|
Hệ thống xử lý nước thải của DN Vạn Phát |
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ người dân phản đối DNTN thương mại Vạn Phát thuộc KCN Phú Tài xảy ra cách đây chưa lâu vì trong quá trình sản xuất, cơ sở này đã gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) . Đó chỉ là "giọt nước tràn ly" do tình trạng ÔNMT xảy ra tại KCN Phú Tài đã trở nên đáng báo động mà đến nay vẫn chưa khắc phục được.
* 1001 kiểu ô nhiễm môi trường
Trước tình hình ÔNMT xảy ra tại KCN Phú Tài ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, ngày 25-6-2003, UBND tỉnh Bình Định quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong KCN Phú Tài. Qua gần 2 tháng kiểm tra, đoàn đã phát hiện khá nhiều doanh nghiệp (DN) trong KCN Phú Tài vi phạm, với 1001 kiểu ÔNMT.
Trong số gần 60 DN, đoàn kiểm tra đã phân ra nhiều loại hình để tiến hành kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy ở mỗi loại hình đều có những vi phạm về ÔNMT với những dạng khác nhau. Đối với loại hình chế biến lâm sản, qua kiểm tra 23 DN, toàn bộ 100% cơ sở đều chưa có hệ thống xử lý khí thải nhiên liệu đốt từ các lò sấy là mùn cưa, gỗ, củi thừa… Đồng thời, kiểm tra 21/23 cơ sở có nước thải sản xuất (phát sinh từ các hoạt động luộc gỗ, phun dầu, xông hơi…), thì 100% cơ sở này đều chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Thậm chí không ít đơn vị còn thải nước thải trực tiếp ra môi trường. Về loại hình sản xuất cơ khí, nước thải từ công đoạn mạ có độ độc hại cao. Cụ thể là độ pH không ổn định và hàm lượng Fe, Zn vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn. Bên cạnh đó là tình trạng ÔNMT tiếng ồn do hoạt động của các máy móc, thiết bị đã có tuổi thọ cao và ít được bảo dưỡng.
Về loại hình sản xuất giấy và bao bì, ngoài Công ty TNHH Tân Bình do gây ra tình trạng ÔNMT quá nghiêm trọng nên UBND tỉnh phải ra quyết định tạm ngưng sản xuất để xây dựng, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải sản xuất; những cơ sở còn lại hầu hết đều vi phạm về công đoạn khuấy hồ, rửa bản in, rửa ống mực… Đối với loại hình sản xuất bia, cồn, cao su, gạch Ceramic, ngoài DNTN thương mại Vạn Phát bị tạm ngưng hoạt động, qua kiểm tra một số đơn vị, đoàn kiểm tra nhận thấy mức độ gây ÔNMT cũng khá nghiêm trọng. Công ty Bia Quy Nhơn, Nhà máy gạch Ceramic và Công ty Cao su Quy Nhơn đều để xảy ra tình trạng ÔNMT với nhiều dạng khác nhau như thải nước thải trực tiếp ra môi trường, chưa có hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ lò sấy, nung …
Điểm nóng về ÔNMT ở KCN Phú Tài phải kể tới loại hình khai thác, chế biến khoáng sản. Những vi phạm phổ biến nhất của các DN là hệ thống xử lý nước thải và tái tuần hoàn đều không đạt yêu cầu. Qua kiểm tra, hầu hết các DN chế biến đá tại KCN Phú Tài đều không xử lý chất thải bột đá đúng theo quy định. Các chất thải dạng này hầu như đều được các DN đổ, thải, chôn lấp bừa bãi tại chân núi Hòn Chà...
* Giải pháp nào để xử lý?
Vừa qua (19-8), Sở KH-CN&MT Bình Định đã công bố kết quả kiểm tra công tác BVMT ở KCN Phú Tài và kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm. Trong số gần 60 DN kiểm tra thì có 23 DN bị đề nghị xử lý, trong đó có một số DN bị kiến nghị tạm đình chỉ công đoạn để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, như: Công ty Cơ khí Lắp máy và Xây dựng số 5, Công ty Xây lắp điện 3-10, Nhà máy gạch Ceramic, Công ty Xây dựng và Sản xuất vật liệu 75… Một số DN bị kiến nghị tạm đình chỉ sản xuất cho đến khi hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, như: Công ty TNHH Thuận Đức, DNTN Ngọc Dũng. Đoàn kiểm tra cũng kiến nghị UBND tỉnh không gia hạn, không cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản và phải thực hiện khôi phục lại môi trường đối với một số DN: Công ty Phú Tài, Xí nghiệp mỏ Mideco Granite, Công ty Đá ốp lát và Xây dựng, Công ty TNHH Bình Minh. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng đề xuất mức tiền phạt đối với những DN vi phạm, mức phạt thấp nhất đối với DN là 400.000 đồng và cao nhất lên đến 3.500.000 đồng.
Những đề xuất, kiến nghị của đoàn kiểm tra là cần thiết. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đó cũng vẫn chỉ là "giải pháp tình thế" bởi thực tế là lâu nay ở KCN Phú Tài đã và đang tồn tại không ít "chuyện nhiêu khê" về công tác BVMT, trong đó nổi cộm nhất là việc cơ sở hạ tầng của KCN nói chung và các hạng mục hạ tầng phục vụ công tác BVMT nói riêng vẫn chưa được hoàn thiện. Mặc dù theo quy hoạch, việc thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp sẽ được đưa đến bãi rác Long Mỹ nhưng cho đến nay vẫn chưa được triển khai. Nhiều DN đã dựa vào "kẽ hở" này để coi như "lý do chính" để không thực hiện trách nhiệm của mình đối với công tác BVMT. "Lý do" khác mà một số DN dựa vào để không thực hiện công tác BVMT là do việc bàn giao mặt bằng công trình tiến hành chậm (?). Theo thống kê, hiện toàn bộ KCN vẫn còn 21 cơ sở không có hồ sơ thủ tục về BVMT và 18 cơ sở mặc dù đã có hồ sơ nhưng vẫn chưa thực hiện công tác giám sát môi trường và báo cáo tình hình môi trường theo định kỳ cho cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT. Nhưng đáng lo ngại là tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tự do khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực núi Hòn Chà, gây ra hiện tượng xói lở, sa bồi nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để (?).
Chúng tôi cho rằng đã đến lúc cần sớm tìm ra "liều thuốc đặc trị" hữu hiệu cho vấn đề ÔNMT ở KCN Phú Tài. Ngoài "giải pháp tình thế", cần phải có một chiến lược lâu dài. Đối với Ban Quản lý các KCN, ngay từ giai đoạn dự án sản xuất kinh doanh, Ban Quản lý cần tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT trong một số nội dung liên quan đến môi trường, như: thỏa thuận địa điểm, thẩm định thiết kế công trình xử lý ô nhiễm, đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm… Chỉ khi nào cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT xác nhận hệ thống xử lý môi trường của các đơn vị đạt yêu cầu thì mới được hoạt động, nhằm loại bỏ những bất cập giữa hoạt động sản xuất kinh doanh với công tác BVMT khi dự án chính thức đi vào hoạt động. Đồng thời, BQL các KCN cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở KCN Phú tài, như: hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước thải, xử lý nước thải và giải tỏa, bàn giao mặt bằng kịp thời cho DN để họ chủ động và an tâm trong việc đầu tư sản xuất. Và, điều quan trọng là cần phải xây dựng Quy chế BVMT ở KCN Phú Tài.
. Viết Hiền
|