Thực hiện Chương trình 135: Còn nhiều hạn chế
15:50', 29/8/ 2003 (GMT+7)

Chương trình 135 (CT135) đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này ở Bình Định vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế điểm cần phải khắc phục.

* Kết quả bước đầu

Bình Định có 45 xã miền núi, vùng cao trong đó có 28 xã ĐBKK được Nhà nước đầu tư 5 dự án thuộc CT135 bao gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng trung tâm cụm xã; đào tạo cán bộ; ổn định, phát triển nông lâm nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch bố trí lại dân cư các xã ĐBKK.

Để việc thực hiện CT135 đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở, ngành liên quan như: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính - Vật giá, Ban Dân tộc - Miền núi... phối hợp tổ chức triển khai thực hiện, giám sát kiểm tra. Đối với các huyện, xã được đầu tư CT135 thì thành lập Ban quản lý dự án, Ban giám sát thực hiện chương trình.

Có thể nói, CT135 có sự tham gia của rất nhiều sở, ban, ngành trong tỉnh, khâu tổ chức thực hiện được quán triệt từ tỉnh xuống cơ sở. Mục đích của các chương trình đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc ở các xã ĐBKK nên được ủng hộ nhiệt tình. Nhờ đó, nhiều dự án được các địa phương triển khai xây dựng nhanh và có hiệu quả. Đến cuối tháng 7-2003, toàn tỉnh đã xây dựng xong 29/74 công trình đường giao thông, điện, trường, trạm, thủy lợi…; 29 công trình khác đang triển khai thi công và 16 công trình đang lập và trình duyệt báo cáo đầu tư, thiết kế dự toán. Cùng thời gian, các Ban quản lý CT135 ở các địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai xây dựng 13 trung tâm cụm xã.

Đối với Dự án bố trí lại dân cư do Bộ NN-PTNT chủ trì, UBND tỉnh linh động lấy kinh phí từ nguồn định canh định cư để lập các dự án bố trí lại dân cư ở các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hòa, Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), xã Ân Sơn, làng Kon Trú, xã Bok Tới (Hoài Ân) để từng bước ổn định dân cư tại các xã ĐBKK này.

Ông Lê Văn Tô, Phó trưởng Ban Dân tộc - Miền núi tỉnh nhận định: "Các công trình dự án đều được đầu tư đúng đối tượng và mục tiêu nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc vùng miền núi, vùng cao phát triển kinh tế xã hội. Tỷ lệ đói nghèo ở các xã ĐBKK giảm 4%/năm. Đến cuối năm 2002 không còn hộ đói, số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ bình quân 24,38%. Hầu hết các cụm dân cư khó khăn về nước sinh hoạt đã được đầu tư hệ thống cấp nước với khoảng 75% số hộ có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Toàn bộ số trường học đã được ngói hóa, thu hút 90% trẻ em trong độ tuổi đến trường, 100% số xã có trạm y tế, có điện, đường giao thông. Cơ cấu kinh tế ở các xã ĐBKK đã bắt đầu hình thành và có sự chuyển dịch theo hướng lâm, nông kết hợp, nhiều vùng đã đi vào sản xuất hàng hóa."

* Còn nhiều hạn chế

CT135 đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các ĐBKK, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc ở các vùng miền núi, vùng cao phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc thực hiện CT135 ở Bình Định trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

CT135 được triển khai từ năm 1999 nhưng đến nay hiệu quả của các dự án đều chưa tương xứng với nguồn vốn do Nhà nước đầu tư. Hầu hết các dự án mới chỉ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng tiến độ thực hiện lại đạt thấp từ 45-50% khối lượng công việc. Dự án ổn định và phát triển nông, lâm nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm và dự án đào tạo cán bộ cơ sở là một trong nhiệm vụ then chốt trong việc thực hiện chương trình, nhưng 2 dự án này chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, việc phân cấp quản lý đầu tư đa số vẫn còn là cấp huyện làm chủ đầu tư, chưa dám mạnh dạn phân cấp cho các xã, số xã làm chủ đầu tư không những không tăng mà còn giảm theo thời gian. Nếu như năm 2001 có 8/28 xã làm chủ đầu tư các công trình thuộc CT135 thì đến nay chỉ xuống 4/28 xã.

Việc thực hiện các phương châm, mục tiêu của Chính phủ quy định trong các dự án chương trình như: "dân chủ công khai"; "dân biết dân làm dân kiểm tra"; "xã có công trình dân có việc làm" cũng còn nhiều khiếm khuyết. Đối với việc việc nghiệm thu bàn giao và quản lý sử dụng và bảo dưỡng các công trình, các Ban quản lý dự án chưa hướng dẫn cách thức sử dụng, quy trình vận hành, quản lý, bảo trì để địa phương và nông dân quản lý sử dụng. Vì thế, một số công trình đầu mối về thủy lợi, hệ thống cửa của các công trình dân dụng, hệ thống máy bơm nước sạch không được nông dân bảo vệ. Một số công trình chợ, trạm khuyến nông, lâm, nhà văn hóa ở các trung tâm cụm xã ĐBKK làm xong không được bố trí sử dụng gây lãng phí…

Có thể nói việc đầu tư xây dựng, ổn định và phát triển kinh tế xã hội cho các xã ĐBKK thông qua các chương trình dự án 135 là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên để thực hiện một cách có hiệu quả chương trình này, UBND tỉnh cần tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu. Có như vậy, CT135 mới thực sự đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra.

. Phạm Tiến Sỹ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chuyển động mới ở Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn   (28/08/2003)
Phòng trừ bọ hại dừa: Đừng để đầu voi đuôi chuột  (27/08/2003)
Các doanh nghiệp đang "dài cổ" chờ điện   (26/08/2003)
Bình Định: thị trường nhiều tiềm năng   (25/08/2003)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài - SOS!   (24/08/2003)
Doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa: Năng động và hiệu quả hơn   (22/08/2003)
Dứa - Cây trồng chủ lực mới   (21/08/2003)
Đá hoa cương Bình Định ở thị trường TP HCM: Sự lựa chọn đầu tiên   (20/08/2003)
Nem Chợ Huyện – tiến tới xây dựng thương hiệu hàng hóa   (19/08/2003)
Doanh nghiệp trợ giúp các xã nghèo: Đừng để "đầu voi đuôi chuột"   (18/08/2003)
Nuôi cá nước ngọt ở các huyện trung du-miền núi: Một hướng đi phù hợp   (17/08/2003)
Kết quả bước đầu đưa bảo hiểm đến hộ nông dân   (15/08/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Ước vọng 95 triệu USD  (14/08/2003)
Nghề cá còn nhiều lực cản   (13/08/2003)
Một ngày với thị trấn vùng cao   (12/08/2003)