Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"
11:18', 5/9/ 2003 (GMT+7)

Trong khuôn khổ chương trình Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC)- 2003 lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Định, UBND tỉnh đã tổ chức một cuộc gặp mặt các doanh nghiệp (DN) HVNCLC. Cuộc gặp mặt đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn. Các nhà DN đã đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có những câu hỏi hay, bất ngờ. Ngược lại, hầu hết những câu hỏi của các nhà DN đều được Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà trả lời, giải đáp một cách rành mạch, cụ thể, thỏa đáng. Đây thực sự là "cuộc gặp gỡ chất lượng cao". Chúng tôi xin trích giới thiệu câu hỏi của một số  DN và trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà.

- Tôi là Phạm Thị Việt Nga, Giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp Dược Hậu Giang. Tôi xin được hỏi ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định một số vấn đề sau: Khi mà gặp một DN là đối tác đối với Công ty Dược Trang thiết bị Y tế (DTTBYT) Bình Định thì đối tác đó có dược ưu đãi hay không? Ví dụ Xí nghiệp Liên hiệp Dược Hậu Giang hay TP.HCM thì chắc chắn phải "đụng" Công ty DTTBYT Bình Định (?). Và như vậy sẽ nảy sinh sự cạnh tranh, thậm chí có thể nói là cạnh tranh khốc liệt(?). Vậy UBND tỉnh Bình Định có chấp nhận sự cạnh tranh giữa các DN bên ngoài với Công ty DTTBYT của Bình Định, nhất là Công ty Dược Hậu Giang của chúng tôi lại là một trong những Công ty Dược hàng đầu của Việt Nam (?). Liệu tỉnh Bình Định có sợ nảy sinh tình trạng "cá lớn nuốt cá bé"? Bởi vì, xin thưa với ông Chủ tịch tỉnh là đầu tiên, cách đây khoảng 10 năm chúng tôi có mở 1 chi nhánh và 1 cửa hàng nhỏ tại Bình Định để bán thuốc cho các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi… Doanh số của chúng tôi đã lên đến 1 tỉ đồng 1 tháng. Thế nhưng, do một số trục trặc về thủ tục, giấy tờ, một số quy định ở đây nên chúng tôi đành phải rút khỏi Bình Định để vào Phú Yên bán và chở về Quảng Ngãi bán, chứ không thể bán được ở đây. Hiện thì tại Bình Định chúng tôi không còn người để bán hàng nữa. Nghĩa là tự mình phải "cuốn gói" khỏi đất Bình Định. Bên cạnh đó, có một điều đáng buồn là trong thời gian 10 năm làm ở Bình Định chúng tôi chỉ tổ chức được 2 lần Ngày Hội khách hàng thôi; còn lại tất cả những lần xin tổ chức Ngày Hội khách hàng ở đây chúng tôi đều không được phép (?). Vì thế, những Ngày Hội khách hàng chúng tôi đành phải mướn xe chở khách hàng từ Bình Định vô Phú Yên, rồi lại chở ra trả. Cho nên, với những chính sách mới của Bình Định thì liệu UBND tỉnh có thể trả lời cho chúng tôi biết: Những DN vào Bình Định mà tạo công ăn việc làm cho người dân thì chắc là được tạo đièu kiện thuận lợi (?), nhưng còn những DN thương mại, nhất là những DN mạnh, có tính cách cạnh tranh thì bản thân UBND tỉnh có "bảo hộ" đứa con của mình tại tỉnh nhà hay không?

+ Cách đây khoảng 4-5 năm khi tôi còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thì tôi có biết chuyện của Xí nghiệp Dược Hậu Giang tại Bình Định. Để thay câu trả lời chị cũng như các DN tôi đã phải "năn nỉ muốn chết" để Bình Định được tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC). Qua đó để chúng tôi mời các DN HVNCLC trong cả nước về Bình Định. Hiện nay, nếu mà trong lãnh đạo tỉnh Bình Định còn có những suy nghĩ như cách đây 3-4 năm thì chắc là Hội chợ này không được tổ chức. Và, tôi cũng không việc gì phải đi năn nỉ chị Hạnh để nhờ chị giúp đỡ trong việc tổ chức Hội chợ ở đây. Tôi nói như thế cũng có nghĩa là chấp nhận ý kiến của chị Nga. Về việc "bảo hộ" cho DN trong tỉnh thì đúng là hiện nay lãnh đạo tỉnh Bình Định có suy nghĩ. Nhưng, vấn đề là bảo hộ bằng cách nào, chứ không phải bằng chỉ đạo con đường hành chính. Mà phải bằng con đường cạnh tranh với nhau, cạnh tranh với bất kỳ công ty, DN nào có chất lượng và người tiêu dùng (NTD) xác thực thì được. Riêng về vấn đề "bảo hộ" cho DN trong tỉnh thì đòi hỏi lãnh đạo tỉnh phải suy nghĩ ra cách làm như thế nào. Tôi xin ví dụ về nhà máy xi-măng của Bình Định. Trước đây, tỉnh Bình Định có yêu cầu là tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh chỉ được xây dựng bằng xi-măng của Nhà máy xi-măng Bình Định. Nếu như công trình xây dựng bằng xi-măng khác thì sẽ không được thanh toán, nếu là vốn của Nhà nước. Bây giờ, nếu như chỉ đạo làm ăn theo kiểu đó thì "chết" rồi. Làm ăn kiểu như thế thì sẽ không ai đến với Bình Định. Bây giờ chúng tôi lại nghĩ ra cách làm khác. Đó là, thôn nào, làng nào, xã nào mà thực hiện làm chương trình bê tông giao thông nông thôn, cứ làm 1 km đường thì chúng tôi sẽ chở xuống thưởng 120 tấn xi-măng. Số còn lại thì bà con nhân dân tự quyên góp, bỏ tiền ra để làm đường giao thông nông thôn. Với cách làm này, hiện nay tỉnh Bình Định chúng tôi đã làm được trên 900 km đường giao thông nông thôn. Đây cũng chính là một cách "bảo hộ" DN trong tỉnh. Tuy nhiên, việc "bảo hộ" này không làm ảnh hưởng đến việc cạnh tranh của các DN, nhà máy sản xuất xi-măng khác. Chúng tôi thực hiện việc "bảo hộ xi-măng" với 2 mục đích: kích thích Nhà máy xi-măng của tỉnh tiếp tục sản xuất, đảm bảo "đầu ra" và "moi" được tiền của nông dân để làm bê tông giao thông nông thôn, Nhà nước đỡ phải "mất công". Chúng tôi "bảo hộ" cho DN của tỉnh là "bảo hộ" như thế, chứ không phải là "bảo hộ" theo kiểu cách đây 3-4 năm, có DN nào ngoài tỉnh vào làm ăn ở Bình Định thì thuế cũng tới gây khó khăn, các ngành cũng tới gây khó khăn, không cho mở Hôi nghị để tiếp thị; rồi thì hàng hóa của chị ra đây bán, sợ Công ty Dược TTBYT Bình Định không bán được hàng nên "ngăn sông, cấm chợ". Rồi thì đem Thuế xuống ngăn cản… Hồi trước chứ bây giờ chỉ đạo, điều hành kinh tế mà điều hành kiểu đó thì ai mà thèm tới (?). Thấy còn không muốn bắt tay chứ nói gì chuyện tới (?). Giờ thì khác rồi. Tôi bảo đảm với chị, bây giờ chị trở về Quy Nhơn đi, Bình Định sẵn sàng chào đón. Kể cả các DN khác cũng vậy.

- Thưa ông Chủ tịch tỉnh Bình Định! Tôi là Thái Hùng, Giám đốc Công ty May xuất khẩu ở Cần Thơ. Tôi xin được hỏi một số vấn đề về lưu thông hàng hóa trong lĩnh vực nội thương, cụ thể là một số thông tin về thông thương hàng hóa giữa Bình Định và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên? Tôi muốn biết ở Bình Định, hay ở TP. Quy Nhơn này, hiện nay thương nghiệp quốc doanh có còn hay là mất? Ở Quy Nhơn có bao nhiêu DN tư  nhân, bao nhiêu công ty tổ chức mua, bán hàng hóa đi Tây Nguyên, hoặc lưu hành sang các tỉnh lân cận? Con đường thông thương, mua bán mà Bình Định chuyển lên KonTum và qua Lào, Campuchia có phải là con đường nằm ở Sa Thầy - ngã ba biên giới hay không? Nếu có như vậy thì mục đích, dự kiến của Bình Định  sẽ tham gia như thế nào để có thể đưa hàng vào thị trường này?

+ Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 795 DN, trong đó DN Nhà nước chiếm khoảng 3/4, DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có 11, còn lại là DN ngoài Nhà nước. Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2005 là cơ bản cổ phần hóa, chỉ còn lại khoảng 5-6 DN mang tính đặc thù, như: Xí nghiệp Yến sào, Công ty Xổ số Kiến thiết…  Về vấn đề có bao nhiêu DN đưa hàng hóa lên Tây Nguyên thì không thể xác định được. Có thể nói, hầu hết các DN ngoài quốc doanh, cứ nơi nào cần thì họ tới. Đó là chưa nói tới tư thương. Mà, đã là chuyện mua bán thì làm gì có chuyện họ đăng ký để mà nắm số lượng là bao nhiêu (?). Nhà nước không can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh, sản xuất của DN. Vấn đề mua bán ở Sa Thầy, Trung ương chỉ ưu tiên cho Kon Tum. Tuy vậy, cùng với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên… chúng tôi  đã có những cuộc họp và đã thống nhất rằng: Các tỉnh nằm trong khu vực hành lang Đông - Tây sẽ liên kết với nhau thực hiện những vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH. Chẳng hạn, khi mà thị trường Lào, Campuchia phát triển những gì thì các tỉnh của Việt Nam trong khu vực hành lang Đông - Tây sẽ phát triển cái gì. Và, vấn đề cực kỳ quan trọng là khi quốc lộ 18 hoàn thành thì tuyến đường số 19 có vai trò không nhỏ. Khi đó, chắc chắn là hàng hóa từ cửa khẩu ba nước nếu xuống thì người ta sẽ xuống cảng Quy Nhơn. Có nhà DN đã tính thế này: Nếu như hàng từ Thái Lan xuất đi Hàn Quốc, nếu đi vòng qua Cà Mau rồi đi lên, thì so với việc đi qua Campuchia rồi đi theo đường 19 xuống Cảng Quy Nhơn thì trung bình cứ 1 tấn hàng sẽ giảm được 10 USD.

- Tôi tên là Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc Công ty Chế biến hải sản và Xuất khẩu TP.Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên được tham dự Hội chợ HVNCLC tổ chức ở Quy Nhơn. Tôi là một DN trung thành với các Hội chợ do Sài Gòn Tiếp thị tổ chức. Đây là lần đầu tiên tôi đến Bình Định. Qua báo cáo, trình bày của ông Chủ tịch tỉnh, tôi thấy Bình Định cũng có những tiềm năng khá dồi dào. Là một đơn vị sản xuất hàng thực phẩm, nhất là hải sản ở TP.HCM. Ra Bình Định, bên cạnh việc quảng bá thương hiệu cũng như hàng hải sản của Công ty, tôi muốn quan tâm, tìm hiểu về con tôm sạch. Công ty chúng tôi có vốn thị phần  châu Âu. Khách hàng châu Âu đang muốn có con tôm sạch (tức là tôm sinh thái) và con tôm nuôi trên cát. Chúng tôi mong muốn tỉnh giới thiệu những cá nhân, đơn vị để có thể liên hệ, tìm hiểu về tiềm năng thủy sản, về con tôm sạch… để chúng tôi có thể quan hệ, hợp tác, đầu tư?

+ Nếu chị Thoa muốn gặp những người trực tiếp sản xuất mặt hàng hải sản, nhất là tôm thì đề nghị chị gặp trực tiếp họ. Nếu chị cần nghe không thôi thì đề nghị chị gặp Giám đốc Sở Thủy sản. Ngay tại gian hàng của khu vực tỉnh Bình Định trưng bày tại Hội chợ, chị cũng có thể gặp những cán bộ, nhân viên của ngành Thủy sản để được giới thiệu. Tuy nhiên, tôi cũng xin được nói rõ thế này: Nếu chị gặp để đặt vấn đề mua tôm sạch, tôm sinh thái thì chắc là khó khăn, không được. Bởi vì, ở đây các đơn vị chế biến thủy hải sản còn không có đủ để mua lấy đâu chị mua (?). Nếu chị muốn có năm ba trăm hecta để nuôi tôm trên cát thì tôi xin trả lời ngay là: được! Hoặc nếu không nuôi tôm trên cát mà chị muốn khoảng vài trăm hecta ruộng lúa bị nhiễm mặn để chuyển qua nuôi tôm thì tôi "ký cái rẹt". Còn, nếu chị muốn mua sạch, tôm sinh thái thì chị phải nâng giá lên thì mới có thể mua được. Bởi vì, ở đây người ta nuôi, người ta sản xuất tại đây; còn chị thì sản xuất trong Nam. Và, nếu như chị đầu tư nhà máy sản xuất tại Bình Định thì tôi OK liền. Cũng xin nói luôn, nếu chị đầu tư xây dựng nhà máy tại Bình Định thì chị sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Ví dụ, nếu chị xây dựng nhà máy tại Bình Định, về mặt bằng sẽ được tỉnh lo; được ưu đãi về thuế thu nhập DN; ngoài ra còn được hỗ trợ từ 3 đến 12 năm… Ngoài ra, DN còn được tỉnh lo các khâu như cơ sở hạ tầng, điện, nước, bờ bao…

- Tôi tên là Bùi Đình Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nhơn Hòa. Công ty chúng tôi chuyên sản xuất loại cân đồng hồ lò so. Từ một DN ban đầu chỉ sản xuất khoảng 100 chiếc cân, đến nay Công ty chúng tôi đã sản xuất được 8000 chiếc. Hiện nay năng suất của Công ty chúng tôi là trên 1 triệu chiêc cân  lò so/năm. Thị trường nội địa chính là nơi đã giúp chúng tôi phát triển. Về xuất khẩu chúng tôi chỉ chiếm khoảng 10 đến 15%. Một trong những thị trường rộng đã nuôi sống chúng tôi là Bình Định. Hôm nay, chúng tôi đến đây bên cạnh việc tham quan tiềm năng của Bình Định, chúng tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các vị lãnh đạo tỉnh, cảm ơn người tiêu dùng thời gian qua đã tín nhiệm cân đồng hồ lò so Nhơn Hòa. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại thị trường Bình Định, ngoài sản phẩm lò so Nhơn Hòa không có bất cứ loại cân nào cùng chủng loại. Điều đó làm chúng tôi hết sức sung sướng và hạnh phúc. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi xin có một vài ý kiến sau. Là nhà sản xuất chúng tôi luôn phấn đấu đảm bảo đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL). Chúng tôi đã được NTD bình chọn danh hiệu HVNCLC. Thế nhưng, gần đây xuất hiện hiện tượng một số NTD sử dụng cân đồng hồ Nhơn Hòa đã cố tình làm sai số đo lường, sai số đo lường của nhà sản xuất, cũng như sai số mà Nhà nước đã quy định. Bởi vậy, chúng tôi xin đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh có hướng như thế nào đó để kiểm tra, xử lý để NTD không bị thiệt hại, vì vấn đề này vượt quá khả năng của nhà sản xuất. Nếu UBND tỉnh yêu cầu chúng tôi cung cấp một số cân đồng hồ, đặt ở vị trí nào đó (có thể là ở chợ) để đối chứng thì chúng tôi sẵn sàng.

+ Ngay trong ngày khai mạc Hội chợ HVNCLC tôi có nói với chị Hạnh rằng: "Cân Nhơn Hòa xinh quá! Hôm nay có lẽ tôi sẽ đi mua 1 cái". Tôi được biết là cân Nhơn Hòa có mặt tại thị trường Bình Định khá nhiều. Vấn đề ông phản ánh thì như các cụ đã nói là "gian thương". Đã "thương" thì phải "gian". Đối tượng "vặn cân, bẻ nắp" mà ông nói chính là hạng gian thương. Chúng tôi rất đồng tình ý kiến của ông. Về trách nhiệm của tỉnh chúng tôi sẽ chỉ đạo ngành Khoa học - Công nghệ tỉnh tiến hành kiểm tra. Tất nhiên là không thể thường xuyên được. Nhân đây, cũng xin nói là tỉnh đồng ý việc Công ty của ông có thể tài trợ cân Nhơn Hòa để có thể để tại một số chợ. Việc này không chỉ nhằm để cơ quan, đơn vị Chi cục TCĐLCL kiểm tra, mà ngay cả NTD, người bán cũng có quyền đối chiếu. Cụ thể, ông có thể gặp ông Lê Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Bình Định để giải quyết vấn đề.

- Tôi tên là Nguyễn Nhất Long, Phó tổng Giám đốc Công ty Liên doanh MOSFLY Việt Nam. Đơn vị chúng tôi liên với Singapore. Vừa rồi chúng tôi có tham quan ở An Nhơn. Nhà cung cấp của chúng tôi nằm ở đó. Hồi nãy tôi có nghe ông Chủ tịch tỉnh nói 1 năm tỉnh Bình Định xuất khẩu khoảng 130 triệu USD (?). Riêng việc chúng tôi xuất khẩu vỏ gáo dừa và hột bời lời cho Bình Định đã vào khoảng trên 1 triệu USD. Vấn đề tôi muốn hỏi là tại sao ta không xuất ngay tại cảng Quy Nhơn cho rẻ mà phải vào Sài Gòn? Chúng tôi muốn xuất ở Cảng Quy Nhơn nhưng người ta lại nói rằng xuất ở Cảng Quy Nhơn đắt hơn nhiều (?). Không biết có đúng như vậy hay không? Cách đây khoảng 1 tuần chúng tôi có đưa một tập đoàn của Trung Quốc sang Việt Nam để tìm đối tác đầu tư trong lĩnh vực thuốc viên. Qua ông Chủ tịch tỉnh chúng tôi được biết tại Bình Định có 1 nhà máy dịch truyền. Vậy chúng tôi xin hỏi ông Chủ tịch là ở đây có thể tiếp nhận  dây chuyền đó được không? Bởi vì, hiện nay việc sản xuất thuốc viên ở Việt Nam còn hạn chế, hầu như rất là khó làm.

+ Tôi xin trả lời ngay. Về mặt chủ trương, tỉnh chúng tôi đồng ý tiếp nhận Dự án mà ông giới thiệu. Theo tôi, ông nên liên doanh với một đơn vị nào đó, nhưng mà tốt nhất là nên liên doanh với Công ty DTTBYT Bình Định. Nếu được thế thì quá đẹp. Nhưng, nếu trường hợp không liên doanh được với Công ty DTTBYT Bình Định, tự mình đầu tư làm thì tỉnh  cũng rất hoan nghênh. Vấn đề ông hỏi việc xuất khẩu nhang qua Cảng Quy Nhơn đắt thì tôi xin xác nhận đúng như vậy. Tuy nhiên, cũng cần hiểu một điều là đặc thù Cảng Quy Nhơn không giống như cảng của TPHCM. Cảng Sài Gòn có thể để nhiều hàng chung trong 1 container, với đủ các loại hàng, đi được nhiều. Riêng Cảng Quy Nhơn, nếu hàng ít quá thì tàu nó không có vô. Đối với nhang, nếu chỉ 1 container thì chở quá cảnh vào TP.HCM thì họ không đi, cũng khó. Không có tàu nào mà vô Cảng Quy Nhơn để lấy nhang 1 tàu. Khó khăn mà ông trình bày là do có yếu tố đó. Nhân đây, tôi cũng xin nói để ông hiểu là tôi cũng đã đi kiểm tra mối quan hệ của cảng Quy Nhơn đối với bạn hàng thì biết rằng: So với cảng Đà Nẵng, Nha Trang nói chung giá ở cảng Quy Nhơn không cao hơn.

. Viết Hiền

(Lược ghi)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chất lượng thịt - Yếu tố quyết định sức cạnh tranh   (31/08/2003)
Thực hiện Chương trình 135: Còn nhiều hạn chế   (29/08/2003)
Chuyển động mới ở Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn   (28/08/2003)
Phòng trừ bọ hại dừa: Đừng để đầu voi đuôi chuột  (27/08/2003)
Các doanh nghiệp đang "dài cổ" chờ điện   (26/08/2003)
Bình Định: thị trường nhiều tiềm năng   (25/08/2003)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài - SOS!   (24/08/2003)
Doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa: Năng động và hiệu quả hơn   (22/08/2003)
Dứa - Cây trồng chủ lực mới   (21/08/2003)
Đá hoa cương Bình Định ở thị trường TP HCM: Sự lựa chọn đầu tiên   (20/08/2003)
Nem Chợ Huyện – tiến tới xây dựng thương hiệu hàng hóa   (19/08/2003)
Doanh nghiệp trợ giúp các xã nghèo: Đừng để "đầu voi đuôi chuột"   (18/08/2003)
Nuôi cá nước ngọt ở các huyện trung du-miền núi: Một hướng đi phù hợp   (17/08/2003)
Kết quả bước đầu đưa bảo hiểm đến hộ nông dân   (15/08/2003)
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Ước vọng 95 triệu USD  (14/08/2003)