Ách tắc trong xây dựng cơ bản - Hạn chế từ các chủ đầu tư
17:5', 5/8/ 2003 (GMT+7)

Bình Định là một trong những tỉnh có mức vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối khá. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư và xây dựng nổi lên một số tồn tại: một số công trình triển khai chậm, không đảm bảo về tiến độ cũng như chất lượng, hoặc công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, nhưng không thực hiện nghiêm công tác lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành... Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng này song nguyên nhân chủ yếu là do không ít chủ đầu tư yếu chuyên môn và kinh nghiệm.

Trong đầu tư xây dựng, chủ đầu tư các dự án của Nhà nước là những tổ chức có tư cách pháp nhân được Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện xuyên suốt quá trình đầu tư như thiết kế quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư. Việc thực hiện đầu tư trải qua nhiều thủ tục như: xin giao đất (thuê đất), xin giấy phép xây dựng, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, khảo sát thiết kế xây dựng, thẩm định, phê duyệt của các cấp có thẩm quyền; thực hiện quy chế đấu thầu; hợp đồng thi công... Những công đoạn đó không phải chủ đầu tư nào cũng rành rẽ, có đủ kinh nghiệm để thực hiện mọi yêu cầu để khởi công công trình theo đúng tiến độ. Mặt khác, đối với những chủ đầu tư ở các địa phương mà nhà thầu ít có khả năng trực tiếp thực hiện việc đấu thầu xây lắp, mua sắm thiết bị, hàng hóa, thì việc thực hiện tốt quy chế đấu thầu là không dễ dàng. Do vậy, trong quá trình đấu thầu, do hạn chế về nhiều mặt nên các chủ đầu tư đưa ra các điều kiện không chặt chẽ, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu thực tế phát sinh dẫn đến thời gian thi công kéo dài, chất lượng công trình thấp.

Bên cạnh chuyên môn, kinh nghiệm yếu, các chủ đầu tư còn chưa thể hiện hết vai trò và trách nhiệm đối với dự án. Theo quy định, việc giao kế hoạch vốn năm được thực hiện vào đầu năm, muốn tiến hành nhanh các bước đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng thi công, đòi hỏi chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp liên quan. Tuy nhiên, một số dự án, chủ đầu tư triển khai công việc chậm, những vướng mắc không được giải quyết kịp thời, công trình thi công qua mùa mưa đến gần cuối năm mới gấp rút hoàn tất các công việc còn lại, do vậy tiến độ và chất lượng không đảm bảo. Và do chậm tiến độ nên cuối năm, không hoàn thành kế hoạch. Đây là một trong những điểm tiêu cực trong xây dựng cơ bản cần phải chấn chỉnh kịp thời.

Về công tác quyết toán vốn đầu tư cho công trình chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, một phần là do trong quá trình thực hiện đầu tư gặp khó khăn vướng mắc nhưng chủ đầu tư không báo cáo, phản ánh kịp thời cho cơ quan quản lý cấp trên để có hướng giải quyết phù hợp. Có chủ đầu tư chưa hiểu hết quy trình quyết toán vốn đầu tư, nên đối với các dự án được đầu tư từ nhiều nguồn (nguồn của tỉnh, của huyện, hoặc huy động từ dân...) chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán không chính xác, hồ sơ phân tán, tập hợp không đầy đủ làm cho việc quyết toán vốn gặp khó khăn, thậm chí dẫn đến quyết toán sai lệch.

Để các dự án của Nhà nước phát huy hiệu quả về mọi mặt, các chủ đầu tư thường xuyên thực hiện các dự án phải tăng cường cán bộ chuyên môn đủ điều kiện, có trách nhiệm giám sát quá trình đầu tư xây dựng. Đối với các chủ đầu tư quản lý dự án theo hình thức chủ nhiệm điều hành dự án (giao các dự án cho Ban quản lý dự án xây dựng dân dụng công nghiệp tỉnh), thì chủ đầu tư cần quản lý, giám sát, đôn đốc chủ nhiệm dự án thực hiện theo đúng trình tự và tiến độ thi công công trình. Nếu chủ đầu tư không chấp hành đúng chế độ quyết toán vốn đầu tư thì bị xử lý hành chính, nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đồng thời cần quy định chủ đầu tư phải báo cáo hàng năm tình hình thực hiện đầu tư với cơ quan quản lý cấp trên. Chế độ báo cáo này có ý nghĩa khá quan trọng, vừa phản ảnh kịp thời những tồn tại để các ngành chức năng phối hợp giải quyết kịp thời vừa nâng cao vai trò của chủ đầu tư trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác liên quan đến các ngành, các cấp, chủ đầu tư các dự án của Nhà nước phải nâng cao hơn nữa vai trò quản lý vốn nhà nước giao. Có như vậy thì các dự án đầu tư của tỉnh mới phát huy hiệu quả thiết thực và đảm bảo được những yêu cầu đề ra.

. Phan Hoàng Mai

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công nghiệp Quy Nhơn: Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững   (04/08/2003)
Hội nhập vào hệ thống cảng biển quốc tế   (03/08/2003)
Vốn và nhân lực cho du lịch: Những khoảng cách còn lại   (01/08/2003)
Du lịch Bình Định với lộ trình hội nhập   (31/07/2003)
Nghề đan ở Tân Điền  (31/07/2003)
Hướng tới những mục tiêu mới   (31/07/2003)
Khu trang trại tập trung Nhơn Tân: Bước khởi động đầy triển vọng   (28/07/2003)
Những tín hiệu mới trên quê nghèo Cát Hải   (27/07/2003)
Biến cát thành vàng   (25/07/2003)
Kết quả bước đầu của việc thực hiện đề án mở rộng ủy nhiệm thu cho UBND xã   (24/07/2003)
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những bước đi ban đầu   (23/07/2003)
Công nghiệp miền Trung - cần một quy hoạch tổng thể   (22/07/2003)
Thủy lợi phí - Món nợ khó đòi   (21/07/2003)
Người khởi xướng nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn   (20/07/2003)
Đi mua sắm trên internet   (18/07/2003)