Một ngày với thị trấn vùng cao
16:47', 12/8/ 2003 (GMT+7)

Chợ Vân Canh (ảnh:PNT)

Trở lại Vân Canh lần này, ấn tượng đối với chúng tôi không phải chỉ có con đường tỉnh lộ 638 được nhựa hóa, mà còn là một thị trấn vùng cao đang vươn lên với nhiều sắc màu tươi mới: Cơ sở hạ tầng, nhà cửa mở mang và nhất là sự sôi động với những chuyến xe hàng tấp nập ngược xuôi...

Thị trấn Vân Canh chỉ mới được quyết định thành lập vào ngày 19-4-2002 (tách ra từ 11 thôn, làng của 2 xã Canh Thuận và Canh Hiệp) với 5.208 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 37%, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Tuy mới thành lập, nhưng bằng sự nỗ lực của địa phương và hỗ trợ của Nhà nước, thị trấn mới này đã dần dần vượt qua những khó khăn ban đầu để vươn lên: nhà cửa đã được quy hoạch, không còn xây cất lộn xộn như ngày trước; việc giao thương hàng hóa trở nên sôi động, xe cộ chở hàng cũng tấp nập đi về nhờ con đường tỉnh lộ 638 được trải nhựa và các đường liên xã, liên thôn đã bê tông hóa; khu trung tâm thị trấn, các cơ sở ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng thi nhau mọc lên… Tất cả đã tạo nên bức tranh sinh động của một phố thị.

Ông Nguyễn Trọng Hường, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: "Nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, điện, đường được Nhà nước quan tâm nên khoảng cách giữa thị trấn Vân Canh với tỉnh lỵ đã gần hơn. Việc giao lưu văn hóa, giao thương kinh tế không còn cảnh nông sản phải bán với giá rẻ, nải chuối, trái xoài để rũ trên cành do đường đến chợ khó khăn và xa quá". Anh Lê Đức Thọ, chủ hiệu buôn ngay trung tâm thị trấn, không dấu được niềm vui, thổ lộ: "Bây giờ cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi hẳn, hàng hóa lưu thông, đồng vốn được quay vòng nhanh hơn trước nhiều". Nhờ đường sá được đầu tư nâng cấp, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng: Suối Mây, Hiệp Hà, Hiệp Hội… không còn chịu cảnh lội suối trèo dốc mỗi khi muốn đi ra khỏi làng. Ngồi trong ngôi nhà mới xây của mình, chị Đinh Thị Bân, người dân tộc Bana tâm sự: "Bà con chúng tôi không còn phải dậy sớm để chuẩn bị cho buổi chợ sớm mai, xe cộ đã chạy được đến từng nhà, nên thủng thẳng sáng dậy đi cũng không muộn". Ngôi chợ vùng cao bây giờ cũng đông đúc và nhộn nhịp hơn. Chị Trần Thị Bích Phượng, chủ hàng tạp hóa cười tươi: "Mấy năm trước tôi chỉ bán được hàng vào buổi sáng, còn chiều coi như ngồi không bởi bà con rất ngại đi chợ. Bây giờ đường sá thuận tiện, nên đã "siêng" đi chợ hơn. Anh thấy đấy, đã 4 giờ chiều rồi mà cảnh chợ vẫn còn nhộn nhịp".

Thị trấn vùng cao đổi thay không những chỉ có những con đường giao thông mà còn có hệ thống lưới điện quốc gia và các công trình nước sinh hoạt. Hiện hệ thống lưới điện cũng đã phủ khắp 11 thôn, làng với hơn 80% người dân được sử dụng điện; 10/11 thôn, làng đã có hệ thống nước sinh hoạt. Có điện lưới quốc gia, các cơ sở dịch vụ như: sửa chữa điện tử, đá lạnh… đã không ngừng mọc lên và đời sống văn hóa của bà con đã đổi thay rõ rệt. Bây giờ, chẳng những đồng bào người kinh mà bà con dân tộc thiểu số cũng đã ý thức được việc ăn chín uống sôi. Nghe những câu chuyện như vậy tôi cảm thấy rất mừng. Và mừng hơn khi hiện nay thị trấn đang gấp rút chuẩn bị thêm những dự án phát triển cơ sở hạ tầng mới như: quy hoạch thêm một khu dân cư với diện tích 1,5 ha, xây dựng hệ thống dẫn nước sạch đến trạm y tế, xây dựng đoạn đường bê tông từ thị trấn đến làng Canh Tân…

Buổi chiều ở vùng cao trời sụp tối rất nhanh. Nhưng bây giờ, khi mặt trời xuống núi là cả thị trấn bừng lên ánh điện lung linh…

. P.N.T

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xe lam ba bánh, bây giờ   (11/08/2003)
Quy Nhơn - Diện mạo nào trong tương lai?   (10/08/2003)
Hệ thống Bưu điện văn hóa xã: Góp phần thay đổi vùng cao   (08/08/2003)
Khởi động phong điện Phương Mai   (07/08/2003)
Du lịch Bình Định với vận hội mới   (06/08/2003)
Ách tắc trong xây dựng cơ bản - Hạn chế từ các chủ đầu tư   (05/08/2003)
Công nghiệp Quy Nhơn: Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững   (04/08/2003)
Hội nhập vào hệ thống cảng biển quốc tế   (03/08/2003)
Vốn và nhân lực cho du lịch: Những khoảng cách còn lại   (01/08/2003)
Du lịch Bình Định với lộ trình hội nhập   (31/07/2003)
Nghề đan ở Tân Điền  (31/07/2003)
Hướng tới những mục tiêu mới   (31/07/2003)
Khu trang trại tập trung Nhơn Tân: Bước khởi động đầy triển vọng   (28/07/2003)
Những tín hiệu mới trên quê nghèo Cát Hải   (27/07/2003)
Biến cát thành vàng   (25/07/2003)