Đưa công nghiệp về nông thôn: Những bước đi ban đầu
15:50', 23/7/ 2003 (GMT+7)

Công nhân XN may xuất khẩu An Nhơn vào ca (ảnh: Ngọc Thái)

Thực hiện chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư đưa công nghiệp về nông thôn theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp-nông thôn, trong 7 năm qua, ngành Công nghiệp Bình Định đã đầu tư mới cho các cơ sở CN-TTCN ở khu vực nông thôn với tổng vốn trên 500 tỉ đồng. Một số nhà máy và khu CN-TTCN đã hình thành như nhà máy sản xuất đường công suất 1.800 tấn mía/ngày, các xí nghiệp may xuất khẩu với hơn 1.200 công nhân ở các huyện Hoài Nhơn, An Nhơn và nhiều nhà máy, cơ sở khai thác chế biến khoáng sản ti tan, sản xuất gạch tuy nen, gốm sứ xuất khẩu, chế biến nông, lâm, thủy hải sản…

Các nhà máy, cơ sở sản xuất CN-TTCN đi vào hoạt động đã góp phần đẩy giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, khai thác được tiềm năng tài nguyên, nguyên liệu tại chỗ, giải quyết thêm việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn và tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn. Nếu năm 1995, ở khu vực sản xuất TTCN và làng nghề, trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh có 11.694 cơ sở, sử dụng gần 29 ngàn lao động, thì đến nay đã có 14.212 cơ sở với 33.426 lao động chuyên. Đáng chú ý là các nhà máy chế biến, khu CN-TTCN đã gắn liền với giải quyết lao động nông thôn và tập trung chủ yếu ở những ngành có lợi thế như chế biến nông, lâm, thủy hải sản, hoặc các ngành nghề truyền thống như rèn, đúc, mộc mỹ nghệ, thảm xơ dừa, làm nón, dệt chiếu… với sản phẩm đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đến nay, lực lượng sản xuất CN-TTCN và làng nghề ở khu vực nông thôn đã chiếm tỷ lệ xấp xỉ 50% giá trị sản xuất của công nghiệp địa phương.

Cùng với xây dựng các nhà máy, hình thành các khu CN-TTCN, công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất và làng nghề ở nông thôn luôn được quan tâm. Năm 1996 tỉnh đã quy hoạch, giải tỏa xây dựng Khu công nghiệp Phú Tài với diện tích 350 ha, đến nay đã thu hút được hơn 107 doanh nghiệp, trong đó 60 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 12.000 lao động; tỉnh còn qui hoạch 25 cụm công nghiệp tại các huyện theo hướng "đưa công nghiệp về nông thôn". Tổng diện tích của các cụm công nghiệp này là 345 ha, trong đó huyện An Nhơn có đến 8 cụm, Hoài Nhơn 3 cụm, còn lại các huyện đều có từ một đến 2 cụm. Một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp huyện đã đi vào hoạt động, một số khác vừa cấp đất cho doanh nghiệp xây dựng, vừa đang hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. Ngoài nguồn ngân sách các huyện, các khu, cụm công nghiệp còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ cho công tác qui hoạch và xây dựng hạ tầng, theo chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh.

Có thể nói, những năm qua, CN-TTCN Bình Định đã có những đột phá mạnh mẽ. Giai đoạn 1996-2000 tốc độ phát triển bình quân của ngành này là 25,8%/năm và giai đoạn từ 2000 đến nay ước đạt xấp xỉ 14%/năm. Tỷ trọng của ngành trong GDP từ 7,8% năm 1995, đã tăng lên 17,3% năm 2002; số lao động tăng khoảng 50%, riêng lao động khu vực nông thôn tăng hơn 10 ngàn người.

Bước tăng tốc CN-TTCN và làng nghề Bình Định trong thời gian qua là động lực chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, góp phần phát triển đời sống kinh tế và xã hội nói chung và nông thôn-nông nghiệp nói riêng. Đặc biệt, kinh tế nông nghiệp-nông thôn về cơ bản đã chuyển sang sản xuất hàng hóa và phát triển tương đối toàn diện, cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn bước đầu chuyển dịch hợp lý hơn. Đến năm 2002, tỉ lệ hộ phi nông nghiệp khu vực nông thôn đã tăng lên 16,7%, cơ cấu thu nhập phi nông nghiệp cũng tăng lên tương ứng: 20,8%.

Tuy đã có được những chuyển biến quan trọng, song giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm tỷ trọng còn thấp trong GDP của tỉnh, mức tích lũy nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững. Nguồn vốn đầu tư ít và sử dụng còn phân tán, nên qui mô sản xuất còn nhỏ bé, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh yếu và hiệu quả kinh tế chưa cao. Một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, thị trường có nhu cầu lớn, nhưng chậm được đầu tư phát triển…, việc giải quyết lao động nông thôn còn nhiều trăn trở. Đây là những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới, nhằm tạo cho hành trình đưa công nghiệp về nông thôn của Bình Định có bước đi bền vững hơn.

. Cát Hùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công nghiệp miền Trung - cần một quy hoạch tổng thể   (22/07/2003)
Thủy lợi phí - Món nợ khó đòi   (21/07/2003)
Người khởi xướng nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn   (20/07/2003)
Đi mua sắm trên internet   (18/07/2003)
Làm thế nào để đạt được danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao"?   (17/07/2003)
Sản xuất công nghiệp: Những chuyển động theo hướng hội nhập   (17/07/2003)
Phước Thắng: Nước sạch đã về, nhưng niềm vui chưa trọn   (15/07/2003)
Hoài Nhơn:Lận đận một mùa tôm   (14/07/2003)
Những người giữ "lửa" cho rượu Bầu Đá   (13/07/2003)
Nhờ đâu bia Lowen và Quy Nhơn ngày càng mở rộng thị phần?   (11/07/2003)
Đầu tư thiết bị công nghệ mở rộng quy mô sản xuất  (10/07/2003)
Tạo động lực cho vùng cao khởi sắc  (09/07/2003)
Hội nhập kinh tế quốc tế: Các doanh nghiệp chuẩn bị gì?   (08/07/2003)
Bình Định khởi động hội nhập  (08/07/2003)
Nhiều trở ngại từ công tác giải tỏa mặt bằng  (07/07/2003)