Khởi động phong điện Phương Mai
16:30', 7/8/ 2003 (GMT+7)

Trong tháng 9 tới, dự án Nhà máy phong điện Phương Mai, nhà máy điện dùng năng lượng gió qui mô lớn đầu tiên ở Việt Nam sẽ chính thức khởi động. Một dự án phát triển hạ tầng tầm cỡ sẽ mọc lên trên đất Bình Định để phục vụ cho tiến trình CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương và khu vực.

Đến nay, toàn bộ các công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, Ban quản lý dự án đã tổ chức mở thầu gói thầu số 1, gói thầu lớn nhất của dự án: Chế tạo, chuyển giao thiết bị và thiết kế toàn bộ nhà máy. Tham dự thầu là các hãng chế tạo thiết bị phong điện hàng đầu thế giới: SUMI TOMO CORPPATION (Nhật), NEG – MICOM A/S ALSVEI (Đan Mạch), Công ty xây dựng cấp thoát nước Hà Nội (Đại diện cho một tập đoàn nước ngoài) và VESTAS-INTERNATIONAL WIND TECHNOLOGY A/S (Đan Mạch).

Đây quả là một sự kiện quan trọng đối với Bình Định - khi nhà máy phong điện qui mô lớn đầu tiên của cả nước được xây dựng tại địa phương. Theo kế hoạch phát triển điện năng giai đoạn 5 của Tổng Công ty điện lực Việt Nam, đến năm 2020 sản lượng điện bình quân đầu người phải cao hơn gấp hơn 10 lần hiện nay (khoảng 1.300 kwh/người/năm). Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, để có được sản lượng điện như vậy vào năm 2020 (khoảng 170 tỉ Kwh), nếu huy động tối đa nguồn năng lượng từ dầu mỏ, khí đốt, than đá và thủy điện cũng chỉ đáp ứng được khoảng 110 tỉ Kwh, còn lại phải trông chờ vào những nguồn năng lượng tự nhiên và vô tận là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối (Bio mass) và năng lượng sóng biển. Đây là các nguồn năng lượng sạch, không ảnh hưởng đến môi trường, thiết bị đơn giản, điện năng ổn định, giá thành thấp.

Việt Nam là quốc gia có ưu thế và tiềm năng để khai thác và sử dụng nguồn năng lượng vô tận này (với gần 3.000 km bờ biển, nằm trong vùng khí hậu gió mùa). Và nơi hội đủ những điều kiện để xây dựng nhà máy phong điện qui mô lớn đầu tiên của nước ta chính là tại bán đảo Phương Mai. Theo "Báo cáo nghiên cứu khả thi Nhà máy phong điện Phương Mai – Bình Định" của Công ty cổ phần năng lượng sạch, Nhà máy được đặt tại khu vực phía bắc bán đảo Phương Mai (thuộc TP Quy Nhơn và 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát). Các nhà chuyên môn cho biết, qua khảo sát về địa hình, chế độ gió và tốc độ gió quanh năm cho thấy Nhà máy sẽ hứng được cả 2 hướng gió chính: đông bắc (mùa đông) và tây nam (mùa hè). Tần suất gió có thể khai thác tại đây là 8.000 giờ/năm (bình quân 21,9 giờ/ngày – rất cao so với yêu cầu của một nhà máy phong điện). Ở giai đoạn 1, Nhà máy được xây dựng tại thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh (Phù Cát), trên diện tích 56 hecta.

Với ưu thế về mặt bằng, giao thông, chế độ và tốc độ gió… Nhà máy phong điện Phương Mai có đủ điều kiện để xây dựng một tổ hợp phát điện gió công suất từ 100 đến 150 MW, tức là lớn hơn từ 1,5 đến hơn 2 lần công suất của Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn. Theo phương án đề xuất của Công ty cổ phần phong điện Phương Mai đã được UBND tỉnh phê duyệt: Nhà máy được xây dựng tại đây sẽ có công suất 100 MW. Trước mắt giai đoạn 1 là 15 MW. Ở giai đoạn 1, tổng mức đầu tư cho dự án là gần 222 tỉ đồng, trong đó phần thiết bị máy móc là 180 tỉ đồng. Hiện nay đã có 5 thành viên tham gia đầu tư là Tổng công ty cơ khí xây dựng, Công ty cổ phần năng lượng sạch, Công ty cổ phần xây lắp công nghiệp Bình Định, Công ty điện lực 3 và Công ty cổ phần phong điện Việt Nam.

Việc xây dựng nhà máy phong điện Phương Mai cùng với dự án xây dựng cầu vượt đầm Thị Nại và tuyến đường ven biển phía đông nối thông Quy Nhơn với Tam Quan - Hoài Nhơn (và tất cả sẽ hoàn thành trong năm 2005) có ý nghĩa tạo tiền đề quyết định cho sự thành công của các dự án tiếp theo tại đây về hạ tầng, đô thị mới, khu thương mại, cảng biển nước sâu, khu du lịch… Đến cuối năm 2005, toàn bộ giai đoạn 1 của dự án Nhà máy phong điện sẽ hoàn thành. Khi đó, những cụm cánh quạt gió của Nhà máy phong điện sẽ là những điểm nhấn trong bức tranh du lịch kỳ vĩ nơi này. Ngoài ra, Nhà máy sẽ giúp Bình Định có được nguồn phát điện độc lập, chủ động nguồn điện năng cung cấp cho một khu công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển… sôi động trong tương lai. Đây cũng chính là bước khởi đầu quan trọng trong một chiến lược tầm quốc gia về phát triển năng lượng sạch.Như vậy là, đã có thêm một tiềm năng phát triển quan trọng được đánh thức trên quê hương Bình Định.

. Cát Hùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch Bình Định với vận hội mới   (06/08/2003)
Ách tắc trong xây dựng cơ bản - Hạn chế từ các chủ đầu tư   (05/08/2003)
Công nghiệp Quy Nhơn: Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững   (04/08/2003)
Hội nhập vào hệ thống cảng biển quốc tế   (03/08/2003)
Vốn và nhân lực cho du lịch: Những khoảng cách còn lại   (01/08/2003)
Du lịch Bình Định với lộ trình hội nhập   (31/07/2003)
Nghề đan ở Tân Điền  (31/07/2003)
Hướng tới những mục tiêu mới   (31/07/2003)
Khu trang trại tập trung Nhơn Tân: Bước khởi động đầy triển vọng   (28/07/2003)
Những tín hiệu mới trên quê nghèo Cát Hải   (27/07/2003)
Biến cát thành vàng   (25/07/2003)
Kết quả bước đầu của việc thực hiện đề án mở rộng ủy nhiệm thu cho UBND xã   (24/07/2003)
Đưa công nghiệp về nông thôn: Những bước đi ban đầu   (23/07/2003)
Công nghiệp miền Trung - cần một quy hoạch tổng thể   (22/07/2003)
Thủy lợi phí - Món nợ khó đòi   (21/07/2003)