Cụm TTCN Quang Trung (Quy Nhơn)
Các doanh nghiệp đang "dài cổ" chờ điện
17:26', 26/8/ 2003 (GMT+7)

Cho đến nay, hơn 8,6 ha của Cụm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Quang Trung (TP Quy Nhơn) đã san lấp xong và đã có 30 doanh nghiệp (DN) đăng ký vào hoạt động trong Cụm TTCN này. Trong đó có 10 DN đang tiến hành xây dựng nhà xưởng và lắp đặt thiết bị. Đáng lưu ý trong số đó, có 3 DN đã xây dựng xong nhà xưởng từ mấy tháng nay nhưng đang phải "nằm chơi xơi nước" vì không có... điện để sản xuất (SX).

* Nỗi khổ của các DN

Mặc dù đã xây dựng xong nhà xưởng từ khá lâu và từ ngày 30-4-2003, HTX 22-12 của Hội Cựu chiến binh TP Quy Nhơn đã chuyển toàn bộ máy móc vào nhà xưởng nhưng cho đến nay,   các máy móc của HTX 22-12 vẫn nằm im vì không có điện. Để chữa cháy, HTX đã đi xin câu nhờ điện của trạm điện Song Mây, nhưng đây là trạm điện phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân nên không đủ tải để SX. HTX có 2 dây chuyền SX chai nhựa, trong đó 1 dây chuyền có đủ điện để vận hành máy. Còn xưởng SX giấy carton thì phải đóng cửa 4 tháng nay. Ông Hoàng Văn Hoàn, Phó chủ nhiệm HTX bức xúc: "Cứ tình hình này thì HTX lỗ nặng vì phải chịu giá điện cao (1.400 đồng/kwh). Mỗi tháng xưởng SX carton của chúng tôi cho doanh thu 600 triệu đồng nhưng nay phải nằm chờ điện. Vậy là hơn 40 công nhân của xưởng phải nằm nhà chờ việc. Đó là chưa kể việc HTX đã không đáp ứng sản phẩm đã ký với các bạn hàng."

Cùng nỗi khổ là DN Tứ Cường chuyên SX mặt hàng điện tử. Nhà xưởng của DN này xây dựng xong 2 tháng nay nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động được cũng bởi không có điện. Để có hàng giao cho các đối tác và giữ chân đội ngũ công nhân, DN cũng phải tạm thời xin dẫn điện từ trạm Song Mây về để duy trì SX, mỗi ngày chỉ giải quyết được 20 đến 25 công nhân có việc làm, số còn lại phải nằm ở nhà chờ... Ông Lê Quang Cường, Đốc công của DN than thở: "DN bị lỗ là chắc rồi, nhưng cái đáng lo hơn số công nhân không có việc làm sẽ bỏ đi tìm việc nơi khác đến khi DN đi vào SX thì tìm công nhân không ra, nếu tuyển công nhân mới phải mất thời gian cho họ quen việc."

Còn DN Vân Quang chuyên SX dụng cụ y tế thì "cửa đóng then cài" dù nhà xưởng của DN này đã xây dựng xong từ tháng 5-2003. Khi chúng tôi đến, chỉ duy nhất một anh bảo vệ trông coi DN. Hỏi ra mới biết do không câu điện nhờ được ở đâu nên DN phải đóng cửa nằm chờ.

Chứng kiến "hoàn cảnh" của các DN đã hoàn thành nhà xưởng từ lâu nhưng chưa có điện SX, số DN còn lại đã tự "khắc phục" bằng cách trì hoãn hoặc làm chậm tiến độ xây dựng nhà xưởng để chờ điện, vì họ sợ xây xong sẽ phải dài cổ chờ điện như các DN trên.

* Vướng mắc do đâu?

Đề án xây dựng Cụm TTCN Quang Trung đã được UBND tỉnh phê duyệt, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 san lấp hơn 2,3 ha và di dời 57 hộ dân, giai đoạn 2 san lấp hơn 4,7 ha - di dời 30 hộ dân, giai đoạn 3 san lấp thêm 1,6 ha - di dời 35 hộ dân. Các mặt công tác khác đều được suôn sẻ nhưng lại gặp sự cố nhỏ do 7 hộ dân trong giai đoạn 2 không chịu di dời. Từ đó đã gây trở ngại, không thể đưa điện vào Cụm TTCN.

Trước khi các DN về xây dựng nhà xưởng, họ cũng đã làm đơn xin kéo đường dây điện vào Cụm TTCN và được Điện lực Bình Định cho kéo một đường dây điện từ khá lâu, nhưng đến nay vẫn không đóng điện được. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó giám đốc Ban dự án đầu tư và xây dựng của TP Quy Nhơn cho biết: "Việc chậm trễ đóng điện cho các DN đi vào ổn định SX là do việc giải phóng mặt bằng chậm, nguyên nhân 7 hộ dân trong Cụm TTCN không đồng ý với mức đền bù đã qui định. Mãi tới gần đây, 7 hộ dân trên đã nhận tiền đền bù và nhận đất tái định cư để trả lại mặt bằng." Ông Hoàng cũng cho biết thêm: Khi 7 hộ dân di dời, Ban dự án đầu tư và xây dựng sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, kịp đóng điện cho các DN đi vào SX trong thời gian sớm nhất.

Đó cũng là mong ước của các DN đã đăng ký hoạt động trong Cụm TTCN Quang Trung. Chúng tôi cho rằng, các cơ quan chức năng của TP Quy Nhơn nên giải quyết nhanh tình trạng nêu trên, khẩn trương đưa điện vào Cụm TTCN Quang Trung để các DN kịp thời đi vào SX. Nếu cứ kéo dài tình trạng chờ điện, các DN sẽ nản lòng và hiệu quả của Cụm TTCN Quang Trung chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

. Nguyễn Phúc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định: thị trường nhiều tiềm năng   (25/08/2003)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài - SOS!   (24/08/2003)
Doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa: Năng động và hiệu quả hơn   (22/08/2003)
Dứa - Cây trồng chủ lực mới   (21/08/2003)
Đá hoa cương Bình Định ở thị trường TP HCM: Sự lựa chọn đầu tiên   (20/08/2003)
Nem Chợ Huyện – tiến tới xây dựng thương hiệu hàng hóa   (19/08/2003)
Doanh nghiệp trợ giúp các xã nghèo: Đừng để "đầu voi đuôi chuột"   (18/08/2003)
Nuôi cá nước ngọt ở các huyện trung du-miền núi: Một hướng đi phù hợp   (17/08/2003)
Kết quả bước đầu đưa bảo hiểm đến hộ nông dân   (15/08/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Ước vọng 95 triệu USD  (14/08/2003)
Nghề cá còn nhiều lực cản   (13/08/2003)
Một ngày với thị trấn vùng cao   (12/08/2003)
Xe lam ba bánh, bây giờ   (11/08/2003)
Quy Nhơn - Diện mạo nào trong tương lai?   (10/08/2003)
Hệ thống Bưu điện văn hóa xã: Góp phần thay đổi vùng cao   (08/08/2003)