Sản xuất công nghiệp: Những chuyển động theo hướng hội nhập
8:58', 17/7/ 2003 (GMT+7)

Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu tại KCN Phú Tài (ảnh: Phạm Văn Chai)

6 tháng đầu năm 2003, giá trị sản xuất công nghiệp của Bình Định đạt trên 1.211 tỉ đồng, bằng 54,2% kế hoạch năm và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2002. Đây là kết quả sau nhiều năm nền công nghiệp của tỉnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng mở rộng ngành, nghề, tạo ra nhiều sản phẩm mới, đạt chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà máy, đào tạo thợ, nâng cao tay nghề cho công nhân; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Do đó, nhiều sản phẩm công nghiệp của tỉnh đã đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế như bia, đường, xi măng, thuốc chữa bệnh, gỗ tinh chế, khoáng sản, hải sản, giày da, may mặc…

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 758 DN, trong đó có 11 DN đầu tư nước ngoài với tổng nguồn vốn 35 triệu USD, và gần 20 ngàn cơ sở và hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho gần 45 ngàn lao động trong tỉnh. Riêng khu công nghiệp Phú Tài đã thu hút 107 DN, tạo việc làm cho gần 12 ngàn lao động, tăng 18% so với lực lượng lao động đầu năm 2003. Hầu hết các DN chế biến gỗ tinh chế xuất khẩu đều đầu tư đổi mới công nghệ đồng bộ, dây chuyền sản xuất với quy mô hiện đại, thu hút từ 700 đến 1.200 lao động, như Ánh Việt, Duyên Hải, Tiến Đạt, Đại Thành… tạo ra khối lượng sản phẩm xuất khẩu với giá trị kim ngạch xuất từ 3,5 đến 6 triệu USD/năm/DN. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu về gỗ tinh chế hàng năm chiếm khoảng 42-45% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 25 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 345 ha, trong đó cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (An Nhơn) quy hoạch gần 17 ha, thu hút 70 cơ sở, DN; trong đó đã giao đất cho 49 cơ sở. Cụm công nghiệp Quang Trung (TP Quy Nhơn) quy hoạch 8,4 ha, thu hút 52 cơ sở sản xuất và đang tiến hành giao đất; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, nước; giải phóng mặt bằng…

Cùng với thực hiện Luật DN, những năm qua UBND tỉnh đã thực hiện cơ chế chính sách thông thoáng, hỗ trợ đầu tư phát triển như ưu đãi về giá cho thuê đất, hỗ trợ kinh phí đào tạo công nhân, kinh phí cho DN tham gia Hội chợ triển lãm quốc tế; thực hiện cơ chế 1 cửa để thu hút đầu tư. Đến nay, hệ thống công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh bước đầu đã có những dấu hiệu hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhiều DN đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; đưa sản phẩm tham dự các Hội chợ triển lãm, gây ấn tượng tốt đẹp, tạo niềm tin với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Và đó chính là những bước chuyển động tích cực nhằm chuẩn bị các điều kiện để thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Tuy có bước chuyển biến khả quan, nhưng nền công nghiệp Bình Định vẫn còn những hạn chế; bản thân DN chưa chú trọng đúng mức về xây dựng và quảng bá thương hiệu DN; cơ sở sản xuất thủ công, trang thiết bị lạc hậu chiếm đa số nên chất lượng và giá thành sản phẩm khó phù hợp hội nhập. Để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở chủ quản cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ DN và cơ sở sản xuất giảm bớt khó khăn từng bước ổn định đi lên; xây dựng bảo vệ thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế và có thị trường tiêu thụ. Tỉnh thực hiện thống nhất các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kiên quyết cho di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đình chỉ hoạt động các cơ sở không bảo đảm an toàn về vệ sinh môi trường. Từ nay đến cuối năm 2003, Bình Định tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phấn đấu thực hiện tổng giá trị sản xuất công nghiệp vượt từ 15 đến 17% so với chỉ tiêu kế hoạch năm; sản phẩm công nghiệp Bình Định phấn đấu trụ vững trên thị trường trong, ngoài nước.

. Quỳnh Thanh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phước Thắng: Nước sạch đã về, nhưng niềm vui chưa trọn   (15/07/2003)
Hoài Nhơn:Lận đận một mùa tôm   (14/07/2003)
Những người giữ "lửa" cho rượu Bầu Đá   (13/07/2003)
Nhờ đâu bia Lowen và Quy Nhơn ngày càng mở rộng thị phần?   (11/07/2003)
Đầu tư thiết bị công nghệ mở rộng quy mô sản xuất  (10/07/2003)
Tạo động lực cho vùng cao khởi sắc  (09/07/2003)
Hội nhập kinh tế quốc tế: Các doanh nghiệp chuẩn bị gì?   (08/07/2003)
Bình Định khởi động hội nhập  (08/07/2003)
Nhiều trở ngại từ công tác giải tỏa mặt bằng  (07/07/2003)
Nét mới cảng cá Quy Nhơn  (06/07/2003)
Đổi mới một vùng quê  (04/07/2003)
Làng nghề đan Trung Chánh  (03/07/2003)
Rừng đã được bảo vệ tốt hơn  (02/07/2003)
Những tấm lòng bè bạn  (01/07/2003)
Bình Định trải chiếu hoa, mời gọi các nhà đầu tư và doanh nghiệp  (01/07/2003)