|
Một chủ hồ tôm ở Hoài Mỹ đang kiểm tra hồ tôm (ảnh: N.Hân) |
Trong thời điểm này (đầu tháng 7-2003), người nuôi tôm ở Hoài Nhơn đang khốn đốn vì bệnh tôm bùng phát mạnh. Các vùng nuôi tôm ở Hoài Mỹ, Hoài Hải trước đây chưa hề biết đến dịch bệnh là gì, nhưng nay người nuôi tôm đứng ngồi không yên vì tôm chết mà không biết cách nào cứu chữa.
Ông Đỗ Phú Hữu, Trưởng Trạm kiểm dịch thủy sản Hoài Nhơn cho chúng tôi biết, dịch bệnh tôm ở Hoài Nhơn bắt đầu bùng phát trong vòng hơn một tuần nay, nhưng đã lan rộng. Toàn huyện đã có hơn 40/230 ha mặt nước nuôi tôm bị bệnh và đang tiếp tục gia tăng.
Chúng tôi về xã Hoài Mỹ khi ở đây đang nóng lên vì dịch tôm. Hàng trăm chủ hộ nuôi tôm ở thôn Công Lương đổ xô ra hồ để tìm cách cứu cho được con tôm. Nhưng hầu như công sức, tiền của họ bỏ ra đều vô tác dụng. Tôm chết vẫn trôi dạt đầy bờ. Nhiều hộ đành phải cắn răng chịu lỗ cảo hồ để mong gỡ gạc chút ít vốn liếng. Anh Trần Lương Tịnh buồn rầu nói với chúng tôi: "Cả tuần nay, chúng tôi mất ăn mất ngủ cố tìm cách "cứu" cho bằng được con tôm nhưng đành phải "bó tay" đứng nhìn con tôm chết". Anh Tịnh cho biết, vụ tôm này anh nuôi 2 hồ với diện tích 6.900 m2, nhưng đã phải cảo sớm một hồ, tính sơ sơ đã mất 50 triệu tiền đầu tư con giống và thức ăn trong 40 ngày nuôi. Còn ông Hồ Dũng - người nuôi tôm giỏi trong vùng, vụ trước thu được 5 tấn tôm trên diện tích 1 ha, nhưng vụ này cũng cùng chịu chung cảnh thất thu. Ông Dũng đã "đổ" vào 1 ha ao nuôi hơn 50 triệu đồng, nhưng sau 50 ngày, ông đành phải chấp nhận cảo hồ vì con tôm không "trụ" nổi.
Ông Nguyễn Văn A, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ cho chúng tôi biết: "Chỉ sau một tuần có dịch toàn xã đã có 15/17 ha nuôi tôm ở Công Lương bị dịch bệnh tấn công, thiệt hại ước hơn 1 tỉ đồng, mức lỗ vốn 30-100 triệu đồng/hộ." Như vậy, đến nay tình hình dịch tôm ở Hoài Nhơn đã lan rộng ra 5 xã trong huyện. Ngoài xã Hoài Mỹ bị nặng nhất, còn các địa phương khác như Hoài Hải đã có 16 ha bị dịch, Tam Quan 2ha, Tam Quan Bắc 3 ha, Hoài Châu Bắc 3 ha.
Vì sao năm nay con tôm ở Hoài Nhơn bị dịch bệnh hàng loạt kể cả ở vùng nuôi tôm Công Lương (Hoài Mỹ) nơi từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra?
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân chính dẫn đến tôm dịch hàng loạt là do công tác kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi chưa được chú trọng. Hầu hết tôm giống ở Hoài Nhơn đều không được kiểm dịch chặt chẽ trước khi thả nuôi. Ông Nguyễn Văn A khẳng định: "Nguồn tôm giống không được kiểm dịch chặt chẽ, mang sẵn mầm bệnh đem ra thả nuôi gặp phải môi trường nước xấu, ô nhiễm làm bệnh phát triển và lây lan".
Khi con tôm dịch bệnh thì bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư đều mất trắng. Vì vậy, người nuôi tôm ở Hoài Nhơn đang rất cần sự giúp đỡ để khắc phục "tai họa" này.
. Nguyễn Hân
|