|
Chế biến hàng đông lạnh xuất khẩu (ảnh: H.Dân) |
Kế hoạch năm 2003 của ngành Thủy sản tỉnh Bình Định đề ra là giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 33 triệu USD, đến năm 2005 là 95 triệu USD. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, giá trị kim ngạch của toàn ngành mới đạt 8,56 triệu USD, chỉ bằng 70,3% so với cùng kỳ năm 2002. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong 6 tháng đầu năm có mức tăng trưởng mạnh: tăng 9,42% về tổng sản phẩm và 16,99% về giá trị so với cùng kỳ năm 2002. Liệu xuất khẩu thủy sản của Bình Ðịnh có đạt được như chỉ tiêu kế hoạch đề ra?
Theo một số cán bộ chức năng của ngành Thủy sản Bình Định, những nguyên nhân mang tính then chốt dẫn đến thực trạng nói trên là do nguyên liệu thiếu, công nghệ lạc hậu, công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đầu tư đúng mức so với nhu cầu mới.
Về nguyên liệu cung cấp cho chế biến thì phụ thuộc vào sản lượng nuôi trồng và khai thác. Trong nuôi trồng, hiện nay thế mạnh của Bình Định là nuôi tôm sú, nhưng cản ngại lớn nhất trong việc này là trình độ người nuôi tôm còn quá thấp, chủ yếu từ làm ruộng chuyển sang nên còn rất bỡ ngỡ với nghề mới đòi hỏi nhiều kiến thức và khoa học kỹ thuật này. Hoạt động khai thác cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Về phương tiện đánh bắt, Bình Định hiện có đội tàu hùng hậu với 5.875 chiếc, tổng công suất 229.200 CV, mỗi năm khai thác được khoảng 80.000 tấn hải sản các loại, nhưng thực tế số sản phẩm phục vụ cho chế biến xuất khẩu còn rất thấp. Nguyên nhân, do công tác bảo quản sản phẩm sau đánh bắt không tốt nên chất lượng giảm. Hiện, Bình Ðịnh chưa có một tàu đánh bắt xa bờ nào có công nghệ bảo quản sản phẩm hiện đại, mà chỉ toàn áp dụng các phương thức bảo quản truyền thống như lâu nay. Ông Đinh Văn Tiên - Phó giám đốc Sở Thủy sản, cho biết: "Với việc khai thác và nuôi trồng thủy sản như vậy, nên nguồn nguyên liệu trong tỉnh không đủ cung cấp cho các nhà máy chế biến hoạt động. Hầu như các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu của Bình Định phải cạnh tranh gay gắt trong việc thu mua nguyên liệu, nhưng cũng chỉ mới đảm bảo đủ cho các nhà máy hoạt động hơn 40% công suất".
Ngoài khó khăn về nguyên liệu, các DN chế biến của Bình Định còn chưa quan tâm đến việc đa dạng hóa các sản phẩm, mẫu mã và mặt hàng. Trong thực tế, các DN chế biến thủy sản xuất khẩu của Bình Định chỉ sản xuất cái đã có, mà chưa sản xuất những gì thị trường cần, vì thế khi làm ra thì lúng túng không biết bán đi đâu, bán cho ai và dẫn đến tình trạng trúng mùa mà mất giá, làm cho sản xuất bấp bênh, tạo cảm giác lo lắng cho người sản xuất nguyên liệu. Hiện nay, các sản phẩm thủy sản chế biến của Bình Định chỉ tập trung ở một số mặt hàng chính như: tôm đông lạnh, cá ngừ đại dương, mực cấp đông… nên hiệu quả cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu rất hạn chế. Các nhà máy dù đã đầu tư nâng cao công suất, nhưng trang thiết bị công nghệ còn lạc hậu so với các nhà máy chế biến thủy sản trong khu vực và cả nước, ngoại trừ Xí nghiệp Đông lạnh Quy Nhơn và Công ty Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn có dây chuyền tương đối hiện đại. Bởi vậy, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được với yêu cầu của các thị trường mới như: châu Âu, châu Mỹ… mà chỉ tiêu thụ ở các thị trường truyền thống lâu nay như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… Thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ là thị trường tiêu thụ mặt hàng thủy sản lớn trên thế giới và là thị trường tiềm năng, nhưng các DN chế biến thủy sản xuất khẩu của Bình Định rất khó thâm nhập do không vượt qua được "rào cản kỹ thuật".
Kế đến, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiếp thị chưa tương xứng với yêu cầu hội nhập kinh tế trong xu thế phát triển và hội nhập như hiện nay. Do đó, các DN của Bình Định còn phụ thuộc khá nhiều vào các nhà nhập khẩu nước ngoài. Ông Đinh Văn Tiên, cho biết thêm: "Không những vậy, trình độ khai thác và xử lý thông tin của các DN chế biến thủy sản của tỉnh còn chưa tốt, dẫn đến dự báo về thị trường không tốt nên có lúc rơi vào tình trạng mất phương hướng trong sản xuất kinh doanh".
Như vậy, để giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Bình Định đạt 33 triệu USD trong năm 2003 và 95 triệu USD đến năm 2005 cần phải tháo gỡ ngay những cản ngại đã nêu. Về phía ngành Thủy sản cần phải nhanh chóng tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến bằng cách phát triển nuôi trồng thủy sản cả về chiều rộng cũng như chiều sâu; đẩy mạnh hoạt động đánh bắt xa bờ và chú ý đến công tác bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Hỗ trợ về vốn, thông tin thị trường cho các DN, tạo đà cho các DN phát huy hết nội lực của mình trên thị trường. Về phía các DN, cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, tạo ra nhiều sản phẩm mới để mở rộng thị trường. Cần phải đầu tư thiết bị công nghệ đảm bảo với yêu cầu hiện đại để tạo ra những sản phẩm có chất lượng…
. Ngọc Thái |