Thủy lợi phí - Món nợ khó đòi
15:58', 21/7/ 2003 (GMT+7)

Thủy lợi phí (TLP) là nguồn thu quan trọng để "nuôi" các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lâu dài. Tuy vậy, nhiều năm qua việc thu TLP ở Bình Định luôn gặp khó khăn, nợ TLP ngày càng chồng chất!

* Nợ chồng lên nợ

Đập tràn Dương Thiện trên tuyến đê khu Đông đang hoàn thành để đưa vào sử dụng trong năm nay (ảnh: Phạm Biết)

Theo Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Định (CTKTCTTLBĐ), đến thời điểm ngày 9-7-2003, các đơn vị khai thác thủy lợi trong tỉnh mới chỉ thu được 3,579 tỉ đồng TLP, bằng 33,3% trong kế hoạch tỉnh giao phải thu năm 2003: 10,729 tỉ đồng. Phải nói rằng, liên tục những năm gần đây tình hình thu nộp TLP trong tỉnh luôn đặt trong tình trạng rất khó khăn, nhiều địa phương bế tắc trong việc triển khai thu TLP. Ông Phan Văn Trình, Phó giám đốc CTKTCTTLBĐ cho biết: "Con số nợ nần tiền TLP của nhiều xã, HTX ngày càng trở nên chồng chất, có nhiều nơi số nợ tiền TLP đã trở thành "món nợ khó đòi". Số nợ cũ của các năm trước chưa kịp "đòi" xong lại phải lo "đòi" nợ mới".

Thống kê của CTKTCTTLBĐ cho biết, năm 1996 các địa phương trong tỉnh còn nợ 3.576 tấn lúa TLP; năm 1997: 4.700 tấn; năm 1998: 2.605 tấn; năm 1999: 5.000 tấn; năm 2000: 2.000 tấn... Trước thực trạng này, nhằm tạo thuận lợi cho công tác thu TLP, ngày 23-4-2001, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 31/2001/QĐ-UB, chuyển thu TLP bằng lúa sang bằng tiền (quy định đối với vùng đồng bằng 1kg lúa = 1.250 đồng; miền núi 1kg lúa = 1.150 đồng). Với quyết định trên, UBND tỉnh đã quy định mức giá lúa khá thấp so với giá lúa thị trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu TLP được tốt hơn, song tình hình cũng không mấy chuyển biến. Con số nợ TLP bằng tiền đến đầu năm 2003 đã lên đến 10,729 tỉ đồng, trong đó nợ năm 2002 về trước 6,198 tỉ đồng, nợ trong vụ Đông-Xuân 2003: 4,531 tỉ đồng. Dù vậy, con số thu nợ được trong hơn 6 tháng qua chỉ mới được xấp xỉ 3,6 tỉ đồng, bằng một nửa số nợ TLP từ năm 2002 trở về trước. Hiện nay, hầu hết các huyện trong tỉnh đều còn nợ TLP, nơi nào sử dụng nhiều nước tưới cho sản xuất nông nghiệp thì nơi đó lại nợ TLP càng cao.

Hai huyện An Nhơn, Tuy Phước được xem là vựa lúa của tỉnh, cũng là "chúa chổm" về nợ TLP. Tuy Phước còn nợ trên 3 tỉ đồng; An Nhơn: 2,4 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, các huyện này chỉ mới thu được xấp xỉ từ 27-32% kế hoạch đề ra. Nhiều xã, HTX ở An Nhơn, Tuy Phước có số nợ TLP khá lớn, nhưng không chịu thu nộp, hoặc chiếm dụng để dùng vào mục đích khác. Ở An Nhơn có thể nêu điển hình một số nơi như UBND xã Nhơn Hưng còn nợ 145 triệu đồng; HTX Nhơn Hưng 210 triệu đồng; HTX Nhơn Hạnh 1: 370 triệu đồng; HTX Nhơn Hòa 1: 305 triệu đồng. Tuy Phước có các HTX như: Phước Hòa 1 nợ 460 triệu đồng; Phước Hiệp 2: 326 triệu đồng; Phước Nghĩa 300 triệu đồng; Phước Lộc 1: 260 triệu đồng…

* Vì sao khó thu?

Có thể nói ngay rằng, thu TLP trong thời gian qua đạt kết quả quá thấp là do không có sự phối hợp có hiệu quả giữa các cấp chính quyền địa phương, các HTX với CTKTCTTL. Chính quyền địa phương không mặn mà trong việc đôn đốc nông dân giao nộp TLP, coi đây là "việc" của đơn vị khai thác thủy nông. Ông Đinh Phú Thọ, cán bộ phụ trách thu TLP (CTKTCTTLBĐ) cho biết: "Nhiều lần làm việc với lãnh đạo các huyện, xã có số nợ TLP cao để có biện pháp đôn đốc thu nhưng vẫn không mang lại hiệu quả. Tình trạng chây ỳ, cố tình không chịu giao nộp vẫn cứ liên tục xảy ra. Có người lại cho rằng, TLP là khoản bao cấp mà Nhà nước phải chịu trong khi đó về mặt quản lý nhà nước thì lâu nay hầu như chưa có các quy định chế tài về hoạt động này!". Bên cạnh đó, có một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở cũng chưa gương mẫu trong vấn đề này, nên không thể đốc thúc, động viên nông dân nộp. Một số HTX làm dịch vụ thu TLP, nhưng lại chiếm dụng luôn nguồn thu này để làm vốn kinh doanh, kinh doanh không hiệu quả và mất khả năng chi trả. Có HTX, cán bộ thu TLP biển thủ luôn tiền TLP để tiêu xài cá nhân…

* Gỡ rối bằng cách nào?

Trong Quyết định số 146/2001/QĐ-TTg ngày 2-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nợ tồn đọng của HTX nông nghiệp có quy định rõ: Đối với các khoản nợ phải thu của HTX nông nghiệp đang còn hoạt động có liên quan đến xã viên của HTX thì chủ nợ phối hợp với chính quyền xã kiểm tra, phân loại để có biện pháp thu nợ. Đối với những hộ xã viên có khả năng trả nợ (không thuộc diện nghèo theo mức chuẩn quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhưng chây ỳ không thanh toán nợ thì chủ nợ phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ. Quyết định của Chính phủ đối với việc thu hồi nợ đã có, nhưng khi áp dụng vào tình hình thực tế lại vô cùng khó khăn. Ông Phan Văn Trình cho biết: "Khi đem Quyết định này đến các xã để nhờ phối hợp thu nợ thì không được các địa phương ủng hộ vì lý do… tế nhị: xã viên sẽ không còn tín nhiệm mình nữa… (?!)". Và ông Trình kiến nghị: Để tạo khung pháp lý cho việc thu nợ TLP, UBND tỉnh cần phải có một cơ chế cụ thể về việc thu, nộp TLP, ban hành các biện pháp xử lý kiên quyết đối với những hộ cố tình trốn tránh nghĩa vụ nộp TLP. Có như vậy, công tác thu TLP mới đem lại kết quả cao".

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Người khởi xướng nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn   (20/07/2003)
Đi mua sắm trên internet   (18/07/2003)
Làm thế nào để đạt được danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao"?   (17/07/2003)
Sản xuất công nghiệp: Những chuyển động theo hướng hội nhập   (17/07/2003)
Phước Thắng: Nước sạch đã về, nhưng niềm vui chưa trọn   (15/07/2003)
Hoài Nhơn:Lận đận một mùa tôm   (14/07/2003)
Những người giữ "lửa" cho rượu Bầu Đá   (13/07/2003)
Nhờ đâu bia Lowen và Quy Nhơn ngày càng mở rộng thị phần?   (11/07/2003)
Đầu tư thiết bị công nghệ mở rộng quy mô sản xuất  (10/07/2003)
Tạo động lực cho vùng cao khởi sắc  (09/07/2003)
Hội nhập kinh tế quốc tế: Các doanh nghiệp chuẩn bị gì?   (08/07/2003)
Bình Định khởi động hội nhập  (08/07/2003)
Nhiều trở ngại từ công tác giải tỏa mặt bằng  (07/07/2003)
Nét mới cảng cá Quy Nhơn  (06/07/2003)
Đổi mới một vùng quê  (04/07/2003)