Phước Thắng: Nước sạch đã về, nhưng niềm vui chưa trọn
16:53', 15/7/ 2003 (GMT+7)

Công trình nước sạch Khu đông bắc Tuy Phước khởi công xây dựng từ năm 1999 với tổng số vốn đầu tư gần 3,8 tỉ đồng, công suất thiết kế 1.800 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 20 ngàn dân cư trong 3 xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang. Đến nay, hệ thống nước sạch lần lượt đi vào hoạt động ở các xã. Tuy nhiên, bà con nơi đây vẫn còn khó khăn về nước, chẳng hạn như xã Phước Thắng.

* Khi nước sạch về

Đầu năm 2003, hệ thống nước sạch đã đi vào hoạt động ở xã Phước Thắng, bà con trong xã vui mừng, vì từ nay họ được sử dụng nguồn nước sạch thật sự mà không cần phải đi mua từ nơi khác về, không sợ thiếu nước và nhất là sức khỏe được đảm bảo hơn. Ở Phước Thắng, xưa nay nguồn nước bị nhiễm mặn, phèn rất nặng, ngoài nước uống phải đi mua thì nước dùng cho sinh hoạt khác như: giặt giũ, tắm rửa... đều sử dụng nước ao, sông. Tuy nhiên nguồn nước này cũng bị ô nhiễm bởi chất thải từ nơi khác đổ về, nên bà con phải chờ khi nước lên, rác được cuốn trôi mới dùng. Mọi người đều biết nước từ ao, sông không được sạch, nhưng không còn nguồn nước nào hơn nên đành chấp nhận. Điều đáng nói là nhà nào cũng có giếng đóng hoặc giếng đào, nhưng không sử dụng được vì nhiễm mặn. Khó khăn ấy cứ kéo dài mãi cho đến khi đường ống nước sạch về đến xã bà con nông dân mới vơi đi nỗi cực nhọc.

Anh Đồng ở thôn Tư Cung phấn khởi nói: "Được tin nước sạch về xã, bà con ai nấy đều vui mừng, phấn khởi vì mong ước bao lâu nay đã trở thành hiện thực". Cuộc sống người dân đã phải lo toan mọi điều, lại thêm nỗi lo về nước đang đè nặng cho nên công trình nước sạch về đến xã thật sự là nỗi vui mừng cho bà con.

* Niềm vui chưa trọn

Toàn xã Phước Thắng hiện có 9 thôn, nhưng chỉ có 5 thôn được cấp nước sạch đặt ở 2 địa điểm chính là chùa Ông (Cát Chánh) và đường 640 với 4 cụm vòi chia đều 2 thôn Lạc Điền và Tư Cung. Sự phân bố không đồng đều này dẫn đến việc người dân ở 3 thôn còn lại hằng ngày phải qua Lạc Điền hay Tư Cung chở nước. Song, đến nay lượng nước cũng chỉ đủ cung cấp 50% tổng số dân ở 5 thôn. Anh Tân ở thôn Lương Bình tâm sự: "Tưởng nước sạch về làng bà con đỡ khổ, ai dè vẫn phải đi lấy nước nơi xa mà còn mất công chờ đợi".

Thực tế hằng ngày, người dân phải đi lấy nước theo giờ quy định 2 lần trong ngày (sáng từ 6-7 giờ, chiều 4-5 giờ). Mọi người đều tranh thủ đi sớm để lấy nước nhanh hơn, khỏi phải chen chúc, chờ đợi. Đôi lúc đi trễ nước không còn vì giờ mở nước có hạn. Mỗi lần lấy nước nhiều nhất cũng chỉ được vài đôi. Ngặt nỗi, gặp nhà neo đơn hay bận công việc buộc phải thuê người chở nước. Cứ một đôi là 1.000 đồng, phần lớn do con nít làm. Vào mùa hè, nhu cầu nước uống tăng cao, số người đến để lấy nước càng nhiều, nhưng giờ lấy nước vẫn không đổi. Chị Thoa ở thôn Phổ Đồng than: "Nhà chỉ còn mình tui là lấy nước, chồng thì bận công việc, con còn nhỏ. Nhiều lúc chờ lâu phát bực vì việc nhà không ai lo, thuê người chở thì chịu làm sao nổi". Đây cũng là khó khăn chung của nhiều người dân trong xã Phước Thắng hiện nay.

Thiếu nước sạch, dẫn đến một số bệnh ngoài da và đường ruột như: ghẻ, lang ben, tiêu chảy, kiết lỵ... ảnh hưởng sức khỏe, giảm sút năng suất lao động. Mong sao tình trạng này sớm được khắc phục để niềm vui có nước sạch về làng của bà con được trọn vẹn.

. Ngọc Nhi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Nhơn:Lận đận một mùa tôm   (14/07/2003)
Những người giữ "lửa" cho rượu Bầu Đá   (13/07/2003)
Nhờ đâu bia Lowen và Quy Nhơn ngày càng mở rộng thị phần?   (11/07/2003)
Đầu tư thiết bị công nghệ mở rộng quy mô sản xuất  (10/07/2003)
Tạo động lực cho vùng cao khởi sắc  (09/07/2003)
Hội nhập kinh tế quốc tế: Các doanh nghiệp chuẩn bị gì?   (08/07/2003)
Bình Định khởi động hội nhập  (08/07/2003)
Nhiều trở ngại từ công tác giải tỏa mặt bằng  (07/07/2003)
Nét mới cảng cá Quy Nhơn  (06/07/2003)
Đổi mới một vùng quê  (04/07/2003)
Làng nghề đan Trung Chánh  (03/07/2003)
Rừng đã được bảo vệ tốt hơn  (02/07/2003)
Những tấm lòng bè bạn  (01/07/2003)
Bình Định trải chiếu hoa, mời gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp  (01/07/2003)
Tăng tốc hội nhập và phát triển  (29/06/2003)