Đá hoa cương Bình Định ở thị trường TP HCM: Sự lựa chọn đầu tiên
16:56', 20/8/ 2003 (GMT+7)

Chi nhánh ĐHC Bình Định Phú Minh Trọng tại TP HCM

TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu dùng lớn nhất nước ta. Bất cứ sản phẩm nào nếu chen chân được vào thị trường này sẽ có cơ hội mở rộng sang các thị trường khác. Đây là việc hết sức khó đối với sản phẩm đến từ các địa phương, nhưng sản phẩm đá hoa cương (ĐHC) của Bình Định đã làm được điều này. Trong vòng 5-7 năm gần đây, sản phẩm của Bình Định là sự lựa chọn đầu tiên khi người ta có nhu cầu sử dụng ĐHC.

* Chinh phục khách hàng

Hiện nay ở TP HCM có hơn 10 doanh nghiệp (DN) chuyên cung cấp ĐHC Bình Định được người tiêu dùng tín nhiệm. Các DN này chủ yếu giữ việc phân phối sản phẩm đến hàng trăm đại lý bán lẻ trong TP HCM và đã tạo được chỗ đứng khả quan.

Cách đây mươi năm, chỉ có 2 chi nhánh ĐHC Bình Định ở TP HCM là: Công ty Đá Bình Định và Công ty liên doanh Bagexco. Sản phẩm chỉ có 2 loại: đá đỏ và đá ốp tường nên không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, phương thức bán hàng chưa năng động, quảng bá sản phẩm "chưa tốt" nên ĐHC Bình Định ít người biết. Thời điểm này, khi nói đến ĐHC người ta nghĩ ngay đến sản phẩm của những DN trong TP HCM như: Granida Việt Nam, Saxco (Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại- Công nghiệp Sài Gòn), IBS của Bình Dương... Khi nhận ra các điểm yếu của mình, các DN của Bình Định đã đưa ra những phương thức kinh doanh linh hoạt hơn, tiếp thị sản phẩm của mình bằng những chiến dịch quảng cáo dài hơi... Ngoài ra, giá cả phù hợp, chất lượng hàng đầu là 2 yếu tố được các DN Bình Định lấy đó làm ưu thế cạnh tranh.

Đến nay, sản phẩm ĐHC Bình Định đã đa dạng hơn, đặc biệt là có nhiều loại đá mà màu sắc nơi khác không có như: vàng, hồng. Sản phẩm làm ra không chỉ dùng lát chân cầu thang, lát nền như trước đây mà còn dùng để lát mặt bàn, bếp, đèn đá… sang trọng và đẹp mắt. Mặc dù, chưa có con số thống kê cụ thể sản phẩm đá bán ra ở các công ty ĐHC Bình Định tại TP HCM hiện nay nhưng bình quân mỗi tháng ước chừng mỗi công ty tiêu thụ khoảng 2000 m2  ĐHC. Chỉ tính riêng ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM - "thủ phủ" kinh doanh vật liệu xây dựng, đặc biệt là ĐHC, đã có tới 4-5 chi nhánh của các công ty ĐHC Bình Định. Tại các chi nhánh này khi được hỏi về tình hình kinh doanh, chủ các DN đều có chung câu trả lời: "Buôn bán được, có khách thường xuyên".

Có thể nói, với những bước đi thích hợp, ĐHC Bình Định đã chen chân được vào thị trường TP HCM và dần vươn lên hàng đầu. Chị Nguyễn Thị Dạ Thảo, ở 18/21A/20/13 Trường Chinh, quận Tân Bình, TP HCM là khách hàng đang chọn mua ĐHC cho biết: "Tôi đã nghe nói đến ĐHC Bình Định, nhưng không nghĩ sản phẩm này có bán ở thành phố này. Khi đến tham quan sản phẩm mẫu, tôi thật sự bị chinh phục, đá rất đẹp, thành phẩm cũng đa dạng mẫu mã, giá cả lại hợp lý".

* Mở rộng thị trường

Điều đáng mừng là những khách hàng có suy nghĩ như chị Dạ Thảo ngày càng nhiều. Anh Trần Văn Hùng ở đường Ba Vì, phường 15, quận 10, cho biết: "Tôi biết đến ĐHC Bình Định khi người ta sử dụng nó trong trụ sở công ty tôi làm việc. Tôi không ngờ sản phẩm này của Bình Định và còn được biết các cơ sở ĐHC Bình Định có các mức thanh toán ưu đãi cho người sử dụng như gối đầu, quyền lợi khi mua hàng với số lượng lớn. ĐHC Bình Định lại có nhiều màu mà sản phẩm của những địa phương khác không có ví dụ: màu vàng tổ ong, vân xám nhạt, đặc biệt là màu đỏ. Đá đẹp, giá vừa phải, có nhiều phương thức thanh toán... là ưu điểm của các nhà cung cấp ĐHC Bình Định. Tôi chọn ĐHC Bình Định để sử dụng cho nhà mình vì những lý do như vậy".

Anh Trần Minh Hải, Giám đốc Chi nhánh ĐHC Bình Định Phú Minh Trọng tại TP HCM cho biết: "ĐHC Bình Định có nhiều ưu thế: mỏ đá có trữ lượng lớn, rất gần với công trường sản xuất, gần quốc lộ, dễ vận chuyển, thợ Bình Định có truyền thống kinh nghiệm lâu năm về chế biến đá, chi phí nhân công thấp... Nhờ đó, sản phẩm của Bình Định đa dạng, giá thành vừa phải. Ngược lại, sản phẩm của các địa phương khác ít đa dạng về chủng loại, mẫu mã ít, giá đắt hơn. Đây là một trong những nguyên do để ĐHC Bình Định có thể đứng vững trên thị trường TP HCM". Bên cạnh Phú Minh Trọng, Hoàn Cầu, Minh Hoàng... các tên tuổi như Công ty Đá Phú Tài, Công ty Đá ốp lát xây dựng Bình Định... cũng mau chóng chiếm được chỗ đứng trong trí nhớ của người tiêu dùng. Anh Trần Minh Hải cho chúng tôi biết thêm: "Chúng tôi đang cố gắng liên kết với các đại lý bán lẻ, đưa sản phẩm đến tận tay khách hàng, giảm trung gian để mở rộng thị trường bằng nhiều hình thức như giới thiệu mặt hàng tận nhà khách hàng, giao hàng tận nơi, đồng thời thanh toán theo kiểu gối đầu, ưu đãi đối với khách hàng mua nhiều. Cơ hội của ĐHC Bình Định phải nói là còn rất nhiều".

* Làm gì để trở thành một thương hiệu mạnh

Nhờ cách thức kinh doanh phù hợp, các công ty ĐHC Bình Định đã tìm được chỗ đứng ổn định tại thị trường lớn TP HCM, góp phần phát triển ngành sản xuất đá của Bình Định, tạo công việc làm cho người lao động. Bên cạnh các khách hàng ngoại quốc, mấy năm gần đây nhu cầu của thị trường nội địa đã lên cao và đáng được quan tâm đầu tư nhiều hơn.

Như đã nói ở trên, khi chinh phục thị trường TP Hồ Chí Minh, việc mở rộng ảnh hưởng sang các tỉnh lân cận sẽ trở nên khá đơn giản, thậm chí nhiều DN đã nghĩ đến những khách hàng ở Campuchia, Thái Lan... Nhiều chủ DN cho biết, chu kỳ phát triển đang lặp lại những quay vòng cũ với những đòi hỏi cao hơn- đó chính là khâu quảng bá sản phẩm, thương hiệu độc quyền. Tỉnh Bình Thuận đã đăng ký nhãn hiệu "Thanh Long Bình Thuận – Việt Nam”, Nghệ An thì o bế thương hiệu "Cam Vinh”, Hưng Yên tìm cách đăng ký thương hiệu "Nhãn Lồng Hưng Yên – Việt Nam”... Những ví dụ như vậy không ít. Trên thực tế ĐHC Bình Định đã trở thành một thương hiệu chung, có uy tín cao trên thị trường vật liệu xây dựng. Đã đến lúc tỉnh Bình Định nên nghĩ đến việc đăng ký thương hiệu độc quyền "Đá hoa cương Bình Định – Việt Nam” cả trong nước lẫn quốc tế để hỗ trợ DN mở rộng kinh doanh.

. Ngọc Nhi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nem Chợ Huyện – tiến tới xây dựng thương hiệu hàng hóa   (19/08/2003)
Doanh nghiệp trợ giúp các xã nghèo: Đừng để "đầu voi đuôi chuột"   (18/08/2003)
Nuôi cá nước ngọt ở các huyện trung du-miền núi: Một hướng đi phù hợp   (17/08/2003)
Kết quả bước đầu đưa bảo hiểm đến hộ nông dân   (15/08/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Ước vọng 95 triệu USD  (14/08/2003)
Nghề cá còn nhiều lực cản   (13/08/2003)
Một ngày với thị trấn vùng cao   (12/08/2003)
Xe lam ba bánh, bây giờ   (11/08/2003)
Quy Nhơn - Diện mạo nào trong tương lai?   (10/08/2003)
Hệ thống Bưu điện văn hóa xã: Góp phần thay đổi vùng cao   (08/08/2003)
Khởi động phong điện Phương Mai   (07/08/2003)
Du lịch Bình Định với vận hội mới   (06/08/2003)
Ách tắc trong xây dựng cơ bản - Hạn chế từ các chủ đầu tư   (05/08/2003)
Công nghiệp Quy Nhơn: Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững   (04/08/2003)
Hội nhập vào hệ thống cảng biển quốc tế   (03/08/2003)