Công nghiệp miền Trung - cần một quy hoạch tổng thể
16:6', 22/7/ 2003 (GMT+7)

Dây chuyền sản xuất bia Quy Nhơn (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Sáu tháng đầu năm 2003, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt 12.673 tỷ đồng, xấp xỉ 50% kế hoạch năm, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2003. Trong đó, công nghiệp Trung ương thực hiện 3.137 tỷ đồng, chiếm 24,8%; công nghiệp địa phương thực hiện 7.685 tỷ đồng, chiếm 60,6%; còn lại là khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm chỉ khoảng 14,6%). Do tình hình đặc thù từng địa phương, nên mức tăng trưởng SXCN có khác nhau, nhưng nhìn chung, SXCN của các tỉnh trong khu vực đã có sự chuyển biến tích cực, giá trị SXCN các tỉnh, thành phố đều tăng khá trên 15% so với cùng kỳ.

Tại khu vực này, 6 tháng qua, thứ tự xếp hạng về giá trị SXCN của các tỉnh, thành phố như sau: 1. Khánh Hòa (3.015 tỷ đồng), 2. Đà Nẵng (2.694 tỷ đồng), 3. Bình Định (1.211 tỷ đồng), 4. Quảng Nam (956 tỷ đồng); 5. Thừa Thiên Huế (955 tỷ đồng), 6. Phú Yên (855 tỷ đồng), 7. Quảng Ngãi (821 tỷ đồng), 8. Daklak (497 tỷ đồng), 9. Quảng Bình (483 tỷ đồng), 10. Gia Lai (416 tỷ đồng), 11. Ninh Thuận (313 tỷ đồng), 12. Kom Tum (231 tỷ đồng), 13. Quảng Trị (223 tỷ đồng).

Với thứ tự nêu trên, như vậy đây là năm thứ 5 liên tiếp Bình Định vươn lên vị trí thứ 3 toàn khu vực về giá trị SXCN. Có thể nói, Bình Định đã vươn lên bằng sự cố gắng vượt bậc từ nội lực. Chỉ thấy hết ý nghĩa của kết quả này khi biết rằng, trong 1.211 tỷ đồng giá trị SXCN của Bình Định trong 6 tháng qua, công nghiệp Trung ương đóng góp chỉ chưa được 15%.

Trở lại với tình hình SXCN của cả khu vực, điều đáng ghi nhận là hàng năm, bên cạnh mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước, ngành công nghiệp ở khu vực này đã bước đầu khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng tài nguyên, đất đai, lao động; tạo tiền đề hình thành một số ngành công nghiệp phù hợp với lợi thế từng vùng và nhu cầu của thị trường, nhất là công nghiệp chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Vì thế, năng lực về SXCN từng bước được nâng lên. Các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), được đầu tư phát triển mạnh.

Đến nay, toàn vùng đã có 19 KCN (không kể KCN Dung Quất và Chu Lai), với tổng diện tích lên đến 2.300 ha. Các tỉnh, thành phố đều có chính sách thu hút đầu tư vào các KCN. Tuy nhiên, mức độ phủ đầy có khác nhau. Chỉ có 2 KCN đã cơ bản được lấp đầy đó là Phú Tài (Bình Định) và Hòa Hiệp (Phú Yên). Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu phát triển CN-TTCN ở các quận, huyện và khu vực nông thôn, mỗi tỉnh, thành phố cũng đã qui hoạch hình thành, phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ để phục vụ nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, di chuyển các cơ sở sản xuất trong nội thành, nội thị gây ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Việc đầu tư phát triển các KCN, Cụm công nghiệp còn đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thực hiện được mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, đưa công nghiệp về nông thôn và vùng phụ cận, hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố tìm việc làm.

Tuy nhiên, các tỉnh duyên hải miền Trung đang đứng trước bài toán khó. Đó là, toàn bộ khu vực này có xuất phát điểm về kinh tế thấp, luôn phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra, hạ tầng cơ sở thấp kém. Khác với các khu vực khác, các trung tâm văn hóa, kinh tế lớn của cả nước, miền Trung - Tây Nguyên là nơi có nhiều vấn đề bức xúc của xã hội phải tập trung giải quyết… 13 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chiếm hơn 30% về đất đai và dân số so với cả nước nhưng giá trị SXCN so với cả nước chỉ chiếm 9%. Ở các trung tâm kinh tế, công nghiệp Trung ương có tầm quan trọng thúc đẩy công nghiệp địa phương và có tính đột phá phát triển kinh tế vùng, nhưng ở khu vực này giá trị SXCN của công nghiệp Trung ương chỉ chiếm 24,8%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong vùng còn có tỷ trọng thấp hơn nữa: 14,6%, thấp xa so với mức bình quân của cả nước.

Từ thực tế phát triển của từng địa phương có thể nhận thấy các mô hình, đề án phát triển CN-TTCN ở các tỉnh na ná giống nhau. Ở các tỉnh lân cận nhau mỗi tỉnh đều có nhà máy xi măng, nhà máy đường, nhà máy bia… Trong khi nhiều nhà máy chế biến nông sản khác cần thiết phải xây dựng từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có. Tâm lý sợ xây dựng xong, trong khi chưa đủ nguyên liệu để sản xuất, thì tỉnh láng giềng lại tiếp tục dựng một nhà máy tương tự để tranh mua nguyên liệu (như thực tế đã từng xảy ra) là điều vẫn đang có thực. Những bất cập dạng như vậy vẫn chưa phải là cá biệt.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình SXCN 6 tháng đầu năm của 13 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vừa diễn ra tại TP Quy Nhơn, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, cho rằng: Muốn phát triển công nghiệp thì vai trò quản lý Nhà nước cũng phải nâng lên ngang tầm. Vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương, các ngành cần tăng cường liên doanh, hợp tác, khai thác tốt các tiềm năng sẵn có. Đồng thời tập trung mọi khả năng xây dựng tốt thương hiệu.

Do vậy, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng SXCN của các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên vẫn rất cần một quy hoạch tổng thể để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tránh tình trạng giậm chân nhau, qua đó mới có thể tạo ra bước phát triển đột phá và hình thành nên một diện mạo mới cho toàn khu vực.

. Cát Hùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thủy lợi phí - Món nợ khó đòi   (21/07/2003)
Người khởi xướng nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn   (20/07/2003)
Đi mua sắm trên internet   (18/07/2003)
Làm thế nào để đạt được danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao"?   (17/07/2003)
Sản xuất công nghiệp: Những chuyển động theo hướng hội nhập   (17/07/2003)
Phước Thắng: Nước sạch đã về, nhưng niềm vui chưa trọn   (15/07/2003)
Hoài Nhơn:Lận đận một mùa tôm   (14/07/2003)
Những người giữ "lửa" cho rượu Bầu Đá   (13/07/2003)
Nhờ đâu bia Lowen và Quy Nhơn ngày càng mở rộng thị phần?   (11/07/2003)
Đầu tư thiết bị công nghệ mở rộng quy mô sản xuất  (10/07/2003)
Tạo động lực cho vùng cao khởi sắc  (09/07/2003)
Hội nhập kinh tế quốc tế: Các doanh nghiệp chuẩn bị gì?   (08/07/2003)
Bình Định khởi động hội nhập  (08/07/2003)
Nhiều trở ngại từ công tác giải tỏa mặt bằng  (07/07/2003)
Nét mới cảng cá Quy Nhơn  (06/07/2003)