Đi mua sắm trên internet
16:0', 18/7/ 2003 (GMT+7)

Bạn muốn tìm mua một cuốn sách, một đĩa CD mới mà thị trường Quy Nhơn chưa thấy bày bán? Đừng hoài công lục tìm trong các hiệu sách. Hãy thử một lần vào mạng internet, truy cập vào các trang web bán hàng trên mạng. Chưa phải đã là tối ưu đâu, nhưng ít ra trong một số trường hợp, các siêu thị trên mạng internet sẽ giúp bạn tìm thấy lời giải.

* Tôi đi siêu thị trên internet

Tôi bắt đầu chuyến mua sắm trên internet của mình tại trang web www.nguyenkim.com do Siêu thị điện máy Nguyễn Kim - TP Hồ Chí Minh quản lý. Có thể nói ngay rằng hầu như tất cả những dụng cụ, thiết bị điện máy dân dụng từ chiếc máy cạo râu cho đến những bộ dàn rạp hát gia đình đều được giới thiệu rất chi tiết tại trang web. Hạn chế rất lớn của việc mua sắm trên mạng là người mua không được sờ mó, tiếp cận với các tính năng của món hàng (nghe thử, chạy thử...). Một người bạn của chúng tôi cho biết, anh vốn ngại đi dạo qua các cửa hàng nên đã sử dụng internet để chọn lựa, sau khi đã chọn được một vài mẫu ưng ý, tìm hiểu giá cả, công năng xong anh đến ngay các cửa hàng để ngã giá và mua. Với anh, siêu thị trên internet như là những showroom giới thiệu hàng, là nơi để anh tham khảo thông tin. Đó cũng là một cách khá hay để chọn hàng. Không bị hạn chế bởi vấn đề mặt bằng, mặt tiền, không gian nhà cửa trưng bày, điện chiếu sáng để tranh thủ ấn tượng của khách hàng, các siêu thị trên internet mở toang cửa hàng của mình ra để bạn tha hồ xem xét, kiểm tra...

Rời các trang web chuyên bán sản phẩm điện máy, tôi đăng nhập vào các siêu thị đích thực, bán đủ các loại hàng. Dẫn đầu trong nhóm này là trang web của Công ty Điện toán truyền số liệu VDC (http://vdcsieuthi.vnn.vn). Đây là một siêu thị lớn, tuy chỉ mới ra đời được vài năm nhưng trang web đã mau chóng lớn mạnh và tạo được uy tín với người tiêu dùng. Ở ngành hàng sách báo, siêu thị giới thiệu khá chi tiết về món hàng (hình ảnh, khuôn khổ, số trang, nhà xuất bản, tóm tắt nội dung...). Mặc dù đã đọc khá kỹ về điều kiện mua bán nhưng tôi vẫn muốn kiểm tra thử thái độ phục vụ khách hàng của siêu thị như thế nào, bằng cách gởi thư điện tử đến siêu thị để hỏi thêm, đồng thời đặt mua một số sách, thanh toán theo phương thức chuyển tiền qua bưu điện. Chỉ chừng 30 phút sau, trong hộp thư điện tử của tôi đã có thư phúc đáp giải thích những điều kiện bán hàng, thư chấp nhận danh mục mua hàng của tôi... Ra bưu điện gởi tiền mua hàng xong, thật lòng mà nói tôi vẫn chưa yên tâm lắm nên đã cất hóa đơn chuyển tiền vào ví để ngộ có bề gì thì còn có cách khiếu nại. Nhưng đúng như siêu thị đã thông báo, kể từ lúc tôi gởi tiền đến lúc nhận được hàng thời gian chỉ mất chừng 7 ngày. Tôi tự nhủ lòng, nếu sau này lại có những cuốn sách hiếm hoi, khó mua chắc chắn tôi sẽ đi "shopping trên internet"..

* Tại sao siêu thị trên internet chưa thu hút người tiêu dùng?

Lý do đầu tiên là ngoại trừ các bạn trẻ ra, những người thường xuyên mua sắm và có tiền mua sắm thường không rành lắm về internet. Với các thành phố nhỏ ở miền Trung như Quy Nhơn, việc mua hàng còn khó khăn hơn do những trở ngại về phương thức thanh toán. Thứ hai, người tiêu dùng ở ta chưa thể làm quen nhanh chóng với thói quen mua hàng theo uy tín của nhà sản xuất. Để mua một món hàng dù nhỏ đến đâu, người ta vẫn phải được cầm nắm món hàng trên tay, nâng lên hạ xuống, trả giá tới lui... Mua sắm trên mạng phát sinh là để phục vụ nhu cầu của những người không có nhiều thời gian đi mua sắm, muốn được đảm bảo về chất lượng, mất ít thời gian mà vẫn có thể tìm đến món hàng mình cần. Một trở ngại nữa của việc mua bán trên mạng là phương thức thanh toán. Chi trả theo phương thức tiền mặt trao tay đến nay vẫn là cách thanh toán phổ biến nhất, chi phí thấp nhất trong tất cả các phương thức hiện hành. Điều này đã làm cho mua bán qua mạng internet chậm phát triển.

Để khắc phục những nhược điểm này, nhà quản lý của một số siêu thị trên internet đã liên kết với những trung tâm bán lẻ, siêu thị truyền thống tại nhiều tỉnh thành để chuyển thật nhanh món hàng đến tay người mua đồng thời thực hiện việc thanh toán. VDC đã chính thức áp dụng hệ thống thanh toán quốc tế bằng thẻ tín dụng Visa, MasterCard cho những khách hàng có nhu cầu, đồng thời ký thỏa thuận với Công ty Bưu chính Sài Gòn (Saigon Post) để hợp tác vận chuyển hàng hóa, thu tiền của những khách hàng ở tỉnh xa.

Những sản phẩm mới, những món hàng thuộc nhóm "của độc, không đụng hàng" thường xuất hiện trên các siêu thị trên internet trước khi được bày bán tại các cửa hàng truyền thống. Bạn hãy thử một lần mua sắm trên internet xem sao, có thể bạn sẽ tìm được thứ mình cần tìm lâu nay đấy.

. Đông A

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm thế nào để đạt được danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao"?   (17/07/2003)
Sản xuất công nghiệp: Những chuyển động theo hướng hội nhập   (17/07/2003)
Phước Thắng: Nước sạch đã về, nhưng niềm vui chưa trọn   (15/07/2003)
Hoài Nhơn:Lận đận một mùa tôm   (14/07/2003)
Những người giữ "lửa" cho rượu Bầu Đá   (13/07/2003)
Nhờ đâu bia Lowen và Quy Nhơn ngày càng mở rộng thị phần?   (11/07/2003)
Đầu tư thiết bị công nghệ mở rộng quy mô sản xuất  (10/07/2003)
Tạo động lực cho vùng cao khởi sắc  (09/07/2003)
Hội nhập kinh tế quốc tế: Các doanh nghiệp chuẩn bị gì?   (08/07/2003)
Bình Định khởi động hội nhập  (08/07/2003)
Nhiều trở ngại từ công tác giải tỏa mặt bằng  (07/07/2003)
Nét mới cảng cá Quy Nhơn  (06/07/2003)
Đổi mới một vùng quê  (04/07/2003)
Làng nghề đan Trung Chánh  (03/07/2003)
Rừng đã được bảo vệ tốt hơn  (02/07/2003)