Người khởi xướng nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn
15:57', 20/7/ 2003 (GMT+7)

Ông Võ Kỳ Nam (xã Bình Tường) là người đầu tiên khởi xướng mô hình nuôi cá nước ngọt quy mô lớn ở Tây Sơn.

Bắt đầu từ nhu cầu giải quyết lao động cho gia đình và tăng thêm thu nhập ngoài trồng lúa, năm 1990, ông Nam đã mạnh dạn đề nghị HTX nông nghiêp Bình Tường cho thuê hồ thủy lợi để đưa vào nuôi cá nước ngọt với giá 1 triệu đồng/năm để nuôi các loại cá: trắm, trôi, mè, chép, rô phi. Ban đầu thấy ông cứ đổ của xuống hồ thủy lợi (ở thôn Hòa Sơn) rộng mênh mông như vậy nhưng không thấy cá đâu, không ít người cho rằng ông "hâm". Dù lời ra tiếng vào nhiều, nhưng ông vẫn không nản chí, mà quyết tâm làm cho bằng được. Hàng ngày, ngoài sự tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi cá nước ngọt từ sách vở, ông còn tìm đến cán bộ khuyến ngư của huyện của tỉnh để được học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ thuật. Ông tâm sự: "Thú thật, lần thả nuôi đầu tiên tôi hồi hộp lắm. Bởi tiền đầu tư vào đó cũng khá nhiều so với kinh tế gia đình, nếu lỡ thất bại thì chẳng biết gỡ vào đâu".

Thế nhưng, trời đã không phụ người dũng cảm, cá của ông nuôi phát triển rất nhanh, không dịch bệnh và khoảng 10 tháng thì xuất bán. Vụ đầu tiên dù chưa có kinh nghiệm, phải chi phí nhiều khoản không hợp lý, nhưng ông vẫn thu được hơn 10 triệu đồng tiền cá và lãi được 5 triệu đồng. Từ kết quả đó, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn nữa về vốn và cũng không ngừng tìm tòi các giống mới về nuôi. Là người nhạy bén trong làm ăn, từ 1995, khi phong trào nuôi cá nước ngọt ở đây phát triển mạnh, nhu cầu cần con giống rất lớn, ông đã chủ động thuê thêm ao hồ, ươm cá giống vừa cung cấp cho gia đình, vừa cung cấp cho nhu cầu của bà con. Hiện ông đã có 4 hồ nuôi cá thịt và 2 hồ ươm cá giống các loại. Với cách làm như vậy, thu nhập của gia đình ông mỗi năm mỗi tăng cao. Hiện nay, ngoài các nguồn khác, trung bình mỗi năm ông Nam thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng từ nuôi cá và làm dịch vụ cung cấp cá giống.

Không chỉ làm ăn riêng mình, ông Nam được ghi nhận là người tạo ra nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn. Thấy ông nuôi được, nhiều người đã đến học hỏi và làm theo, từ đó phong trào nuôi cá nước ngọt ở đây phát triển rất mạnh. Chỉ từ mô hình nuôi khởi xướng đầu tiên của ông, 3 năm sau ở đây đã có hơn 10 hộ nuôi và hiện nay toàn huyện có gần 150 hộ nuôi với khoảng 170 ao hồ. Đây là địa phương có phong trào nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh nhất Bình Định hiện nay. Không chỉ đi tiên phong trong phong trào nuôi cá nước ngọt, ông còn là người mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình nuôi thí điểm ở Tây Sơn như: mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi cá bống tượng, nuôi cá chim trắng…

Hiện nay, mô hình nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn (mà người khởi xướng là ông Võ Kỳ Nam) tuy chưa phải là nguồn thu nhập chính nhưng đã giúp nhiều người trong việc giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho gia đình.

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đi mua sắm trên internet   (18/07/2003)
Làm thế nào để đạt được danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao"?   (17/07/2003)
Sản xuất công nghiệp: Những chuyển động theo hướng hội nhập   (17/07/2003)
Phước Thắng: Nước sạch đã về, nhưng niềm vui chưa trọn   (15/07/2003)
Hoài Nhơn:Lận đận một mùa tôm   (14/07/2003)
Những người giữ "lửa" cho rượu Bầu Đá   (13/07/2003)
Nhờ đâu bia Lowen và Quy Nhơn ngày càng mở rộng thị phần?   (11/07/2003)
Đầu tư thiết bị công nghệ mở rộng quy mô sản xuất  (10/07/2003)
Tạo động lực cho vùng cao khởi sắc  (09/07/2003)
Hội nhập kinh tế quốc tế: Các doanh nghiệp chuẩn bị gì?   (08/07/2003)
Bình Định khởi động hội nhập  (08/07/2003)
Nhiều trở ngại từ công tác giải tỏa mặt bằng  (07/07/2003)
Nét mới cảng cá Quy Nhơn  (06/07/2003)
Đổi mới một vùng quê  (04/07/2003)
Làng nghề đan Trung Chánh  (03/07/2003)