Nghề cá còn nhiều lực cản
16:22', 13/8/ 2003 (GMT+7)

Nghề đánh bắt hải sản Bình Định hiện có đội tàu thuyền 5.875 chiếc, tổng công suất 229.200 CV, trung bình mỗi năm khai thác được 85 ngàn tấn hải sản các loại. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần còn hạn chế.

Trung bình mỗi năm năng lực tàu thuyền của Bình Định tăng 2,02% về công suất và 3% về số lượng, riêng số tàu thuyền tham gia đánh bắt xa bờ hàng năm tăng trung bình 10 - 13%. Việc đầu tư trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc đánh bắt cũng được tăng cường. Ông Nguyễn Văn Mong, Phó giám đốc Sở Thủy sản, cho biết: "Hiện phần lớn tàu thuyền tham gia đánh bắt xa bờ của Bình Định đều được trang bị máy mới. Các thiết bị hàng hải phục vụ cho việc dò tìm ngư trường, liên lạc trên biển như ra đa hàng hải, máy tầm ngư, máy định vị, máy điện thoại tầm xa cũng được các chủ tàu trang bị đầy đủ". Nhờ đó, sản lượng hải sản khai thác hàng năm tăng trung bình 20%, sản lượng phục vụ cho chế biến xuất khẩu tăng từ 10 – 15%.

Cùng với sự phát triển năng lực tàu thuyền, các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần cho nghề cá cũng ngày càng mở rộng. Hiện toàn tỉnh có 3 bến cá chính, đảm bảo neo đậu cho khoảng 4.000 tàu thuyền; 15 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; hơn 100 cơ sở cung ứng xăng dầu và ngư lưới cụ; 13 cơ sở thu mua hải sản… Mạng lưới hậu cần này không chỉ đáp ứng nhu cầu về dịch vụ cho nghề cá mà còn giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động ở các địa phương ven biển.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nghề cá Bình Định vẫn đang gặp phải không ít lực cản. Lực cản lớn nhất phải nói đến đó là vấn đề neo đậu tàu thuyền. Hệ thống cảng cá và bến cá của Bình Định trong những năm qua tuy có đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chỉ mới đáp ứng được 70% số lượng tàu thuyền của tỉnh ra vào neo đậu. Đó là chưa nói đến lực lượng tàu thuyền của các tỉnh bạn cũng thường xuyên ra vào cập các bến cá của tỉnh. Ngoài ra, các công trình hỗ trợ thiết yếu khác như: cầu tàu, khu sơ chế, kho bãi, hệ thống xử lý nước thải, cung cấp nước ngọt và kho lạnh chứa hàng… vẫn chưa được quan tâm, ngoại trừ cảng cá Quy Nhơn mới vừa được đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh. Ngay cả các địa điểm dành cho tàu neo đậu tránh trú bão, hệ thống luồng lạch, cửa biển… cũng là một trong những vấn đề cần phải xem xét. Chẳng hạn cửa biển Tam Quan và An Dũ ở Hoài Nhơn, do hiện tượng bồi đắp tự nhiên nên thường xuyên bị cạn làm cho việc ra vào của tàu thuyền luôn gặp khó khăn. Ông Nguyễn Tấn Bảng, một ngư dân ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), cho biết: "Cửa biển luôn bị bồi lấp và tạo ra luồng mới đã ảnh hưởng rất lớn đến việc ra vào trú đậu tàu thuyền của chúng tôi. Ngay cả tôi là người địa phương, nhưng cũng rất sợ bị mắc cạn".

Một khó khăn cũng cần nhắc đến nữa là việc thu mua sản phẩm. Tất cả đều phụ thuộc vào tư nhân, trong khi phần lớn các cơ sở thu mua hải sản của tư nhân chưa có máy móc, thiết bị hiện đại nên chất lượng sản phẩm giảm và giá mua sản phẩm thấp là điều tất nhiên. Bên cạnh đó hệ thống cung ứng vật tư kỹ thuật cho nghề cá cũng do tư nhân thực hiện nên rất manh mún, bấp bênh.

Theo ông Nguyễn Văn Mong để giải quyết những lực cản này, thì cần phải có thời gian và các cấp, các ngành cùng vào cuộc với hàng loạt các vấn đề cần giải quyết được đặt ra như: Quy định giá sàn cho một số mặt hàng nhiên liệu và hải sản chủ lực; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua nguyên liệu trực tiếp với ngư dân không qua đầu mối trung gian; giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ cung ứng và thu mua hải sản, làm giảm thiểu đến mức thấp nhất sự xâm hại quyền lợi của ngư dân…

Giải quyết được những vấn đề này, sẽ tạo ra động lực lớn để nghề cá Bình Định phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương.

. Phạm Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một ngày với thị trấn vùng cao   (12/08/2003)
Xe lam ba bánh, bây giờ   (11/08/2003)
Quy Nhơn - Diện mạo nào trong tương lai?   (10/08/2003)
Hệ thống Bưu điện văn hóa xã: Góp phần thay đổi vùng cao   (08/08/2003)
Khởi động phong điện Phương Mai   (07/08/2003)
Du lịch Bình Định với vận hội mới   (06/08/2003)
Ách tắc trong xây dựng cơ bản - Hạn chế từ các chủ đầu tư   (05/08/2003)
Công nghiệp Quy Nhơn: Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững   (04/08/2003)
Hội nhập vào hệ thống cảng biển quốc tế   (03/08/2003)
Vốn và nhân lực cho du lịch: Những khoảng cách còn lại   (01/08/2003)
Du lịch Bình Định với lộ trình hội nhập   (31/07/2003)
Nghề đan ở Tân Điền  (31/07/2003)
Hướng tới những mục tiêu mới   (31/07/2003)
Khu trang trại tập trung Nhơn Tân: Bước khởi động đầy triển vọng   (28/07/2003)
Những tín hiệu mới trên quê nghèo Cát Hải   (27/07/2003)