Trần trụi, cũ kỹ, xộc xệch. Đó là hình ảnh quen thuộc của những chiếc xe lam ba bánh. Giữa các phương tiện giao thông ngày càng hiện đại hơn, những chiếc xe lam ba bánh đã mất dần đi "vị thế" trên những tuyến đường. Và bây giờ, khi xe máy đã ngập tràn và mới nay là sự xuất hiện của taxi, xe buýt, những chiếc xe lam ba bánh cũ kỹ càng lâm vào tình thế khó khăn hơn!
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn Bình Định hiện đang có hơn 200 chiếc xe lam ba bánh, chủ yếu hoạt động trên địa bàn TP Quy Nhơn. Có nghĩa là đang có hơn 200 hộ gia đình "thị dân" của thành phố biển đang sống tựa vào hoạt động của những chiếc xe cũ kỹ này. Và chắc hẳn đời sống kinh tế của họ cũng chẳng khá giả gì. Bởi nếu có vốn liếng khá hơn thì họ đã không chọn kế sinh nhai bằng một loại phương tiện phục vụ giao thông "ì ạch" đến như thế! Một bác tài tâm sự: "Trong giới xe cộ thì anh em xe lam ba bánh chúng tôi được xem như là những "lao động phổ thông"! Ai kêu gì chở nấy "thượng vàng hạ cám", bất kể giờ giấc, miễn sao là kiếm được tiền. Những đồng tiền chúng tôi kiếm được chủ yếu là "tiền lẻ" từ những người mua gánh bán bưng, chạy chợ và những học sinh nghèo đi học ở những trường ngoại thành. Nhưng để kiếm được khách chạy là vất vả lắm".
Kiếm tiền đã khó, nghề chạy xe ba bánh còn vất vả hơn. Ai đã một lần lên xe ba bánh thì mới thấu hết nỗi cơ cực của "bác tài". Không tinh tươm, bệ vệ như bác tài các loại xe khác, mà lam lũ như những chiếc xe của họ. Lái xe và phụ xe cũng là một. Vừa chạy xe vừa đảo mắt bắt khách, rồi là chất hàng, thu tiền... Thậm chí vừa chạy xe bác tài còn phải kể chuyện vui cho khách nghe để làm thân với các cô, với các chị bạn hàng mua gánh bán bưng, để lần sau "đến hẹn" họ lại lên xe của mình. Suôn sẻ thì chẳng nói gì, mỗi khi xe bị trục trặc kỹ thuật thì bác tài lập tức trở thành thợ máy, đen nhẻm dầu mỡ.
Một sáng thứ hai có việc phải đi Quy Nhơn, tôi quyết định đi xe buýt cho đỡ nắng. Thế nhưng không may, là sáng đầu tuần nên khách đổ về thành phố rất đông, tất cả các chuyến xe buýt từ Đập Đá vào đều nêm chật người nên khách An Nhơn chẳng thể chen chân được. Vì có việc gấp nên tôi đành lên một chiếc xe lam ba bánh đang mời chào. Chiếc xe lập tức được những người khách đứng chờ xe buýt ở thị trấn Bình Định lên chật cứng. Tôi may mắn được ngồi sau lưng bác tài chiếc xe 77K-7480. Càng may mắn hơn cho tôi là anh rất hay chuyện. Yên tâm vì đã đầy khách, anh rôm rả tiếp chuyện tôi: "Anh hỏi xe này sao mà dám chạy xa vậy à! Phải liều thôi chứ biết sao, không chạy xa thì kiếm đâu ra khách. Hàng mấy trăm chiếc xe mà chỉ quanh quẩn Quy Nhơn - Diêu Trì thì lấy gì mà ăn. Lượng khách "truyền thống" của xe ba bánh giờ xe buýt đã "lượm" hết rồi. Có hôm chạy lỗ tiền xăng. Đi về Quy Nhơn - Diêu Trì phải mất 1 lít rưỡi xăng mà chỉ có vài người khách (2.000 đồng/người) thì hư xe không có tiền mà sửa! Còn làm liều chạy xa như tui thì còn có cơ may "lượm mót" khách của xe buýt như anh thấy hôm nay đấy. Anh tính, Đập Đá - Quy Nhơn 4.000 đồng/người, nếu đầy khách cũng kiếm được 40.000 đồng/chuyến. Trừ xăng xe cũng còn kiếm được 20.000 đồng/chuyến. Mỗi ngày cố gắng đi 4 chuyến thì cũng đủ xoay sở cuộc sống và chi phí các khoản.
Cơ cực là vậy nhưng một thời gian không xa nữa những chiếc xe lam ba bánh sẽ không còn được tồn tại bởi nó không còn đủ an toàn để phục vụ giao thông. Đa số các bác tài đang kiếm cách làm ăn khác nhưng là chuyện chẳng dễ. Anh chủ chiếc xe 77K-7408 tâm sự: "Chúng tôi ước gì có được một số vốn để chuyển nghề làm ăn hoặc có được một công việc ổn định nào đó, vì biết chắc nghề này chẳng còn tồn tại bao lâu nữa. Chúng tôi mong trong thời gian tới được các cấp ngành quan tâm tạo điều kiện. Còn bây giờ thì vẫn phải "ì ạch" theo nó để kiếm sống cho gia đình chứ chẳng lẽ bán xe rồi khoanh tay ngồi không...".
. Vũ Đình Thung
|