Nghề đan ở Tân Điền
19:46', 31/7/ 2003 (GMT+7)

Đan đát là một trong số các ngành nghề truyền thống vẫn còn đang hoạt động ở thôn Tân Điền, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số phận của ngành nghề này trở nên mong manh như "chỉ mành treo chuông" khi phải chật vật đối phó với việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và tìm lớp hậu nhân để truyền nghề.

* Nghề... tay trái của nhà nông

Khi lúa được phơi khô và những mầm giống ngoài đồng đã xanh mượt là lúc các thành viên trong gia đình ông Hà Văn Phúc bắt đầu với nghề đan đát của mình. Hai ông bà già, đôi vợ chồng trẻ và đứa cháu nhỏ cặm cụi, tỉ mẩn với công việc của mình. Người thì đan, đát, người thì lận, nứt (cột chặt)… nhịp nhàng thoăn thoắt.

Theo những người dân thôn Tân Điền thì ông Phúc là người "hành nghề" này lâu năm nhất. Tuy đã bước qua cái tuổi lục tuần nhưng đôi tay của ông vẫn còn rất khỏe và khéo léo khi lận chiếc mành tre cô con dâu vừa đan được thành hình cái rổ. Ông tâm sự: "Tôi làm nghề này cũng chỉ mới ngót 15 năm nay. Ngày trước, thấy trong thôn người ta đan rổ, thúng... thì bắt chước rồi được bày vẽ chút ít làm mãi thành ra quen tay. Những lúc nhàn rỗi việc đồng áng thì làm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình".

Cũng như bao vùng quê khác, người dân ở thôn Tân Điền sống chủ yếu bằng nghề nông. Ngoài ra, trong thôn còn có hơn 40 hộ gia đình, chiếm tỉ lệ 30% số hộ dân xem nghề đan đát là nghề... tay trái của mình. Đây là nghề thủ công nên người dân có thể tận dụng thời gian và tranh thủ làm quanh năm. Hơn nữa, nó không không đòi hỏi tay nghề cao nên có thể thu hút nguồn nhân công đủ mọi lứa tuổi từ những người già đến các em bé. Nguyên liệu để làm sản phẩm gồm có tre dùng để đan và mây hoặc cước dùng để nứt. Quá trình hoàn thành một sản phẩm, người lao động phải trải qua 4 giai đoạn: đan, đát, lận và nứt, trong đó nứt được xem là một công đoạn quan trọng vì nứt không chắc chắn thì sản phẩm sẽ không đảm bảo độ bền.

Một cây tre (giá mua tận gốc là 5.000 đồng, tư thương bán lại là 10.000 đồng) trung bình làm được 10 cái thúng. Nếu 2 người làm trong một ngày có thể được 50 sản phẩm đem bán vào các phiên chợ Bình Định và Gò Bồi (5 ngày/phiên). Các sản phẩm này được tiêu thụ mạnh vào mùa thu hoạch lúa và cà phê (tháng 10, 11 ở Gia Lai). Nếu trừ đi các chi phí về nguyên vật liệu, mỗi năm cho thu nhập không dưới 10 triệu đồng/người.

* Nỗi niềm với nghề truyền thống

Nghề đan đát ở thôn Tân Điền là nghề đã có từ rất lâu đời, đặc biệt phát triển mạnh trong khoảng 25 năm trở lại đây. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ làng quê, những người nông dân Tân Điền đã làm ra nhiều sản phẩm thúng, rổ các loại. Tuy nhiên, từ năm 1995 đến nay, nghề đan đát cũng như các làng nghề khác của xã Phước Quang bị rơi vào "khủng hoảng" đầu ra và hoạt động cầm chừng. Một điều mà các hộ làm nghề ở Tân Điền phải thừa nhận là mặc dù đã có sự mở rộng về thị trường tiêu thụ đến các tỉnh Tây Nguyên và một số người làm nghề cá ở Khánh Hoà nhưng sản phẩm làm ra tiêu thụ ngày càng ít, trong khi đó các sản phẩm đồ dùng làm bằng nhựa vừa tiện vừa rẻ đã đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Thay vì đan đát các loại sản phẩm như trước kia thì ngày nay, các sản phẩm được làm ra chủ yếu là rổ đựng cá, giỏ đựng trái cây và rọ heo thịt.

Ông Trần Văn Bình - trưởng thôn Tân Điền, phân tích: Nếu nói rằng, hiện nay các sản phẩm làm bằng đồ tre không bằng với đồ nhựa là không đúng. Có chăng là do các sản phẩm làm bằng tre đang thiếu sự phong phú và đa dạng hóa các mẫu mã.

Từ việc hạn chế trong việc tiêu thụ nên ngành nghề này hầu như không được lớp trẻ kế thừa. Bây giờ khi đến với Tân Điền, hầu như không thấy bóng dáng của các thanh niên làm nghề dù chỉ là sự cố gắng miễn cưỡng. Những người tâm huyết với nghề truyền thống đang dần bị mai một. Đây cũng là điều đáng lo ngại từ một số làng nghề truyền thống khác. Theo thống kê của UBND xã Phước Quang, toàn xã hiện có từ 400 đến 500 lao động là thanh niên làm việc tại các khu công nghiệp, trong khi đó số thanh niên "thủy chung" với nghề đan đát thì lại quá ít, hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Từ làng nghề Tân Điền, thiết nghĩ, các ngành và các cấp liên quan cần có nhưng biện pháp tích cực hơn nữa trong việc khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống ở các làng nghề khác trong tỉnh, để nó vừa là nguồn thu nhập cho người dân vừa tạo sự tin tưởng của lớp trẻ vào tương lai các ngành nghề mà cha ông đã để lại.

. Lê Thu Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hướng tới những mục tiêu mới   (31/07/2003)
Khu trang trại tập trung Nhơn Tân: Bước khởi động đầy triển vọng   (28/07/2003)
Những tín hiệu mới trên quê nghèo Cát Hải   (27/07/2003)
Biến cát thành vàng   (25/07/2003)
Kết quả bước đầu của việc thực hiện đề án mở rộng ủy nhiệm thu cho UBND xã   (24/07/2003)
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những bước đi ban đầu   (23/07/2003)
Công nghiệp miền Trung - cần một quy hoạch tổng thể   (22/07/2003)
Thủy lợi phí - Món nợ khó đòi   (21/07/2003)
Người khởi xướng nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn   (20/07/2003)
Đi mua sắm trên internet   (18/07/2003)
Làm thế nào để đạt được danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao"?   (17/07/2003)
Sản xuất công nghiệp: Những chuyển động theo hướng hội nhập   (17/07/2003)
Phước Thắng: Nước sạch đã về, nhưng niềm vui chưa trọn   (15/07/2003)
Hoài Nhơn:Lận đận một mùa tôm   (14/07/2003)
Những người giữ "lửa" cho rượu Bầu Đá   (13/07/2003)