Cảng Quy Nhơn với công tác ứng dụng và phát triển CNTT
Hội nhập vào hệ thống cảng biển quốc tế
16:26', 3/8/ 2003 (GMT+7)

* CNTT - một công cụ hỗ trợ hiệu quả

Tàu vào ăn hàng tại Cảng Quy Nhơn

Ông Nguyễn Tín Dân - Giám đốc Cảng Quy Nhơn - cho biết: "Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định rằng – con người mới là vấn đề cốt lõi, phải nâng cấp trình độ nghiệp vụ của cán bộ thì mới dám nói đến công nghệ mới. Với quy mô và tốc độ phát triển như hiện nay của cảng, nếu thiếu hệ thống máy tính sẽ rất khó quản lý sản xuất kinh doanh, cải tiến các hoạt động nghiệp vụ. Cảng Quy Nhơn đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2004, toàn thể cán bộ trong cảng phải sử dụng thành thạo các công cụ tin học liên quan đến công việc của mình, đồng thời tiến tới hình thành bộ phận thường trực chuyên về công nghệ thông tin (CNTT)".

Tuy Cảng Quy Nhơn chỉ phát triển các ứng dụng CNTT chưa lâu và hiện tại vẫn chưa có phòng ban chuyên trách về CNTT, nhưng hiệu quả thực tế đạt mức khá cao. Để tạo sự gắn kết nội bộ, cảng đang đầu tư xây dựng mạng cục bộ LAN bao gồm một máy chủ, hub chuyển mạch 14 cổng, 1 hub chủ động 12 cổng cho các máy ở khu vực văn phòng; các máy ở khu vực sản xuất sẽ được kết nối thường xuyên với máy chủ để truyền dữ liệu đồng thời về bộ phận xử lý. Ông Phạm Văn Mạnh – Trưởng phòng kế hoạch Cảng Quy Nhơn cho biết: "Đến nay, hơn 50% số cán bộ nhân viên thuộc bộ phận gián tiếp ở cảng đã học và sử dụng thành thạo máy vi tính để phục vụ công việc của mình. Một số người còn viết được cả phần mềm. Ví dụ, các cán bộ ở bộ phận tính lương đã viết được phần mềm tính lương, tuy chưa được hoàn hảo lắm nhưng cũng đã giảm đi phần lớn công việc so với cách tính thủ công trước đây. Hoặc như ở bộ phận quản lý dự án chẳng hạn, nhờ sử dụng thành thạo phần mềm Autocad R14 việc thiết kế kỹ thuật đã nhanh hơn trước rất nhiều, nhờ đó phục vụ cho dự án mở rộng cảng cũng tốt hơn".

* Hội nhập với hệ thống cảng biển quốc tế

Ông Nguyễn Tín Dân tâm sự: "Cảng Quy Nhơn đang phấn đấu vươn đến con số 2 triệu tấn/năm để trở thành một địa chỉ sáng giá trong hệ thống cảng biển quốc tế, đầu tiên là trong khu vực Đông Nam Á. Muốn được như vậy không thể không nhắc đến sự cần thiết của CNTT. Thành thật mà nói, những cái mà anh em trong cảng làm được cũng chỉ là những việc đơn giản, chưa đòi hỏi chuyên môn sâu. Cảng sẽ tăng cường khai thác nguồn hàng conteiner, và hệ quả cũng cần những phần mềm quản lý mạnh, dễ nâng cấp hơn cho công việc này. Sang năm 2004, Hiệp ước an ninh cảng biển toàn cầu sẽ phát huy hiệu lực, theo đó mình sẽ phải cung cấp cho tàu chuẩn bị cập bến những thông tin cần thiết có liên quan theo yêu cầu của họ về, sau đó còn phải giúp họ những thông tin về cảng tiếp theo mà họ sẽ đến. Sắp tới, để tạo điều kiện thuận tiện cho khách hàng, chúng tôi sẽ làm việc với Hải quan, Cảng vụ cửa khẩu Quy Nhơn để thiết lập một mạng thông tin thống nhất, đây cũng là một cách để đơn giản thủ tục hành chính... Thậm chí chúng tôi còn tính đến cả việc những đội trưởng điều hành sản xuất bên dưới cũng cần được đào tạo về CNTT, trang bị cho họ máy tính xách tay để phục vụ điều hành sản xuất, cập nhật thông tin. Và điều làm tôi bận tâm nhất hiện nay là nhân lực, đội ngũ chuyên viên CNTT của cảng còn mỏng quá, mà hiện nay tuyển được người thạo việc rất khó".

Khi dự án xây dựng cầu tàu 3 vạn tấn – và mở rộng cảng hoàn thành, Cảng Quy Nhơn sẽ mang tầm vóc mới. Khi ấy sức tác động, yêu cầu và khả năng làm việc của hệ thống CNTT của cảng sẽ không dừng lại ở mức độ hỗ trợ công việc, giảm nhẹ gánh nặng lao động thủ công nữa. Mà hơn thế, chính bằng việc tích hợp và xử lý những thông tin, cơ sở dữ liệu có được, CNTT sẽ tham gia tích cực vào công tác đánh giá tình hình, dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế để hoạch định chiến lược phát triển thích ứng. Ông Nguyễn Tín Dân phân tích: "Trong giai đoạn trước mắt hàng rời sẽ vẫn chiếm tỷ lệ khá cao như lâu nay. Không ngành hàng chủ lực, nhưng hàng gì cũng có một ít, nên khi mất một nguồn nào đó, ảnh hưởng tiêu cực nếu có cũng không nghiêm trọng... Cho đến nay theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, có đến 60% khối lượng hàng rời thu gom trên địa bàn miền Trung đã được xuất khẩu thông qua cảng Quy Nhơn. Chính vì lẽ đó nên chúng tôi phải tích hợp thông tin trên nhiều ngành hàng khác nhau để có đối sách cạnh tranh phù hợp theo từng thời điểm. Không phát triển CNTT thì không tính toán một cách chính xác xu hướng phát triển của thị trường, nhu cầu của khách hàng. Xây dựng một bộ máy CNTT đủ mạnh với đội ngũ lao động thạo việc vì thế là chuyện khiến chúng tôi lao tâm khổ tứ nhiều nhất".

Trong kế hoạch phát triển, Cảng Quy Nhơn đã dành một tỷ lệ đầu tư thường xuyên khá lớn cho mục tiêu ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích những đề xuất, dự án ứng dụng và phát triển CNTT có tính khả thi; hình thành và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu từ phổ thông đến chuyên sâu để phục vụ sản xuất kinh doanh... Với sự chuẩn bị chu đáo như vậy, chắc chắn con tàu Cảng Quy Nhơn sẽ có đủ sức mạnh để rẽ sóng ra khơi, hội nhập vào hệ thống cảng biển quốc tế.

. Bá Phùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vốn và nhân lực cho du lịch: Những khoảng cách còn lại   (01/08/2003)
Du lịch Bình Định với lộ trình hội nhập   (31/07/2003)
Nghề đan ở Tân Điền  (31/07/2003)
Hướng tới những mục tiêu mới   (31/07/2003)
Khu trang trại tập trung Nhơn Tân: Bước khởi động đầy triển vọng   (28/07/2003)
Những tín hiệu mới trên quê nghèo Cát Hải   (27/07/2003)
Biến cát thành vàng   (25/07/2003)
Kết quả bước đầu của việc thực hiện đề án mở rộng ủy nhiệm thu cho UBND xã   (24/07/2003)
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những bước đi ban đầu   (23/07/2003)
Công nghiệp miền Trung - cần một quy hoạch tổng thể   (22/07/2003)
Thủy lợi phí - Món nợ khó đòi   (21/07/2003)
Người khởi xướng nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn   (20/07/2003)
Đi mua sắm trên internet   (18/07/2003)
Làm thế nào để đạt được danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao"?   (17/07/2003)
Sản xuất công nghiệp: Những chuyển động theo hướng hội nhập   (17/07/2003)