục, gồm 81 công trình giao thông, 21 công trình điện, 32 công trình thủy lợi, 13 công trình nước sạch, 3 công trình trường học và 2 công trình khai hoang cho 28 xã đặc biệt khó khăn. Chương trình 135 đã đáp ứng được lòng mong mỏi lâu nay của người dân vùng cao, đồng thời phát huy tốt hiệu quả kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương. Nhờ đó mà 100% xã đặc biệt khó khăn của tỉnh đã có đường giao thông đến trung tâm xã. Việc thông thương giữa miền núi với miền xuôi được thuận tiện hơn, người dân vùng cao đã chuyển dần tập quán tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa. Các vùng cao đã xuất hiện nhiều mô hình mới như: VAC, kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại…, qua đó đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm, phá bỏ thế độc canh cây lúa rẫy và tăng thu nhập cho người dân.

Chúng tôi về huyện An Lão, địa phương có sự chuyển biến rõ nhất từ Chương trình 135. Nơi đây hiện có 7/9 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn được hưởng sự đầu tư của Chương trình 135. An Lão là địa phương có địa hình trắc trở nhất, các xã nằm gần như biệt lập với nhau. Cuộc sống của người dân chủ yếu là tự cấp tự túc với cái đói đeo đẳng quanh năm. Nhưng từ khi có Chương trình 135, cuộc sống của người dân An Lão đã đổi thay đáng kể. Ông Nguyễn Hữu Đấu, Phó chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: "Trước do không có điều kiện, bà con chỉ chăm chăm vào cây lương thực để giải quyết cái ăn. Còn bây giờ, có điện, có đường, có công trình thủy lợi… việc phát triển sản xuất và giao thương hàng hóa thuận lợi hơn".

Ông Đinh Văn Chê, vốn thuộc diện khó khăn ở xã An Dũng, nay nhờ biết cách làm ăn đã trở nên giàu có. Khu vườn nhà của ông không còn bỏ hoang mà được tận dụng trồng các loại cây: đu đủ, xoài, cà phê… mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Ngoài kinh tế vườn, ông còn đầu tư nuôi trâu, bò, heo, gà... Ông tâm sự: "Bây giờ, mọi thứ đều là tiền ai lại đi bỏ vườn hoang mà chịu cảnh đói khổ". Không riêng gì ông, ở đây còn nhiều hộ đã thoát được đói nghèo nhờ chịu khó làm ăn. Trên địa bàn huyện đã có 2.509 khu vườn được đầu tư phát triển, 414 ao nuôi cá nước ngọt, 62 mô hình đã và đang phát triển thành trang trại, được bà con đầu tư thâm canh, nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ đói nghèo trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể, trung bình mỗi năm giảm 6%.

Ngoài các công trình giao thông, các công trình khác của Chương trình 135 cũng góp phần không nhỏ vào sự tạo dựng cuộc sống mới cho đồng bào vùng cao trong tỉnh. Hiện nay 100% xã đặc biệt khó khăn đã có điện, với hơn 70% số hộ sử dụng. Bây giờ người dân vùng cao làm ruộng đã có trạm bơm thủy lợi, làm kinh tế vườn đã có mô tơ bơm nước tưới cây. Ngoài ra, các công trình cấp nước sinh hoạt cũng góp phần không nhỏ vào sự chuyển mình của vùng cao.

Tuy nhiên, công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống no đủ cho đồng bào miền núi vẫn còn nhiều thách thức. Dù hiện nay các xã đặc biệt khó khăn đã không còn hộ đói kinh niên, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao. Hy vọng, trong thời gian đến, sự đầu tư cho vùng cao sẽ được tiếp tục nhiều hơn.

. Phạm Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hội nhập kinh tế quốc tế: Các doanh nghiệp chuẩn bị gì?   (08/07/2003)
Bình Định khởi động hội nhập  (08/07/2003)
Nhiều trở ngại từ công tác giải tỏa mặt bằng  (07/07/2003)
Nét mới cảng cá Quy Nhơn  (06/07/2003)
Đổi mới một vùng quê  (04/07/2003)
Làng nghề đan Trung Chánh  (03/07/2003)
Rừng đã được bảo vệ tốt hơn  (02/07/2003)
Những tấm lòng bè bạn  (01/07/2003)
Bình Định trải chiếu hoa, mời gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp  (01/07/2003)
Tăng tốc hội nhập và phát triển  (29/06/2003)
Chuyện lãng mạn đang trở thành hiện thực  (29/06/2003)
Phòng trừ bọ dừa: Vì sao buông lỏng?   (27/06/2003)
Cuộc tranh chấp thương hiệu rượu "Bầu Đá" sắp đến hồi kết cuộc  (26/06/2003)
Rừng Hà Ri đã có chủ  (25/06/2003)
Các hộ nuôi tôm tại Quy Hòa xơi phải "quả đắng"  (24/06/2003)