Xôn xao Internet phố huyện
16:33', 7/9/ 2003 (GMT+7)

Một điểm dịch vụ internet ở nông thôn

Mấy tháng gần đây, sự xuất hiện hàng loạt điểm dịch vụ truy cập (DVTC) Internet tại các thị trấn trong tỉnh đã phần nào "giải" được cơn "khát" internet của người dân các huyện và nhất là giới trẻ học sinh, sinh viên.

* Bất ngờ nhu cầu sử dụng internet

Internet công cộng thực tế đã có tại Quy Nhơn từ năm 2000 và phát triển rất mạnh ngay sau đó. Thế nhưng mãi đến gần đây, và nhất là chỉ từ đầu năm đến nay, internet công cộng mới có cơ hội du nhập về đến huyện. Hiện nay phần lớn tại những thị trấn trung tâm của các huyện trong tỉnh đều có các điểm DVTC Internet. Các thị trấn Diêu Trì, Phù Mỹ, Ngô Mây, Bình Định là những nơi có tốc độ phát triển nhanh về loại dịch vụ này (không tính Quy Nhơn). Tại các địa phương trên, khi những dịch vụ đầu tiên mở ra lập tức gặp phải ngay tình trạng "quá tải", cung không đáp ứng đủ nhu cầu của mọi người. Riêng địa bàn thị trấn Phù Mỹ, chỉ trong 1 tháng trở lại đây đã có thêm 4 điểm DVTC Internet xuất hiện, mỗi điểm khoảng từ 10-15 máy thường xuyên có người đến truy cập. Ngay cả ở huyện trung du như Hoài Ân, 2 điểm DVTC Internet xuất hiện tại thị trấn Tăng Bạt Hổ đã có sức thu hút cao đối với giới trẻ.

Những người từng đi tiên phong về loại hình dịch vụ này đều có chung cảm giác rất lo lắng. Đầu tư hàng chục triệu đồng mới hình thành nên điểm DVTC Internet trong khi đó chưa biết nhu cầu sử dụng thực tế như thế nào. Anh Hùng, chủ một điểm DVTC Internet ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, cho biết: "Ban đầu, chúng tôi cứ đắn đo mãi. Không hiểu, liệu việc kinh doanh loại hình này có hiệu quả không, trong khi việc phát triển tin học ở huyện biết vẫn còn nhiều hạn chế. Không ngờ kết quả những ngày đầu cho thấy đây là một hướng đi khá hợp lý. Tôi thật sự kinh ngạc bởi lớp trẻ ở đây đã biết sử dụng khá rành về internet".

* Những lợi ích thiết thực

Thời gian qua, việc xuất hiện các điểm DVTC Internet tại các địa phương cho thấy internet đã thực sự hữu ích cho mọi người, mọi lứa tuổi khác nhau. Bác Túc, ngoài 70 tuổi, ở thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ, tâm sự: "Trước đây khi tôi chưa biết gì về internet, muốn gởi một lá thư cho các con tôi đang định cư ở nước ngoài phải mất hàng tuần thì mới nhận được. Còn bây giờ thì quá khỏe, và cũng quá rẻ... vì chỉ cần bỏ ra 1-2 nghìn đồng, và trong vài phút thì chúng nó đã nhận được thư của tôi. Còn với thằng cháu nội tôi đang học ở Sài Gòn, chúng tôi qui ước rằng, sáng chủ nhật hàng tuần là tôi "chát" với nó một trận cho đỡ nhớ. Như vậy, chỉ cần ngồi trước chiếc máy vi tính đã được nối mạng, cả nhà tôi đều liên lạc được với nhau".

Còn các bạn trẻ, với khát khao được học hỏi, được kết bạn với mọi người trên mọi miền đất nước, thì đây là cơ hội để cho các bạn gia nhập. Những bạn ham thích đọc báo, thì tại những vùng quê xa, khi những tờ báo phát hành tại TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội phải ít nhất vài ngày để về đến nơi thì các bạn trẻ có thể đọc được những tờ báo điện tử chỉ sau vài cái nhấp chuột. Bạn Trần Anh Hoàng, ở huyện Hoài Ân, thốt lên khi lần đầu tiên làm quen với internet: "Thích thật, chỉ cần ngồi ở đây tôi có thể biết những tin tức thời sự trên cả thế giới xảy ra ngay trước đó bằng các tờ báo điện tử".

Ngoài ra, giá cả cũng là một nguyên nhân khiến mọi người lựa chọn internet công cộng. Với mức giá thu quân bình 4.000đ/máy/giờ truy cập hiện nay tại các DVTC Internet là thấp hơn nhiều so với giá truy cập từ một chiếc máy tính cá nhân ở nhà. Anh Phạm Quang Hoàng, chủ dịch vụ Internet 688 ở thị trấn Phù Mỹ, phân tích: "Thời gian truy cập khoảng 1 giờ từ máy đơn ở nhà thì chỉ tính riêng tiền gọi điện thoại nội hạt cũng đã hơn 4.000 đồng rồi. Đó là chưa kể đến khoản tiền truy cập số 1260, hoặc 1269… và các khoản khác nữa".

* Cần một biện pháp quản lý thích hợp

Vừa qua, Đội kiểm tra liên ngành 814 của tỉnh đã phát hiện 12/31 điểm DVTC Internet vi phạm, trong đó chủ yếu là những địa chỉ, những trang Web có nội dung khiêu dâm, đồi trụy. Điều này cho thấy, tình trạng trên vẫn còn xảy ra khá nhiều tại các điểm DVTC Internet trong tỉnh nói chung và tại các huyện nói riêng. Qua tiếp xúc với một số chủ dịch vụ này chúng tôi nhận thấy những trường hợp đáng tiếc xảy ra đều không phải do các điểm dịch vụ cố tình mà phần lớn là sự quản lý lỏng lẻo của các điểm truy cập Internet.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy việc phát triển rầm rộ các điểm DVTC Internet tại các huyện trong tỉnh đã mang lại những lợi ích thiết thực không nhỏ. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý tích cực hơn nữa để loại hình dịch vụ này ngày càng phát triển sâu, rộng hơn và có ý nghĩa thiết thực hơn.

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chế biến thủy sản xuất khẩu: Cần đồng bộ công nghệ và nguyên liệu   (05/09/2003)
Sôi động thị trường bánh trung thu   (04/09/2003)
Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng được!  (04/09/2003)
Khai thác đá bừa bãi trên núi Hòn Chà: Hậu quả nhãn tiền   (03/09/2003)
Hành trình đến với chứng chỉ ISO 9001:2000 của Công Ty Giày Bình Định   (02/09/2003)
Hấp dẫn ngay từ lúc mở màn   (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (01/09/2003)
Ghi nhận về một "cuộc gặp gỡ chất lượng cao"  (05/09/2003)
Chất lượng thịt - Yếu tố quyết định sức cạnh tranh   (31/08/2003)
Thực hiện Chương trình 135: Còn nhiều hạn chế   (29/08/2003)
Chuyển động mới ở Công ty Cổ phần đông lạnh Quy Nhơn   (28/08/2003)
Phòng trừ bọ hại dừa: Đừng để đầu voi đuôi chuột  (27/08/2003)
Các doanh nghiệp đang "dài cổ" chờ điện   (26/08/2003)
Bình Định: thị trường nhiều tiềm năng   (25/08/2003)
Ô nhiễm môi trường tại KCN Phú Tài - SOS!   (24/08/2003)