Vốn và nhân lực cho du lịch: Những khoảng cách còn lại
15:32', 1/8/ 2003 (GMT+7)

Đến nay, thế mạnh của du lịch vùng "đất võ" đã được xác định: du lịch biển, sinh thái và văn hóa. Từ xác định này, mấy năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay vấn đề đầu tư cho phát triển du lịch vẫn còn những khoảng cách giữa "lực" và "tâm".

Trong chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, có 3 dự án giao thông trọng điểm, xuyên suốt các vùng tiềm năng du lịch: Tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu đã đưa vào sử dụng; đang thi công tuyến cầu đường Quy Nhơn-Nhơn Hội nối với tuyến du lịch Phương Mai-Núi Bà-Cách Thử-Đề Gi và tuyến Quy Nhơn-Tây Sơn-An Nhơn. Từ các tuyến chính này sẽ mở ra hàng trăm điểm du lịch sinh thái rừng-biển-đồng quê, phong cảnh thiên nhiên, du lịch văn hóa Champa với hệ thống tháp Chàm cổ kính, di tích lịch sử, các làng nghề… Trong đó, Dự án cầu đường Quy Nhơn-Nhơn Hội, tổng vốn được duyệt 393 tỉ đồng (Trung ương hỗ trợ 30 tỉ đồng năm 2003, còn lại là vốn vay); tuyến đường Đề Gi-Cách Thử, dài 25,6 km, tổng vốn đầu tư 36,3 tỉ đồng, Tổng cục Du lịch đầu tư 3 tỉ đồng năm 2003, nay UBND tỉnh đề nghị Tổng cục Du lịch hỗ trợ tiếp. Nhiều công trình, tuyến đường phục vụ phát triển du lịch khác cũng đang thiếu nguồn vốn đầu tư tiếp như đường Xuân Diệu (vốn dự toán 200 tỉ đồng), hoặc các điểm du lịch như Hải Giang, Mũi Yến, Hòn Khô, Trung Lương, Vĩnh Hội, Hầm Hô, hồ Núi Một, hồ Phú Hòa…

Từ những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, đã hạn chế phát huy tiềm năng du lịch của địa phương. Riêng hạ tầng và hệ thống khách sạn hiện nay trên địa bàn TP Quy Nhơn chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ khách du lịch, nhất là du khách lưu trú dài ngày. Các loại hàng lưu niệm, quà tặng mang đậm bản sắc địa phương Bình Định và các dịch vụ cao cấp khác, phục vụ nhu cầu ăn, ở, đi lại, vui chơi, giải trí, mua sắm của khách du lịch… vẫn còn là khâu yếu so với yêu cầu. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực hoạt động du lịch của tỉnh chưa được chuẩn hóa, trình độ nghiệp vụ chuyên môn hạn chế chưa tương xứng với xu thế cạnh tranh và hội nhập phát triển. Vậy là ngoài nguyên nhân thiếu vốn đầu tư, du lịch Bình Định còn "lỗ hổng" lớn về nguồn nhân lực-một yếu tố quan trọng quyết định phát triển.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Phú Đức: Để Quy Nhơn sớm trở thành thành phố du lịch, tỉnh phải tính toán lập những kế hoạch, dự án chi tiết theo lộ trình cụ thể, một năm hoặc từng giai đoạn phát triển như đến năm 2005-2010. Nội dung kế hoạch dự án phải bao gồm tất cả các mặt, các lĩnh vực, mức kinh phí đầu tư cụ thể cho từng hạng mục công trình. Là tỉnh miền Trung nghèo, nhưng qua khảo sát thực tế Bình Định rất giàu về tiềm năng du lịch, tỉnh cần khẩn trương thực hiện công tác quy hoạch du lịch chi tiết, chú trọng đến tổ chức không gian, quỹ đất; trong các khu đô thị mới phát triển tránh quy hoạch manh mún. Với tiềm năng du lịch phong phú, tỉnh nên tính toán về lâu dài, quy hoạch phù hợp xu thế phát triển hội nhập; nếu tầm nhìn hẹp thì sẽ rất khó về sau này. Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch trong hạn mức có thể; hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động phục vụ du lịch.

Được biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án phát triển du lịch Việt Nam, trong đó có các tỉnh khu vực miền Trung. Đây là cơ hội thuận lợi để Bình Định tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư, phát triển hoạt động kinh doanh du lịch trong những năm đến.

Q.T

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch Bình Định với lộ trình hội nhập   (31/07/2003)
Nghề đan ở Tân Điền  (31/07/2003)
Hướng tới những mục tiêu mới   (31/07/2003)
Khu trang trại tập trung Nhơn Tân: Bước khởi động đầy triển vọng   (28/07/2003)
Những tín hiệu mới trên quê nghèo Cát Hải   (27/07/2003)
Biến cát thành vàng   (25/07/2003)
Kết quả bước đầu của việc thực hiện đề án mở rộng ủy nhiệm thu cho UBND xã   (24/07/2003)
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những bước đi ban đầu   (23/07/2003)
Công nghiệp miền Trung - cần một quy hoạch tổng thể   (22/07/2003)
Thủy lợi phí - Món nợ khó đòi   (21/07/2003)
Người khởi xướng nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn   (20/07/2003)
Đi mua sắm trên internet   (18/07/2003)
Làm thế nào để đạt được danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao"?   (17/07/2003)
Sản xuất công nghiệp: Những chuyển động theo hướng hội nhập   (17/07/2003)
Phước Thắng: Nước sạch đã về, nhưng niềm vui chưa trọn   (15/07/2003)