Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định:
Đầu tư thiết bị công nghệ mở rộng quy mô sản xuất
16:26', 10/7/ 2003 (GMT+7)

Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định (CTCPKSBĐ) thành lập đến nay gần 3 năm. Trong 3 năm qua các chỉ tiêu cơ bản như mức đầu tư mở rộng qui mô sản xuất, giá trị tổng sản lượng, tổng doanh thu, mức nộp ngân sách, lợi nhuận, thu nhập của người lao động… đều tăng cao so với trước.

Sau chuyển đổi, các chính sách khuyến khích ưu đãi đã tạo nên luồng sinh khí mới ở doanh nghiệp này. Ý thức làm chủ của các cổ đông, nhất là các cổ đông là người lao động của Công ty được nâng cao. Cứ sau mỗi kỳ đại hội thường niên, các phương án sản xuất kinh doanh mới, các giải pháp nhằm phát huy năng lực tiềm tàng của doanh nghiệp đã kích thích nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do tích lũy được nhiều kinh nghiệm trước đó, nên Ban lãnh đạo doanh nghiệp điều hành Công ty khá tốt. Các phương án sản xuất kinh doanh đều đảm bảo tính tối ưu, đều nhằm giảm chi phí giá thành sản phẩm.

Ngay sau khi thực hiện cổ phần hóa, doanh nghiệp bỏ ra gần 2 tỉ đồng đầu tư mới một cụm vít xoắn tuyển quặng, công suất 6.000 tấn/năm và hệ thống thiết bị phụ trợ đặt tại mỏ (Cát Thành – Phù Cát). Sau khi đầu tư xây dựng trạm biến áp để có thể nhận điện trực tiếp từ lưới điện Quốc gia, doanh nghiệp tự chế tạo và sản xuất thêm 2 cụm thiết bị tuyển ướt và tuyển tinh, nâng cao công suất ở toàn bộ quy trình sản xuất. Tại Cát Thành, doanh nghiệp xây dựng thêm một nhà xưởng qui mô, thực hiện cả 2 khâu: tuyển ướt và tuyển tinh, cho 70 người làm việc tại đây. Trước đây, khi chưa có nhà xưởng này, gần như toàn bộ số quặng cần tuyển tinh phải chở từ mỏ về Quy Nhơn, số quặng này chỉ có hàm lượng quặng có ích dưới 60%. Nhờ các hệ thống vít tuyển này, trong hơn 2 năm qua, lượng quặng chở về Quy Nhơn đạt hàm lượng quặng có ích trên 70%. Chỉ riêng ở khâu này, chi phí sản xuất đã giảm trên 10%. Tại Quy Nhơn, doanh nghiệp hoàn thành việc xây dựng thêm 600 m2 nhà xưởng, nâng tổng diện tích nhà xưởng ở đây lên 2.200 m2. Trong đó, doanh nghiệp cho thay dần những thiết bị tuyển tinh cũ, đồng thời gia tăng đầu tư các hệ thống thiết bị phụ trợ, theo hướng giảm tối đa lao động thủ công. Mục tiêu nhắm đến của công việc này là nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm.

Từ giữa năm ngoái, sau khi đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, doanh nghiệp có thể tự kiểm tra, đánh giá chính xác các chỉ tiêu kỹ thuật, hàm lượng, chất lượng nguyên liệu trên từng vùng mỏ và chất lượng sản phẩm. Công việc này lâu nay phải nhờ tới sự giúp đỡ của các trung tâm kiểm nghiệm trong và ngoài nước. Làm được việc này, doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh được kế hoạch và qui trình sản xuất. Từ sau khi thực hiện chuyển đổi đến nay, việc đầu tư mở rộng qui mô sản xuất của doanh nghiệp là hơn 3 tỉ đồng. Nhờ vậy, hiện nay công suất khai thác và tinh tuyển quặng sa khoáng của Công ty tăng lên hơn 2 lần so với thời điểm trước khi cổ phần.

Từ cuối năm 2001, Công ty phối hợp với Viện khoa học vật liệu tổ chức khai thác thử tại mỏ vàng Kim Sơn (Ân Nghĩa, Hoài Ân), 2 bên đã thực hiện đào hầm lò, đào giếng để khai thác quặng vàng. Tại đây qui trình khai thác mỏ kim loại quí được thực hiện khá nghiêm ngặt. Công nghệ khai thác là công nghệ sạch, không dùng hóa chất độc hại, không gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, việc đầu tư toàn bộ cho công việc này tại đây là hơn 1 tỉ đồng. Khối lượng vàng qua khai thác thử là hơn 5.000 gam. Qua đánh giá hàm lượng, trữ lượng và công nghệ khai thác ở đây hoàn toàn có thể khai thác công nghiệp. Tuy nhiên, trong hơn một năm qua, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ, do các thủ tục liên quan còn chưa được hoàn tất, điều này gây khó khăn cho các bên liên doanh. Doanh nghiệp đang cùng các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ những vướng mắc này, để sớm ra đời một ngành công nghiệp còn rất mới mẻ, nhưng đầy tiềm năng của tỉnh nhà.

Hiện nay Công ty CPKSBĐ cùng các bên đối tác đang khẩn trương xúc tiến xây dựng các dự án sau Ilmenite. Đó là các dự án sản xuất bột màu Bitmen và Rutin nhân tạo từ sa khoáng titan. Đây là 2 chế phẩm quan trọng, hiện đang được dùng trong rất nhiều ngành công nghiệp trong và ngoài nước. Cả 2 dự án này đều có vai trò rất quan trọng, bởi giá trị kinh tế và xã hội rất to lớn.

. Cát Hùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tạo động lực cho vùng cao khởi sắc  (09/07/2003)
Hội nhập kinh tế quốc tế: Các doanh nghiệp chuẩn bị gì?   (08/07/2003)
Bình Định khởi động hội nhập  (08/07/2003)
Nhiều trở ngại từ công tác giải tỏa mặt bằng  (07/07/2003)
Nét mới cảng cá Quy Nhơn  (06/07/2003)
Đổi mới một vùng quê  (04/07/2003)
Làng nghề đan Trung Chánh  (03/07/2003)
Rừng đã được bảo vệ tốt hơn  (02/07/2003)
Những tấm lòng bè bạn  (01/07/2003)
Bình Định trải chiếu hoa, mời gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp  (01/07/2003)
Tăng tốc hội nhập và phát triển  (29/06/2003)
Chuyện lãng mạn đang trở thành hiện thực  (29/06/2003)
Phòng trừ bọ dừa: Vì sao buông lỏng?   (27/06/2003)
Cuộc tranh chấp thương hiệu rượu "Bầu Đá" sắp đến hồi kết cuộc  (26/06/2003)
Rừng Hà Ri đã có chủ  (25/06/2003)