|
Thu mua trái dừa ở Tam Quan (Hoài Nhơn) - ảnh: Tiến Sỹ |
Đứng thứ 2 trong cả nước sau Bến Tre, Bình Định có diện tích dừa khá lớn với trên 2 triệu cây, chiếm khoảng 13.000 ha. Trong những năm gần đây, giá dừa trên thị trường rớt thảm, nông dân không muốn đầu tư chăm sóc nên cây dừa đã bị bỏ mặc cho thời gian.
Tháng 8-2000, bọ dừa đã xuất hiện và gây hại ở một số vườn dừa tại Quy Nhơn sau đó lây lan ra các huyện khác. Đến năm 2002, toàn tỉnh có khoảng 300.000 cây dừa bị bọ cánh cứng gây hại, trong đó có khoảng 200.000 cây dừa bị ảnh hưởng rõ rệt tới năng suất. Năm 2003, bọ dừa tiếp tục phát sinh và gây hại trên diện rộng, toàn tỉnh có đến 400.000 cây dừa bị bọ cánh cứng gây hại.
Năm 2002, sau khi có chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo diệt trừ bọ cánh cứng hại dừa, đã có 10/11 huyện, thành phố và 66 xã thành lập ban chỉ đạo, đồng thời tổ chức tháng đồng loạt ra quân phòng trừ bọ cánh cứng. Bên cạnh sự hỗ trợ 1000 đồng/cây dừa của UBND tỉnh, các địa phương đã hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho công tác diệt trừ bọ cánh cứng. Phong trào diệt trừ bọ cánh cứng phát triển đồng đều ở các địa phương trong tỉnh, nên chỉ trong tháng tổ chức đồng loạt ra quân, nông dân trong tỉnh đã phòng trừ được gần 300.000 cây dừa bị bọ cánh cứng gây hại. Tại Hội nghị tổng kết tháng ra quân phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa năm 2002 các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tổ chức tại Bình Định hồi đầu năm nay, Bình Định được Bộ NN-PTNT đánh giá cao về công tác phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa.
Những tưởng năm nay, công tác phòng trừ bọ cánh cứng sẽ gặp nhiều thuận lợi, hiệu quả cao hơn năm trước, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Đến nay, sau gần 4 tháng tổ chức đồng loạt ra quân phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa, mới chỉ có 7/11 huyện, thành phố triển khai phòng trừ được gần 300.000/400.000 cây đang bị bọ cánh cứng gây hại (chưa kể số cây dừa bị tái nhiễm bệnh trở lại).
Nguyên nhân nào lại dẫn đến việc phòng trừ bọ cánh cứng "đầu voi đuôi chuột"? Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh giải thích: "Do giá dừa quả trên thị trường trong những năm qua rớt thảm, nông dân không muốn đầu tư chăm sóc cho cây dừa. Đã thế một số địa phương đã không làm tốt công tác chỉ đạo phòng trừ bọ cánh cứng, dẫn đến có huyện triển khai huyện thì không, đã ảnh hưởng đến tháng tổ chức ra quân diệt trừ bọ dừa của cả tỉnh".
Hoài Nhơn là huyện có số lượng dừa lớn nhất tỉnh, và cũng là nơi tổ chức tốt tháng ra quân phòng trừ bọ cánh cứng, nhưng năm nay phong trào đã chững lại. Ông Trần Văn Trường, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hoài Nhơn cho biết: "Năm 2002, toàn huyện đã phòng trừ được 141.000/195.000 cây bị bọ cánh cứng gây hại. Năm nay, bọ dừa tiếp tục phát sinh và gây hại nặng trên diện rộng. Toàn huyện hiện có 225.000 cây bị bọ cánh cứng gây hại, nặng nhất là các xã Hoài Hảo 40.000 cây, Hoài Đức 29.000 cây, Tam Quan Bắc 20.000 cây, Tam Quan 20.000 cây… Huyện đã tổ chức tháng đồng loạt ra quân phòng trừ bọ cánh cứng từ tháng 4 nhưng đến nay, nông dân mới chỉ phòng trừ được trên 79.000 cây". Khi được hỏi vì sao công tác phòng trừ bọ cánh cứng ở địa phương đạt thấp? Ông Trường bức xúc nói: "Trạm đã làm hết khả năng của mình, nào là củng cố ban chỉ đạo, tổ chức tập huấn, vận động nông dân phòng trừ bọ cánh cứng nhưng do các địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác này. Nhiều hộ gia đình có điều kiện kinh tế nhưng xem nhẹ giá trị của cây dừa, hộ nghèo thì không có tiền để phòng trừ, nên hiệu quả của việc phòng trừ của huyện đạt rất thấp. Ngay như ở Hoài Đức là địa phương được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh chọn làm điểm diệt trừ bọ cánh cứng nhưng đến nay nông dân trong xã mới chỉ phòng trừ được 8.850/29.000 cây bị bọ cánh cứng gây hại".
Không riêng gì Hoài Nhơn, các địa phương khác như: An Nhơn, Quy Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh cũng chưa coi trọng công tác phong trào diệt trừ bọ cánh cứng hại dừa nên hiệu quả đạt rất thấp. Phần lớn các địa phương đều cho rằng, dừa là cây trồng cảnh quan, không mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, nên việc vận động nông dân phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa là rất khó.
Dừa là cây trồng mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, bên cạnh thu nhập trực tiếp từ quả dừa, những sản phẩm khác của dừa còn phục vụ cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn nông dân trong lúc nông nhàn. Đồng thời, dừa còn góp phần phủ xanh những dải cát ven biển, tạo cảnh quan môi trường, rừng phòng hộ chắn gió… chính vì thế mà có lúc giá dừa trái rớt thảm, hiệu quả kinh tế đem lại không được mấy, nhưng nông dân không nỡ phá bỏ cây dừa để trồng cây trồng khác. Tuy nhiên với tình hình giá dừa và việc phòng trừ bọ cánh cứng "đầu voi đuôi chuột" như hiện nay thì không biết đến bao giờ, cây dừa Bình Định mới trở thành "cây trồng quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh" như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
. Phạm Tiến Sỹ |