Khai thác đá bừa bãi trên núi Hòn Chà: Hậu quả nhãn tiền
16:14', 3/9/ 2003 (GMT+7)

Cơn mưa đầu mùa xua đi cái oi nồng, nóng bức, làm cây trồng đỡ khô khát nhưng đã để lại cho gia đình anh Phan Văn Đĩnh (KV2 phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) đau buồn. Cơn mưa đã gây sạt lở đất, đá núi chôn vùi con anh là Phan Nữ Hoàng Anh (14 tuổi). Anh Đĩnh ngậm ngùi nhớ lại: Chiều hôm đó khi trời mưa, Hoàng Anh lùa bò về qua suối Hố Thác dưới chân núi Hòn Chà bị nước ập xuống đột ngột cuốn trôi. Cả tiếng đồng hồ sau khi nước rút, người ta mới tìm thấy xác Hoàng Anh bị vùi nơi bãi bồi mé suối.

Tai nạn thật đau lòng. Nhiều người dân ở đây nói rằng trước kia con suối Hố Thác không hung dữ như vậy, nhưng từ khi núi Hòn Chà bị khai thác đá, đất núi bị đào bới thành nhiều khe rãnh, thảm thực vật, cây cối không còn, nên khi mưa là nước ầm ầm tuôn xuống gây ngập úng. Ông Lê Bạch Xuân Mai, Phó Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân cho biết: Việc khai thác đá Hòn Chà làm sa bồi thủy phá hơn 3 ha ở cánh đồng Lò Rèn, Đá Bàn (KV4), làm 38 hộ bị đình trệ sản xuất nông nghiệp 3 năm nay. Trận mưa lớn vừa qua không chỉ gây ra cái chết em Hoàng Anh, mà đất núi còn tuôn lấp 1 km mương dẫn nước thoát chảy về bàu Lát, làm cho lòng mương cao hơn mặt đường. Hàng năm, mùa mưa nước trên núi đổ xuống gây ngập úng cho trên 50 nhà dân tổ 1, KV2 và nhiều nhà khu vực lân cận.

Do nạn khai thác đá bừa bãi, đến nay núi Hòn Chà đã tan hoang, kiệt quệ. Thực ra, theo sự quản lý của cơ quan chức năng, các đơn vị khai thác đá núi Hòn Chà phải có phương án bảo vệ môi trường: hoàn thổ, trồng cây xanh, tái tạo lại môi trường sau khai thác, chống xói lở… Thế nhưng, gần chục năm nay không thấy đơn vị nào tái tạo cả, chỉ thấy một số đơn vị mới trồng một ít cây lèo tèo hai bên đường khai thác. Ông Lê Bạch Xuân Mai cho biết thêm: Năm 2002 phường có mời các đơn vị khai thác đá trên địa bàn đi khảo sát thực tế thiệt hại do lở núi gây ra cho ruộng đồng. Tổng trị giá thiệt hại ước tính là 297 triệu đồng, nhưng họ mới chi trả cho dân 90 triệu đồng vào đầu năm 2003. Dân nhiều lần kiến nghị ngành chức năng về sự bồi lấp, úng ngập do khai thác đá núi Hòn Chà, nhưng chưa thấy trả lời…

Hiện nay, mùa mưa đang đến, dãy núi Hòn Chà bị xâm thực nghiêm trọng, hậu quả sẽ không lường hết. Không những ruộng đồng, dân cư ở đây bị đe dọa mà cả một góc KCN Phú Tài có nguy cơ bị bồi lấp. Vấn đề đặt ra là hãy tái tạo lại môi trường núi Hòn Chà trong khi còn chưa muộn.

. Hoàng Lân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hành trình đến với chứng chỉ ISO 9001:2000 của Công Ty Giày Bình Định   (02/09/2003)
Hấp dẫn ngay từ lúc mở màn   (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (31/08/2003)
Chất lượng thịt - Yếu tố quyết định sức cạnh tranh   (31/08/2003)
Thực hiện Chương trình 135: Còn nhiều hạn chế   (29/08/2003)
Chuyển động mới ở Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn   (28/08/2003)
Phòng trừ bọ hại dừa: Đừng để đầu voi đuôi chuột  (27/08/2003)
Các doanh nghiệp đang "dài cổ" chờ điện   (26/08/2003)
Bình Định: thị trường nhiều tiềm năng   (25/08/2003)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài - SOS!   (24/08/2003)
Doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa: Năng động và hiệu quả hơn   (22/08/2003)
Dứa - Cây trồng chủ lực mới   (21/08/2003)
Đá hoa cương Bình Định ở thị trường TP HCM: Sự lựa chọn đầu tiên   (20/08/2003)
Nem Chợ Huyện – tiến tới xây dựng thương hiệu hàng hóa   (19/08/2003)