Từ năm 1999 đến nay, Bưu điện Bình Định đã xây dựng và đưa vào phục vụ 93 điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) ở hầu hết những địa phương xa xôi, những bản làng vùng cao trong tỉnh. Các điểm BĐVHX này đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao dân trí, từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Các điểm BĐVHX đưa vào hoạt động đều được trang bị đầy đủ các dịch vụ Bưu chính Viễn thông theo quy định của ngành. Trung bình mỗi điểm được trang bị 232 đầu sách các loại: kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa - xã hội, pháp luật, y học, nông nghiệp… và các loại báo: Nhân dân, Bình Định, Văn nghệ Bình Định, Văn hóa Bình Định, Khoa học Công nghệ môi trường, Bưu điện, Dân tộc và miền núi… nhằm phục vụ nhu cầu thông tin cho bà con. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 59 Bưu cục và 9 Đại lý điện thoại, với số lượng này chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dịch vụ Bưu chính - Viễn thông của người dân trong tỉnh. Nhờ có những điểm BĐVHX, bán kính phục vụ đã được rút ngắn lại và các dịch vụ Bưu chính - Viễn thông cũng đã vươn đến những địa phương xa xôi hẻo lánh. Hiện trung bình bán kính phục vụ Bưu chính Viễn thông của tỉnh chỉ còn 3,45 km, rút ngắn gần 2 km so với khi chưa có hệ thống BĐVHX. Nhờ vậy, bà con vùng cao, vùng xa đã có điều kiện nắm bắt kịp thời thông tin, khoa học kỹ thuật mà đầu tư làm ăn phát triển kinh tế gia đình.
Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) là xã miền núi lâu nay người dân không có điều kiện tiếp xúc với thông tin, sách báo do đường sá xa xôi cách trở. Bởi vậy, ngày đầu tiên điểm BĐVHX Vĩnh Sơn xây dựng hoàn thành và đưa vào phục vụ, không khí ở đây vui như ngày hội. Nhiều người dân, đặc biệt là các em học sinh, cán bộ xã, thôn đến đọc sách báo rất đông. Chị Nguyễn Thị Hồng, nhân viên phục vụ tại điểm BĐVHX Vĩnh Sơn, thổ lộ: "Ngày đầu tiên điểm BĐVHX này phục vụ, tôi đã phải làm việc luôn trưa bởi người dân đến đọc sách báo, gởi thư từ, gọi điện thoại đông quá. Nhiều người đã tối mà vẫn còn đến để gọi điện thoại cho người thân". Chẳng những riêng ở xã vùng cao Vĩnh Sơn, các điểm BĐVHX khác cũng đã góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương. Ở xã An Tân (An Lão) từ lúc có BĐVHX, nhu cầu thông tin liên lạc của người dân đã được đáp ứng đầy đủ. Anh Nguyễn Tuấn Hải, một người dân ở An Tân cho hay: "Nhờ có điểm BĐVHX này mà chúng tôi không còn đói thông tin như trước. Bây giờ thông qua sách báo tại đây, chúng tôi đã nắm bắt được các thông tin ở những địa phương khác".
Không chỉ tạo cho bà con có điều kiện nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức, mà những điểm BĐVHX còn giúp người dân có thêm điều kiện để làm ăn và phát triển kinh tế. Qua khảo sát của chúng tôi tại những điểm BĐVHX, đã nhận thấy nhu cầu đọc sách báo để nắm bắt thông tin kinh tế hay gọi điện thoại trao đổi công việc làm ăn, giá cả nông sản của bà con rất nhiều. Tại điểm BĐVHX Canh Hiển (Vân Canh), chúng tôi đã gặp anh Trần Thanh Bình, khách hàng vừa gọi điện thoại cho bạn hàng làm ăn của mình ở tận thị trấn Diêu Trì, cho biết: "Từ khi có điểm BĐVHX này, tôi đỡ vất vả vô cùng. Ngày trước, mỗi lần cần nắm thông tin hay trao đổi việc gì với khách hàng phải lên tận Bưu điện huyện xa đến 7 cây số. Bởi bất tiện như vậy nên rất ngại đi và thường để khi xuống giao hàng mới trao đổi luôn, nên có lúc không nắm được tình hình giá cả đành phải chịu lỗ".
Với hiệu quả mang lại, những điểm BĐVHX đã góp phần giúp các địa phương vùng cao, vùng xa của tỉnh khởi sắc hơn. Ông Đinh Y Nam, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhận xét: "Phải khẳng định rằng, những điểm BĐVHX trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã góp phần rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ nó mà bộ mặt nông thôn của huyện đã đổi thay đáng kể".
. Ngọc Thái
|