Du lịch Bình Định với vận hội mới
17:5', 6/8/ 2003 (GMT+7)

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2003, hàng loạt khách sạn (KS) được xây dựng mới ở Quy Nhơn (QN), nhiều chuyên gia cũng đã về Bình Định (BĐ) để khảo sát thiết kế "tua"... Một luồng gió mới đang thổi vào lĩnh vực kinh doanh du lịch (DL) ở BĐ và theo đó những cuộc cạnh tranh cũng bắt đầu.

* Khởi động chu kỳ cạnh tranh mới

Khách du lịch nước ngoài tham quan Bảo tàng Quang Trung và xem biểu diễn văn nghệ (ảnh Hữu Trọng)

Suốt trong tháng 7 vừa rồi, hầu như không KS nào ở QN chấp nhận đăng ký trước cùng một lúc khoảng 10 phòng ngủ. Khách rất nhiều nhưng không phải vì thế mà sự cạnh tranh lại giảm sút. Anh N - cán bộ makerting của KS Q. - cho biết: "Gần đây, do QN được nhiều đơn vị chọn làm nơi tổ chức các hội nghị cấp vùng; các đoàn khách về tìm hiểu thị trường cũng tăng thêm... nên công suất sử dụng phòng hầu như đã đạt mức tối đa. Chúng tôi tin họ sẽ còn quay lại nên cố gắng tạo ấn tượng tốt để họ nhớ đến mình". Một năm trở lại đây, số lượng KS xây mới ở QN đã nhiều hơn tổng số KS đã xây trong 10 năm. Trong đó có cả những KS có số phòng lớn hơn tổng số phòng nghỉ mà toàn ngành thương mai du lịch đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2003.

Khách lưu trú đã nhiều hơn nhưng KS nào cũng tìm cách thu hút thêm khách mới. Các KS cạnh tranh nhau bằng những việc rất nhỏ như gởi e.mail miễn phí, vui vẻ đáp ứng những yêu cầu đột xuất của khách... cho đến việc giữ nguyên giá hoặc giảm giá tăng chất lượng dịch vụ. Không chỉ cạnh tranh trong lĩnh vực thu hút khách lưu trú, cuộc chạy đua trong việc giành nhau những hợp đồng tổ chức đám cưới, tổ chức hội nghị cũng đã quyết liệt hơn. Ông Hoàng Minh Nghĩa - Phó Giám đốc KS QN cho biết: "Bên lề những hội nghị được tổ chức tại đây, chúng tôi thường xuyên thăm dò ý kiến khách hàng, những người tham dự, lắng nghe ý kiến và những yêu cầu của họ. Mọi ý kiến đều được lắng nghe, tổng hợp và phân tích bởi các bộ phận có liên quan, từ lễ tân cho đến nhà bếp. Ngay cả việc được nhiều người chọn làm nơi tổ chức đám cưới cũng tác động tích cực đến việc quảng bá thương hiệu. Đó cũng là cạnh tranh đấy!".

* Vũ khí bí mật - Thiết kế tour riêng

Giờ đây, không chỉ những công ty lữ hành cỡ lớn mới thiết kế tour cho khách mà ngay cả các khách sạn, văn phòng đại diện các hãng DL lữ hành cũng lẳng lặng săn tìm những yếu tố mới lạ, hấp dẫn để cho ra đời tour riêng.

Anh T - chuyên gia khảo sát của một công ty du lịch lữ hành từ TP Hồ Chí Minh ra cho biết: "Tôi cảm giác BĐ chưa làm gì nhiều để giữ chân du khách. Ví dụ, tham quan tháp Đôi xong khách sẽ leo lên xe đi thẳng! Xét về nguyên tắc tiếp thị như vậy là chưa được. Ví dụ: khách có thể tham quan một số hiện vật, hình ảnh có liên quan đến tháp, sự tác động kiến trúc đền tháp Champa lên văn hóa địa phương của người Việt. Tại mỗi một điểm đến, mình phải khéo léo giữ chân khách lại để tăng thời gian lưu trú... Nghe nói ở BĐ có loài voọc chà vá chân xám quý hiếm lắm, lại có cả rừng ngập mặn ở vùng ven đầm nữa... vậy mà không có tour sinh thái nào đi về những khu vực đó cả, rất đáng tiếc. Tour văn hóa Champa của chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp cho du khách nhiều thông tin hơn, tour của chúng tôi phải khác với những gì lâu nay người khác vẫn làm nhưng cụ thể như thế nào thì xin nhà báo thông cảm, đó là bí mật kinh doanh. Theo tôi biết hiện tại cũng có dăm bảy người cũng đang làm cái việc như tôi đang làm đây".

Cùng với quan điểm với anh T, chị Lê Xuân H. - chuyên viên của một hãng du lịch lữ hành tư nhân ở TP Hồ Chí Minh cho biết: "Phải có tương lai thì Sài Gòn Tourist mới liên doanh đầu tư cho dự án trị giá hàng trăm tỉ đồng. Rồi du khách sẽ đổ về đây cho xem. Khách từ Tây Nguyên sẽ xuống đây lặn biển. Hãy mời những nhà buôn gỗ xuống các khu resort của QN nghỉ ngơi những họ lúc chuẩn bị xuất hàng. Khách ở đó chứ đâu nữa!". Các làng nghề chế tác đồ gốm, các điểm di tích lò gốm cổ (chưa tìm thấy ở đâu khác ngoài Bình Định), làng đúc đồng, làng rượu Bàu Đá nổi tiếng là những địa chỉ thu hút khách DL... Khi về thăm BĐ một quan chức của Tổng cục Du lịch đặt câu hỏi: "Thời Tây Sơn, ở đây có nhiều làng nghề chuyên đúc binh khí, đồ thờ tự... Tại sao ta không tái hiện được một góc quá khứ nào đó để giúp du khách hình dung?" Triển khai đề xuất hấp dẫn này thật ra không quá phức tạp nếu các ngành DL, thương mại, bảo tàng, văn hóa thông tin chịu ngồi lại bên nhau mở lòng ra cộng tác vì lợi ích chung của tỉnh. Khi ấy, chẳng phải chỉ có một mình làng đúc...

* Nhìn về phía trước

Một cán bộ của Khách sạn QN than thở: "Cái tên QN bây giờ có giá lắm. Riêng trong DL, giờ cái gì cũng QN, cái resort của Hoàng Anh cũng QN, khu resort trong Bãi Dài cũng QN, cái khách sạn to đùng bên cạnh chúng tôi đây cũng QN. Sắp tới đây sẽ có nhiều chuyện để nói với nhau quanh chuyện phát triển thương hiệu". Không chỉ xem danh từ QN như một phần không thể thiếu của nhãn hiệu hàng hóa, các doanh nghiệp kinh doanh DL cũng bắt đầu tính đến việc đón lõng những cơ hội sẽ đến với thành phố này nói riêng và ở cả tỉnh BĐ nói chung.

Trong tuần đầu tiên sau khi Phong Nha được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, DL Quảng Bình lập tức đón hơn 1.000 khách tham quan. Vậy ta hãy hình dung, DLBĐ sẽ làm gì khi kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa?  Chúng tôi đã thử hỏi thăm các ngành có liên quan nhưng chưa ở đâu cung cấp được những câu trả lời cụ thể, chi tiết. Vậy nên xin nhắc lại một nguyên tắc - Cơ hội không phải là may rủi, nó chỉ đến với những người đã sẵn sàng.

. Bá Phùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ách tắc trong xây dựng cơ bản - Hạn chế từ các chủ đầu tư   (05/08/2003)
Công nghiệp Quy Nhơn: Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững   (04/08/2003)
Hội nhập vào hệ thống cảng biển quốc tế   (03/08/2003)
Vốn và nhân lực cho du lịch: Những khoảng cách còn lại   (01/08/2003)
Du lịch Bình Định với lộ trình hội nhập   (31/07/2003)
Nghề đan ở Tân Điền  (31/07/2003)
Hướng tới những mục tiêu mới   (31/07/2003)
Khu trang trại tập trung Nhơn Tân: Bước khởi động đầy triển vọng   (28/07/2003)
Những tín hiệu mới trên quê nghèo Cát Hải   (27/07/2003)
Biến cát thành vàng   (25/07/2003)
Kết quả bước đầu của việc thực hiện đề án mở rộng ủy nhiệm thu cho UBND xã   (24/07/2003)
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những bước đi ban đầu   (23/07/2003)
Công nghiệp miền Trung - cần một quy hoạch tổng thể   (22/07/2003)
Thủy lợi phí - Món nợ khó đòi   (21/07/2003)
Người khởi xướng nuôi cá nước ngọt ở Tây Sơn   (20/07/2003)