Những tín hiệu mới trên quê nghèo Cát Hải
17:30', 27/7/ 2003 (GMT+7)

Đã từng nghe nói nhiều đến biệt danh nơi "thừa gió cát, thiếu nước" của Cát Hải nên trong một chuyến về Phù Cát, chúng tôi quyết định chọn nơi đây là điểm đến của mình.

Đường 640 B đang được gấp rút thi công

Vượt qua con đường dài hơn 20 km từ trung tâm huyện qua các xã Cát Trinh, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Tiến, rồi tiếp tục bước vào con đường đất gồ ghề hơn 10 cây số với 2 đoạn đường đèo Vĩnh Hội và Tân Thanh loang lổ, lởm chởm đá, chúng tôi mới đến được khu trung tâm xã. Bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, Cát Hải được xếp vào hàng các xã nghèo nhất của huyện Phù Cát và cũng là một trong những xã đặc biệt khó khăn của Bình Định. Thế nhưng, với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện và sự phát huy nội lực, Cát Hải đang từng bước mở ra hướng đi mới, thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Với diện tích tự nhiên 4.387 ha, Cát Hải có 1.200 hộ dân, 5.308 nhân khẩu, trên 2.000 lao động sống chủ yếu bằng nghề nông. Tuy nhiên, diện tích sử dụng trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp lại chiếm tỉ lệ rất ít, phần còn lại là đất bãi bồi, bãi cát ven biển chưa được khai phá. Nhờ các chủ trương, chính sách thuận lợi của Đảng và Nhà nước cùng với sự đầu tư của Chương trình 135... những năm gần đây kinh tế - xã hội Cát Hải có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình phục vụ sản xuất, cơ sở vật chất hạ tầng được đưa vào sử dụng đã phát huy giá trị như: hồ chứa nước Tân Thắng, hồ Đá Bàn Vĩnh Hội, đập dâng Thanh Hà, mạng lưới điện quốc gia...

Nếu trước đây, người dân trong vùng sống thưa thớt, hình thức sản xuất nông nghiệp chủ yếu là độc canh cây lúa cùng các loại cây hoa màu cho sản lượng và giá trị thấp thì nay, cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi. Từ chỗ diện tích dùng sản xuất cây lúa năm 2001 là 342 ha, năm 2002 là 316 ha thì đến nay giảm xuống chỉ còn 249 ha. Thay vào đó, diện tích các loại cây có giá trị sản lượng cao và thích hợp với chân đất cát bạc màu như: ngô, đậu phộng, hành... đang ngày càng được mở rộng. Chương trình giống lúa cấp I được đưa vào sử dụng ngày càng nhiều. Ngoài ra, hình thức trồng xen canh cây bông vải - đậu phộng, hành gối bắp lai cũng được đẩy mạnh và cho năng suất cao.

Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, cây hành được "tôn vinh" là cây xóa đói giảm nghèo của người dân Cát Hải. Năm 2002, toàn xã có 111 ha hành, tập trung nhiều ở 2 thôn Tân Thanh và Chánh Oai. Nhờ được tập trung đầu tư thâm canh nên năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha. Sản lượng thu hoạch toàn xã đạt 499,5 tấn. Ngoài ra, Cát Hải hiện đang triển khai kế hoạch phát triển kinh tế trang trại với việc lấy cây điều làm cây chủ lực cùng với cây ăn quả; bước đầu đã có một diện tích khá lớn đất đồi gò dọc theo chân núi được phủ đầy một màu xanh của cây lá.

Bên cạnh đó, nghề khai thác thủy sản cũng có bước phát triển. 6 tháng đầu năm, Cát Hải  đã có hơn 60 hộ nông dân mua và đóng mới 23 tàu thuyền có công suất từ 15 CV trở lên nâng tổng số thuyền nghề lên 57 chiếc, khai thác hơn 8.000 con tôm hùm giống, 8 tấn ruốc cá các loại, cho giá trị thu nhập hơn 1 tỷ đồng và giải quyết thêm 171 lao động có việc làm. Dự án nuôi tôm công nghiệp với 3 ao nuôi đang trong giai đoạn hoàn thành các khâu cuối cùng để đưa vào thực hiện.

Đáng mừng hơn cả là con đường 640B chạy qua Cát Hải đang được khẩn trương thi công. Khi hoàn thành (dự kiến đến năm 2005) tuyến đường này sẽ là nhịp cầu nối Cát Hải với các xã lân cận và sẽ tạo động lực để vùng cát nghèo phát triển. Mặt khác, Cát Hải cũng được quy hoạch thuộc khu du lịch sinh thái bán đảo Phương Mai - Núi Bà. Như vậy, trong một tương lai không xa, Cát Hải sẽ có thể khai thác lợi thế du lịch của mình để phát triển ngành nghề và dịch vụ, tạo nên một diện mạo mới.

Hy vọng với những động thái tích cực như vậy, vùng quê nghèo đầy gió và cát Cát Hải sẽ thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng lâu nay.

. Lê Thu Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Biến cát thành vàng   (25/07/2003)
Kết quả bước đầu của việc thực hiện đề án mở rộng ủy nhiệm thu cho UBND xã   (24/07/2003)
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những bước đi ban đầu   (23/07/2003)
Công nghiệp miền Trung - cần một quy hoạch tổng thể   (22/07/2003)
Thủy lợi phí - Món nợ khó đòi   (21/07/2003)
Người khởi xướng nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn   (20/07/2003)
Đi mua sắm trên internet   (18/07/2003)
Làm thế nào để đạt được danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao"?   (17/07/2003)
Sản xuất công nghiệp: Những chuyển động theo hướng hội nhập   (17/07/2003)
Phước Thắng: Nước sạch đã về, nhưng niềm vui chưa trọn   (15/07/2003)
Hoài Nhơn:Lận đận một mùa tôm   (14/07/2003)
Những người giữ "lửa" cho rượu Bầu Đá   (13/07/2003)
Nhờ đâu bia Lowen và Quy Nhơn ngày càng mở rộng thị phần?   (11/07/2003)
Đầu tư thiết bị công nghệ mở rộng quy mô sản xuất  (10/07/2003)
Tạo động lực cho vùng cao khởi sắc  (09/07/2003)