Dứa - Cây trồng chủ lực mới
17:0', 21/8/ 2003 (GMT+7)

Vùng nguyên liệu dứa ở Phù Mỹ

Dứa là một trong những loại hàng nông sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu dùng dứa tươi và dứa chế biến đã có biểu đồ tăng trong những năm gần đây. Hiện Việt Nam đang là nước đứng ở vị trí thứ 7 trên toàn thế giới về diện tích trồng dứa, sản lượng hơn 260.000 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ dứa ở châu Âu và Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản... đang mở ra rất nhiều triển vọng. Kết quả khảo sát nghiên cứu thị trường của Bộ Thương mại cùng một số doanh nghiệp hàng đầu (trong đó có Tổng công ty rau quả Việt Nam và các thành viên) khẳng định: Một số khách hàng lớn của Mỹ đã có nhu cầu phía Việt Nam cung cấp khoảng 4.000 tấn sản phẩm dứa đông lạnh/năm và các loại nước dứa cô đặc, nước Lạc tiên cô đặc, nước Puree xoài... mỗi loại hàng trăm ngàn tấn/năm.

Với nhiều thị trường tiêu thụ hứa hẹn đầy ổn định là thế, cộng với tiềm năng đất đai còn rộng lớn nằm trên địa bàn 4 huyện phía Bắc tỉnh: Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân và An Lão chưa được khai thác triệt để và lực lượng lao động nông thôn dồi dào, Bình Định đã chọn cây ăn quả làm hướng đa dạng hóa giống cây trồng. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2010 sẽ phát triển diện tích cây ăn quả lên đến 10.000 ha, trong đó chủ yếu là cây dứa. Đi trước một bước nhằm làm yên tâm các hộ tham gia về đầu ra của sản phẩm thu hoạch sau này, vào giữa tháng 3 vừa qua, nhà máy chế biến dứa và rau quả xuất khẩu đã được khởi công xây dựng tại thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn). Nhà máy có công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư là 72 tỉ đồng với 3 dây chuyền sản xuất: chế biến đồ hộp rau quả: 3.000 tấn sản phẩm/năm; chế biến lạnh đông IQF: 2.000 tấn SP/năm; chế biến nước quả Puree cô đặc: 5.000 tấn SP/năm. Theo đó, vùng nguyên liệu dứa cũng đã được quy hoạch cụ thể có tổng diện tích là 3.360 ha nằm trên địa bàn 4 huyện vùng nguyên liệu.

Trong 2 năm 2001 và 2002, Lâm trường An Sơn (đơn vị chủ đầu tư) đã triển khai thực hiện trồng được 157 ha với các loại giống: dứa Cayen, dứa Cayen cấy mô và dứa Queen. Đây là những giống dứa mới cho năng suất cao đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nhà máy. Ngoài ra, Lâm trường còn triển khai đầu tư cho nhân dân của 4 huyện vùng nguyên liệu vay chồi giống dứa Queen và trồng thêm được 225 ha nữa. Như vậy, bước vào khởi công xây dựng, nhà máy đã có "lưng vốn" là 382 ha dứa! Tuy nhiên, con số này sẽ chẳng là gì nếu đúng như kế hoạch đề ra, đến hết tháng 6-2004 nhà máy sẽ được xây dựng hoàn tất giai đoạn 2 và được đưa vào sử dụng hết công suất. Do đó, đến hết năm 2003 này, LT An Sơn sẽ tiếp tục đẩy nhanh diện tích trồng dứa trong dân thêm hơn 700 ha nữa. Phục vụ cho công tác này, LT An Sơn đã xây dựng được vườn dứa giống cao sản có diện tích 135 ha, bước đầu đã cung ứng cho nhân dân được 10 triệu chồi dứa Queen. Để khuyến khích hộ tham gia trồng dứa nguyên liệu cho nhà máy, ngoài việc được vay chồi giống trả bằng sản phẩm khi có thu hoạch, người trồng dứa còn được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất và "hấp dẫn" nhất là tất cả sản phẩm sẽ được nhà máy bao tiêu với giá sàn là 600 đồng/kg. Ông Trần Ngoạn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Sản phẩm của nhà máy sẽ được mang thương hiệu của Tổng công ty rau quả Việt Nam và sẽ được Tổng công ty bao tiêu từ 5-10 năm. Ngay bước khởi đầu, vấn đề thị trường coi như là đã yên tâm tạo thế mạnh cho sản phẩm của nhà máy cạnh tranh tốt trên thị trường!".

Theo các cơ quan chuyên môn, với những giống dứa cao sản nói trên, nếu bà con nông dân trồng và chăm sóc đúng quy trình thì năng suất sẽ cho đạt từ 40-50 tấn/ha, mức thu nhập sẽ đạt từ 20-25 triệu đồng/ha. Tuy nhiên một vấn đề khác cũng đang rất cần các cấp ngành liên quan phải đặc biệt quan tâm là cần nhanh chóng chuyển giao đến người trồng dứa những tiến bộ KHKT về giống và kỹ thuật canh tác. Đây chính là yếu tố quyết định cho sự ổn định của vùng nguyên liệu và cũng chính là sự "sống còn" của nhà máy trong tương lai! Và chính cây dứa sẽ làm nên bước chuyển quan trọng về kinh tế nông nghiệp cho đại bộ phận nhân dân của 4 huyện phía bắc tỉnh, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, khi vùng nguyên liệu dứa đã phát triển ổn định sẽ giải quyết được việc làm cho từ 2.000 - 3.000 lao động mỗi năm. Và khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ thu hút thêm 200 lao động có nghề nghiệp khác vào làm việc. Ấy là chưa nói đến một lực lượng lớn lao động địa phương sẽ tham gia vào các hoạt động dịch vụ khác phục vụ cho nhà máy.

. Vũ Đình Thung

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đá hoa cương Bình Định ở thị trường TP HCM: Sự lựa chọn đầu tiên   (20/08/2003)
Nem Chợ Huyện – tiến tới xây dựng thương hiệu hàng hóa   (19/08/2003)
Doanh nghiệp trợ giúp các xã nghèo: Đừng để "đầu voi đuôi chuột"   (18/08/2003)
Nuôi cá nước ngọt ở các huyện trung du-miền núi: Một hướng đi phù hợp   (17/08/2003)
Kết quả bước đầu đưa bảo hiểm đến hộ nông dân   (15/08/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Ước vọng 95 triệu USD  (14/08/2003)
Nghề cá còn nhiều lực cản   (13/08/2003)
Một ngày với thị trấn vùng cao   (12/08/2003)
Xe lam ba bánh, bây giờ   (11/08/2003)
Quy Nhơn - Diện mạo nào trong tương lai?   (10/08/2003)
Hệ thống Bưu điện văn hóa xã: Góp phần thay đổi vùng cao   (08/08/2003)
Khởi động phong điện Phương Mai   (07/08/2003)
Du lịch Bình Định với vận hội mới   (06/08/2003)
Ách tắc trong xây dựng cơ bản - Hạn chế từ các chủ đầu tư   (05/08/2003)
Công nghiệp Quy Nhơn: Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững   (04/08/2003)