Chế biến thủy sản xuất khẩu: Cần đồng bộ công nghệ và nguyên liệu
15:51', 5/9/ 2003 (GMT+7)

Cty cổ phần đông lạnh Quy Nhơn nhập nguyên liệu tôm sú để chế biến xuất khẩu (ảnh: PNT)

Những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh chú ý nhiều đến đầu tư thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay tổng năng lực chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh đã đạt 9.000 tấn/năm, vượt 2.000 tấn so với kế hoạch phát triển đến năm 2005 của tỉnh. Song kết quả này vẫn chưa giải quyết hết được vấn đề xuất khẩu hàng thủy sản của địa phương khi nguyên liệu phục vụ cho chế biến vẫn chưa được các DN quan tâm đúng mức.

Ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bình Định, đánh giá: "Năng lực chế biến của các DN chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh những năm gần đây chuyển biến mạnh, cố gắng vượt qua các rào cản kỹ thuật, sức ép thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe. Các DN rất năng động tìm kiếm những mặt hàng mới, mạnh dạn xâm nhập cả vào những thị trường có tính cạnh tranh cao về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, những việc làm này cũng không làm tăng thêm giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh, bởi nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến thiếu trầm trọng". Đến nay, nguồn nguyên liệu mà các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh hoạt động phụ thuộc vào sản lượng khai thác và nuôi trồng trong tỉnh. Trong khai thác, tuy đội tàu đánh bắt của tỉnh không ngừng tăng về số lượng và chất lượng nhưng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến trong tỉnh lại không tăng. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh khai thác được khoảng 80 ngàn tấn hải sản các loại, nhưng số lượng bán trong tỉnh chỉ khoảng 20 ngàn tấn, số còn lại chủ yếu tiêu thụ ngoài tỉnh. Nhưng với số lượng ít ỏi bán trong tỉnh này cũng chỉ 50% đủ chất lượng phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Trong hoạt động nuôi trồng, thế mạnh của Bình Định là nuôi tôm sú, sản lượng tôm thu hoạch hàng năm của tỉnh đạt khoảng 2 ngàn tấn, nhưng không phải tất cả đều đảm bảo chất lượng phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Trong khi đó, theo thống kê của ngành Thủy sản, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh hoạt động hết công suất phải cần đến 17-18 ngàn tấn nguyên liệu/năm. Như vậy, với số lượng nguyên liệu hiện có của tỉnh, nếu được thu mua phục vụ cho chế biến xuất khẩu được hết thì còn thiếu ít nhất 5 ngàn tấn. Chính điều này đã làm cho các DN gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Nhiều DN đã phải nghỉ cả thời gian dài vì không có nguyên liệu để hoạt động.

Sở dĩ có tình trạng trên là bởi các DN chỉ ưu tiên đầu tư cho công nghệ chế biến, mà chưa chú ý đến việc thu mua và chủ động nguồn nguyên liệu. Việc đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm chưa được các chủ tàu và DN thiết lập. Hiện chưa có DN nào chủ động đặt vấn đề thu mua nguyên liệu từ những chủ tàu đánh bắt xa bờ, mà tất cả chỉ thông qua đầu nậu, chấp nhận việc các đầu nậu mua đi bán lại. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm, bởi các cơ sở thu mua tư nhân không có máy móc, thiết bị hiện đại để bảo quản. Do đó, có nhiều tàu sản lượng thu hoạch đạt rất cao nhưng chỉ bán tiêu thụ nội địa, chứ không đủ tiêu chuẩn phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

Việc quan hệ giữa DN với các chủ tàu đánh bắt đã non yếu, việc phối hợp trong công tác nuôi trồng lại càng hạn chế hơn. Hiện nay người nuôi tôm trong tỉnh trình độ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nghề mới đòi hỏi nhiều kiến thức và khoa học kỹ thuật. Trình độ nuôi tôm ở Bình Định chỉ mới đạt mức quảng canh và quảng canh cải tiến, chưa có những vùng nuôi tôm sạch bệnh, an toàn. Chính điều này đã làm giảm nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến thủy sản xuất khẩu.

Để đảm bảo và chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến thủy sản xuất khẩu, thì hơn ai hết các DN phải tự tìm hướng đi cho mình. Hiện Sở Thủy sản đang quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng những vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở Phù Mỹ, Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn, các DN có thể chủ động cùng người nuôi tôm lập kế hoạch tham gia các dự án này, cùng nhau hình thành những vùng nuôi tôm hiệu quả, lợi cả đôi bên. Mối quan hệ giữa DN và các chủ tàu đánh bắt xa bờ cũng vậy. Các DN có thể chủ động đặt vấn đề đầu tư thiết bị bảo quản và ký hợp đồng thu mua nguyên liệu lâu dài từ những tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh. Nếu các DN làm được những điều này thì chắc chắn các nhà máy sẽ đủ nguyên liệu để hoạt động hết công suất và sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu cao.

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sôi động thị trường bánh trung thu   (04/09/2003)
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng được!  (04/09/2003)
Khai thác đá bừa bãi trên núi Hòn Chà: Hậu quả nhãn tiền   (03/09/2003)
Hành trình đến với chứng chỉ ISO 9001:2000 của Công Ty Giày Bình Định   (02/09/2003)
Hấp dẫn ngay từ lúc mở màn   (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (05/09/2003)
Chất lượng thịt - Yếu tố quyết định sức cạnh tranh   (31/08/2003)
Thực hiện Chương trình 135: Còn nhiều hạn chế   (29/08/2003)
Chuyển động mới ở Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn   (28/08/2003)
Phòng trừ bọ hại dừa: Đừng để đầu voi đuôi chuột  (27/08/2003)
Các doanh nghiệp đang "dài cổ" chờ điện   (26/08/2003)
Bình Định: thị trường nhiều tiềm năng   (25/08/2003)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài - SOS!   (24/08/2003)
Doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa: Năng động và hiệu quả hơn   (22/08/2003)