Kết quả bước đầu của việc thực hiện đề án mở rộng ủy nhiệm thu cho UBND xã
15:56', 24/7/ 2003 (GMT+7)

Kể từ ngày 1-1-2003, được phép của Bộ Tài chính, tỉnh Bình Định bắt đầu thực hiện thí điểm Đề án mở rộng ủy nhiệm thu (UNT) cho UBND xã. Theo quyết định của UBND tỉnh, việc thực hiện thí điểm Đề án mở rộng UNT cho UBND xã bước đầu chuyển giao nhiệm vụ hành thu một số sắc thuế và thu khác như: thuế SDĐNN, thuế nhà đất, thuế CTN-NQD đối với hộ kinh doanh ổn định trên địa bàn và chuyển giao việc thu phí và lệ phí cho UBND xã; trước mắt thực hiện thí điểm tại 31 xã thuộc 4 huyện: Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Ân và Hoài Nhơn.

Mở rộng UNT cho UBND xã là một chủ trương mới, có tác động nhiều mặt đến công tác quản lý thu thuế, đến công tác tổ chức cán bộ, đến chính quyền xã phường và hộ kinh doanh. Tuy vậy, nhờ yếu tố thuận lợi cơ bản là cấp ủy và chính quyền các cấp, nhất là cấp xã quan tâm ủng hộ và có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện Đề án, cùng với sự hỗ trợ tích cực về chuyên môn của cơ quan thuế ngay từ những ngày đầu mới triển khai, đến nay, tuy chỉ qua hơn 6 tháng thực hiện, nhưng kết quả đạt được là rất khả quan, số thuế thu nộp vào ngân sách tăng cao hơn trước.

Công tác hành thu trong những năm trước đây được phân cấp như sau: thuế CTN-NQD do cán bộ thuế thuộc đội thuế xã phụ trách thu, thuế nhà đất, thuế SDĐNN, thuế nghề cá do ngành thuế trực tiếp ký hợp đồng với cán bộ UNT do xã giới thiệu, còn phí và lệ phí thì do UBND xã đảm nhiệm. Ngành thuế tỉnh chi trả thù lao 200.000 đồng/người đối với UNT thuế SDĐNN, trích từ 5-8% trên số thu thực tế để chi trả thù lao cho UNT thuế nghề cá và thuế nhà đất. Việc sử dụng mạng lưới UNT là người có uy tín ở địa phương, về cơ bản đã bám sát được các đối tượng nộp thuế, nắm bắt kịp thời tình hình biến động sản xuất kinh doanh, xử lý có kết quả những tồn tại vướng mắc và động viên kịp thời số thu cho ngân sách. Nhờ vậy, hằng năm, nguồn thu do UNT đảm nhiệm bảo đảm được theo sổ bộ thuế, góp phần hoàn thành dự toán thu ở các địa phương.

Thế nhưng, cũng qua công tác quản lý hành thu cho thấy, tình trạng thất thu, nợ đọng thuế vẫn còn, đặc biệt là đối với thuế CTN-NQD và thuế nhà đất. Nguyên nhân cơ bản là do lực lượng cán bộ thuế tuy đã tăng cường về số lượng và chất lượng, nhưng vẫn không thể bao quát hết nguồn thu, nhất là các khoản thu từ các hộ kinh doanh thời vụ, vãng lai. Mặt khác, việc phối hợp trong công tác chỉ đạo thu thuế của chính quyền cấp xã và các ban ngành liên quan với cơ quan thuế chưa cao, có nơi còn phó mặc, coi là nhiệm vụ của cơ quan thuế... Và vấn đề cơ bản là kết quả thu thuế trên địa bàn xã lâu nay chưa gắn với quyền lợi của ngân sách xã nên chưa được UBND xã quan tâm đúng mức.

Trong hoàn cảnh ấy, việc thực hiện thí điểm Đề án mở rộng UNT cho UBND xã trong 6 tháng qua đạt được kết quả khả quan đã mang lại nhiều ý nghĩa. Tại 31 xã được tỉnh cho phép thực hiện Đề án, sau khi đã trích trừ 10% cho xã theo qui định, tổng số tiền thuế, phí và lệ phí đã thu nộp vào ngân sách nhà nước hơn 5,3 tỷ đồng, tăng 6% so với trước khi thực hiện Đề án. Có thể thấy, nhờ các UNT tích cực đôn đốc thu nộp đến tận người dân, tận hộ sản xuất kinh doanh nên lĩnh vực thuế CTN-NQD, thuế nghề cá nhiều năm trước đây rất khó thu, nay đã thu đạt khá, mức tăng trưởng là khá cao. Ngoài ra, đối với các nguồn thu nhỏ lẻ, phân tán như thuế nhà đất cũng đã được các ủy nhiệm thu huy động kịp thời. Một điều đáng chú ý nữa là sau khi thực hiện UNT cho UBND xã, tình hình thu thuế nợ đọng cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là đối với thuế CTN-NQD.

Ngoài việc tăng thu cho ngân sách, mục đích lớn nhất của Đề án mở rộng UNT là thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chi cục thuế, tổ đội thuế xã phường, thành lập các đội thuế liên xã, giảm số lượng các đội thuế xã và giảm chi phí hành chính của ngành thuế tỉnh. Đến nay, Chi cục thuế huyện Phù Mỹ đã thành lập 5 đội thuế liên xã và 5 đội thuế độc lập, giảm 7 đội thuế so với trước. Chi cục thuế Hoài Ân thành lập 4 đội thuế liên xã, giảm bớt 4 đội thuế xã. Số đội thuế xã giảm thì cơ sở vật chất cũng giảm, thực hiện được tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên, còn số công chức dôi ra đã được các Chi cục thuế tăng cường vào các đội thuế có nhiều hộ kinh doanh, số thu lớn, qua đó tăng cường công tác quản lý thu ở các đội thuế này.

Hiệu quả bước đầu của việc thực hiện Đề án thí điểm mở rộng UNT cho UBND xã là rất rõ rệt, tuy vẫn còn một số vấn đề cần phải quan tâm. Đa số ý kiến của đại diện cơ quan thuế đề nghị cần tăng cường hơn nữa việc mở rộng thực hiện Đề án này, và coi đây như là một trong những biện pháp của ngành trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách.

. Khánh Hoàng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những bước đi ban đầu   (23/07/2003)
Công nghiệp miền Trung - cần một quy hoạch tổng thể   (22/07/2003)
Thủy lợi phí - Món nợ khó đòi   (21/07/2003)
Người khởi xướng nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn   (20/07/2003)
Đi mua sắm trên internet   (18/07/2003)
Làm thế nào để đạt được danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao"?   (17/07/2003)
Sản xuất công nghiệp: Những chuyển động theo hướng hội nhập   (17/07/2003)
Phước Thắng: Nước sạch đã về, nhưng niềm vui chưa trọn   (15/07/2003)
Hoài Nhơn:Lận đận một mùa tôm   (14/07/2003)
Những người giữ "lửa" cho rượu Bầu Đá   (13/07/2003)
Nhờ đâu bia Lowen và Quy Nhơn ngày càng mở rộng thị phần?   (11/07/2003)
Đầu tư thiết bị công nghệ mở rộng quy mô sản xuất  (10/07/2003)
Tạo động lực cho vùng cao khởi sắc  (09/07/2003)
Hội nhập kinh tế quốc tế: Các doanh nghiệp chuẩn bị gì?   (08/07/2003)
Bình Định khởi động hội nhập  (08/07/2003)